Dow Jones: Công cụ cũ liệu có lỗi thời?

(ĐTCK) Trong tuần này, chỉ số Dow Jones Industrial Average sẽ đón sinh nhật lần thứ 124. Sự kiện này chợt nhắc nhớ các thành viên thị trường rằng chỉ số này dường như đã “già” và đang bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, một công cụ cũ liệu có lỗi thời?
Ảnh: AFP

Nếu như những vết nhăn đại diện cho tuổi tác, thì diễn biến chỉ số, cũng như các doanh nghiệp thành phần đang thể hiện Dow Jones là chỉ số của thế hệ ông bà, khó lòng bắt kịp sức khỏe của nhóm trẻ tuổi hơn như Nasdaq hay S&P 500. Boeing Co, doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất của chỉ số Dow Jones vào đầu tháng 2/2020 vẫn giữ xu hướng xuống dốc cho tới nay, trong khi các cổ phiếu công nghệ thuộc Nasdaq đảo chiều hồi phục tích cực. Không ít ý kiến tỏ ra nghi ngại, liệu chỉ số Dow Jones có còn đại diện cho nền kinh tế thế kỷ 21 nữa hay không, nhất là trong thời đại của Covid-19?

Kể từ đầu năm 2020 tới nay, chỉ số Dow Jones đã giảm 14% và thậm chí từng giảm tới 35% vào thời điểm tệ nhất. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq 100 đã tăng hơn 7% trong cùng khoảng thời gian và S&P 500 tăng hơn 9%.

Tất nhiên, Dow Jones đã từng trải qua nhiều giai đoạn lịch sử trước đây và sống sót. Dù có các dấu hiệu của tuổi tác nhưng việc các chỉ số có màn biểu diễn chênh lệch là thường gặp và việc đánh giá hiệu quả của chỉ số dựa vào mức độ tăng là không đúng với mục tiêu sử dụng chỉ số. Dẫu vậy, việc nhìn nhận những chênh lệch cũng phần nào phục vụ quá trình đưa ra quyết định của nhà đầu tư.

Diễn biến chênh lệch giữa các chỉ số sẽ có ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư của các quỹ theo dõi chỉ số, cũng như các nhà đầu tư rót tiền vào các chứng chỉ quỹ này. Hiện tại, có khoảng 11.200 tỷ USD trên thị trường thuộc về hoặc tập trung vào các tài sản gắn với S&P 500, theo số liệu của S&P Dow Jones Indices, chưa kể 4.600 tỷ USD các loại tài sản thụ động khác. Con số này với Dow Jones lần lượt là 31,5 tỷ USD và 28,2 tỷ USD.

Nhờ việc tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ, các chỉ số trẻ như Nasdaq và S&P 500 càng có cơ hội phô diễn sức mạnh so với Dow Jones. Kể từ đầu năm 2020 tới nay, Nasdaq đã có màn biểu diễn vượt trội hơn so với Dow Jones ít nhất 1% trong 17 ngày. Con số này nhiều hơn bất kỳ năm năm kể từ 2009 tới nay, theo số liệu tổng hợp bởi Bloomberg.

Nguyên tắc lựa chọn cổ phiếu của Dow Jones khiến các doanh nghiệp đang tăng trưởng nóng hiện tại không thể góp mặt. Chẳng hạn, Amazon.com chứng kiến giá cổ phiếu tăng 35% kể từ đầu năm tới nay, hiện đóng góp 10% cho đà tăng của chỉ số S&P 500 và khoảng 50% cho Nasdaq. Tuy nhiên, mức giá 2.500 USD/cổ phiếu của Amazon khiến tên tuổi này không thể góp mặt trong chỉ số Dow Jones.

Những tên tuổi khác còn có thể kể tới Nvidia Corp, Netflix Inc và PayPal Holdings Inc - đây đều là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn trong bối cảnh đại dịch bùng nổ, chứng kiến giá cổ phiếu tăng ít nhất 30% kể từ đầu năm tới nay và tất cả đều không thuộc Dow Jones.

Chỉ số Dow Jones được “khai sinh” ngày 26/5/1896, có cách xây dựng khác biệt so với nhiều chỉ số hiện nay. Dow Jones được tính theo phương pháp trọng số giá (lấy tổng giá của 30 cổ phiếu thành phần chia cho một ước số biến đổi liên tục). Phương pháp này loại bỏ một số công ty lớn nhất thế giới ra khỏi chỉ số, bao gồm cả Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) bởi giá cổ phiếu ở mức trên 1.000 USD/cổ phiếu.

Bên cạnh đó, việc lựa chọn doanh nghiệp được thực hiện bởi một hội đồng, với mục tiêu duy trì sự hiện diện của các cổ phiếu đại diện cho những ngành công nghiệp một cách cân bằng, ưa chuộng công ty có danh tiếng tốt, tăng trưởng bền vững và mang lại lợi ích cho số lượng lớn nhà đầu tư.

“Nếu tập trung vào chỉ số Dow Jones, nhà đầu tư đã bỏ lỡ một số thành phần lớn của thị trường. Thật lòng không muốn nói rằng Dow Jones đã cũ, nhưng dễ nhận thấy nó đã phần nào đi sau thời đại”, Ryan Detrick, chiến lược gia cấp cao tại LPL Financial chia sẻ.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, Dow Jones có thể là chỉ số đang phản ánh chính xác nhất tình trạng của nền kinh tế, cũng như diễn biến thị trường chứng khoán một cách hợp lý, bởi nó không bị thống trị bởi các hãng công nghệ lớn. Đà tăng của Amazon hay Netflix rõ ràng không thể hiện những số liệu của khủng hoảng kinh tế, khi hơn 20 triệu người dân Mỹ đang phải xin trợ cấp thất nghiệp và hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng.

“Covid-19 đã phóng đại những bất bình đẳng trong nền kinh tế, khi đà tăng chỉ tập trung vào một nhóm nhỏ. Đa phần các doanh nghiệp vẫn đang trong thời kỳ đi xuống”, Nela
Richardson, chiến lược gia đầu tư tại Edward Jones nhận định.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục