Dự án BOT cảng hàng không Phan Thiết: Quan ngại về khả năng huy động vốn

0:00 / 0:00
0:00
Có nhiều nội dung trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh Dự án BOT cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng cần được tiếp tục giải trình, làm rõ trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Dự án Cảng hàng không Phan Thiết có thời gian thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài tới 3 năm Dự án Cảng hàng không Phan Thiết có thời gian thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư kéo dài tới 3 năm

Lệch pha tiến độ

Hội đồng Thẩm định liên ngành vừa có Báo cáo số 4823/BC-HĐTĐLN gửi UBND tỉnh Bình Thuận kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT. Theo đó, Hội đồng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận, trong vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải trình, làm rõ, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án theo ý kiến của Hội đồng.

“UBND tỉnh Bình Thuận phải khẳng định rõ hồ sơ Dự án đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, điều chỉnh chủ trương đầu tư và chịu trách nhiệm về thông tin, số liệu, các nội dung liên quan”, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định liên ngành nêu rõ.

Dự án trên là một trong các dự án hạ tầng hàng không có thời gian thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư lâu nhất, kéo dài tới 3 năm tính từ khi Hội đồng Thẩm định liên ngành được thành lập (tháng 5/2021).

Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã có nhiều tờ trình đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án. Gần đây nhất, tại Tờ trình số 838/TTr-UBND ngày 11/3/2024, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án là cần thiết do Quy hoạch Phát triển giao thông hàng không giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nâng quy mô Cảng hàng không Phan Thiết từ cấp 3C lên cấp 4E

Được biết, Cảng hàng không Phan Thiết gồm hai phần chính: phần quân sự do Bộ Quốc phòng đầu tư và phần hàng không dân dụng là cảng hàng không cấp 4C, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư năm 2015.

Đối với hạng mục hàng không dân dụng, UBND tỉnh Bình Thuận đã ký hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông triển khai Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết, với tổng mức đầu tư 1.548,629 tỷ đồng; thời gian thu phí hoàn vốn là 70 năm; thời gian xây dựng dự án 3 năm. Công trình đã được khởi công năm 2015, theo kế hoạch phải hoàn thành năm 2018.

Tuy nhiên, đến tháng 8/2023, UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn Dự án BOT Cảng hàng không Phan Thiết với Công ty cổ phần Rạng Đông để lựa chọn nhà đầu tư thay thế.

Một trong những điểm cấn cá lớn nhất tại đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư được đề cập trong Báo cáo số 4823/BC-HĐTĐLN là sự phù hợp của tiến độ thực hiện Dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức BOT.

Tại Tờ trình số 838/TTr- UBND, UBND tỉnh Bình Thuận đề xuất lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong vòng 3 tháng (từ tháng 4/2024 đến tháng 6/2024); lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn nhà thầu và xây dựng hoàn thành công trình trong 24 tháng (tháng 6/2024 - tháng 5/2026).

Theo Hội đồng Thẩm định liên ngành, thời gian triển khai nêu trên tương đối ngắn và đã quá mốc thời gian dự kiến. Vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận cần chỉ đạo các đơn vị chủ động chuẩn bị các hồ sơ liên quan, rà soát, cập nhật lại tiến độ để đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh đó, Dự án dự kiến chọn được nhà đầu tư mới vào tháng 10/2024, bắt đầu vận hành khai thác từ tháng 6/2026, trong khi dự án quân sự sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2024. Do thời gian thực hiện 2 dự án (quân sự và dân dụng) không khớp nhau, nên sẽ phát sinh vướng mắc trong quá trình thi công, vận hành, khai thác (phần sân bay quân sự).

“UBND tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm phối hợp với Bộ Quốc phòng, tham vấn kỹ lưỡng các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Giao thông - Vận tải để khắc phục tình trạng lệch pha này để không ảnh hưởng đến quá trình khai thác của dự án quân sự”, Hội đồng Thẩm định liên ngành khuyến nghị.

Cảnh báo về sức hấp dẫn

Tại Tờ trình số 838/TTr- UBND và Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận xác định, tổng mức đầu tư Dự án là 5.077 tỷ đồng.

Theo Hội đồng Thẩm định liên ngành, đây là dự án điều chỉnh, nhưng sơ bộ tổng mức đầu tư lại được lập như đối với dự án mới. Do vậy, UBND tỉnh Bình Thuận cần bổ sung thuyết minh, cơ sở tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án điều chỉnh, trong đó làm rõ các nội dung, hạng mục, chi phí đã thực hiện; các hạng mục chi phí mới cập nhật bổ sung.

Bên cạnh đó, tại Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, UBND tỉnh Bình Thuận xác định, vốn do nhà đầu tư duy động là 5.057,521 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư là 758,66 tỷ đồng (15%), còn lại sẽ vay tín dụng.

Báo cáo số 4823/BC-HĐTĐLN cho biết, Ngân hàng Nhà nước - thành viên của Hội đồng Thẩm định liên ngành cho rằng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia Dự án còn ở mức thấp. Để tăng tính khả thi, hiệu quả Dự án, UBND tỉnh Bình Thuận cần xem xét tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư; đồng thời đánh giá kỹ khả năng đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai Dự án.

Trước đó, tại Văn bản số 3354/NHNN-TD góp ý về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra quan ngại về khả năng huy động vốn cho Dự án.

Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Dự án có thời gian hoàn vốn rất dài (45 năm), đồng thời theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, nếu tổng mức đầu tư tăng quá 5% hoặc sản lượng khai thác sụt giảm quá 5%, sẽ làm kéo dài thời gian hoàn vốn trên 50 năm. Như vậy, Dự án có rủi ro cao, đặc biệt là số liệu dự báo các yếu tố cấu thành phương án tài chính.

Bên cạnh đó, trong 31 năm đầu khai thác, Dự án không có khả năng hoàn trả nợ gốc vay. Trong bối cảnh vốn thực hiện Dự án phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay tín dụng, nếu phương án tài chính không đảm bảo trả nợ, sẽ khó có khả năng huy động vốn tín dụng ngân hàng.

“UBND tỉnh Bình Thuận cần nghiên cứu đa dạng các nguồn vốn, để giảm sự phụ thuộc vào một nguồn vốn, nhất là vốn tín dụng, tránh tình trạng Dự án được phê duyệt nhưng không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, không huy động đủ vốn”, đại diện Ngân hàng Nhà nước cảnh báo.

Dự kiến quy mô đầu tư theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận

Giai đoạn I đầu tư từ năm 2024 với các hạng mục sau: hệ thống đường lăn gồm 2 đường lăn sân đỗ với đường lăn song song; sân đỗ máy bay hàng không dân dụng có diện tích xây dựng 93.721 m2; nhà ga hành khách có diện tích 16.185 m2, công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm; đài kiểm soát không lưu; sân đỗ ô tô trước nhà ga hành khách có diện tích 13.677 m2; nhà văn phòng điều hành cảng, nhà xe ngoại trường, trung tâm khẩn nguy cứu hoả; trạm điện, trạm nhiên liệu, đường vành đai, hàng rào an ninh…

Giai đoạn II đầu tư sau năm 2036 với các hạng mục: xây dựng thêm sân đỗ máy bay hàng không dân dụng với diện tích xây dựng 8.879 m2; mở rộng nhà ga thêm 3.015 m2 để đạt công suất 3 triệu hành khách/năm; mở rộng sân đỗ ô tô trước nhà ga hành khách thêm 3.233 m3; khu chế biến suất ăn hàng không; khu hangar; khu hàng không chung và các công trình phụ trợ khác.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục