Ông Trump khiến giới đầu tư hồ hởi trở lại

(ĐTCK) Trong bối cảnh nỗi lo đại dịch Covid-19 nhấn chìm các thị trường tài chính toàn cầu, giới đầu tư được Tổng thống Mỹ Donald Trump ném cho chiếc phao, giúp phố Wall hồi sinh mạnh mẽ trong phiên cuối tuần (13/3).
Ảnh AFP Ảnh AFP

Nỗi lo sự bùng phát của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế toàn cầu khiến phố Wall liên tiếp chứng kiến những phiên giảm điểm ký lục trong tuần qua, đặc biệt là phiên thứ Năm 12/3 khi gợi nhớ lại cho nhà đầu tư về phiên “thứ Hai đen” năm 1987.

Khi niềm tin của nhà đầu tư đang cạn kiệt, thì Tổng thống Trump đã kịp thời ném ra chiếc phao cưu sinh khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia giúp giải phóng 50 tỷ USD để đối phó với đại dịch Covid-19.

Gói 50 tỷ USD này, cùng với kỳ vọng về việc Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới sau khi đã giảm mức kỷ lục 0,5% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 đầu tháng 3 vừa qua, giúp phố Wall khởi sắc trở lại trong phiên cuối tuần, lấy lại được gần hết những gì đã đánh mất trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Dow Jones tăng 1.985,00 điểm (+9,36%), lên 23.185,62 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 230,83 điểm (+9,29%), lên 2.711,02 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 673,07 điểm (+9,35%), lên 7.874,88 điểm.

Tuy khởi sắc trong phiên cuối tuần, nhưng chỉ đù bủ đắp phần nào đó cho phiên thứ Năm, nhưng không thể bù đắp hết được những phiên lao dốc trước đó, khiến phố Wall có tuần giảm mạnh.

Cụ thể, trong tuần chỉ số Dow Jones giảm 10,36%, chỉ số S&P giảm 8,79% và Nasdaq giảm 8,17%.

Chứng khoán châu Âu cũng có những phút giao dịch đầy hứng khởi nửa đầu phiên cuối tuần trước, bù đắp lại gần hết những gì đã mất trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, chứng khoán khu vực này sau đó đã quay đầu và chỉ may mắn giữ được mức tăng khiêm tốn khi chốt phiên cuối tuần sau khi Tây Ban Nha công bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. Tiếp sau đó là WHO công bố châu Âu là “trung tâm” mới của dịch Covid-19 và Mỹ sau đó cũng công bố tình trạng cẩn cấp quốc gia.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) tăng 128,63 điểm (+2,46%), lên 5.366,11 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) tăng 70,95 điểm (+0,77%), lên 9.232,08 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 74,11 điểm (+1,83%), lên 4.118,36 điểm.

Phiên hồi phục nhẹ nhàng cuối tuần dù giúp chứng khoán châu Âu chấm dứt chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp, nhưng không thể giúp chứng khoán khu vực này thoát khỏi tuần giảm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Cụ thể trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 16,97%, chỉ số DAX giảm 20,01%, chỉ số CAC40 giảm 19,86%. Trong khi đó, chỉ số chung của khu vực là STOXX 600 giảm 18% trong tuần, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Trong khi đó, chứng khoán châu Á tiếp tục chứng kiến phiên bán tháo cuối tuần qua khi nỗi lo dịch bệnh Covid-19 ngày một lan rộng và ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế toàn cầu. Dù vậy, lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực đã giúp chặn bớt đà rơi của các thị trường.

Kết thúc phiên 13/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 1.128,58 điểm (-6,08%), xuống 17.431,05 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 36,06 điểm (-1,23%), xuống 2.887,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 276,16 điểm (-1,14%), xuống 24.032,91 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 62,89 điểm (-3,43%), xuống 1.771,44 điểm.

Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 15,99%, tuần giảm tồi tệ thứ 2 trong lịch sử sau tuần giảm 24,33% vào tháng 10/2008. Chỉ số Hang Seng giảm 8,08%, chỉ số Shanghai Composite giảm 4,85% và Kospi giảm 13,17%.

Giá vàng vốn đã không thể tận dụng được sự hoảng sợ của nhà đầu tư để tăng giá, nên khi chứng khoán khởi sắc trở lại, giá kim loại quý này dĩ nhiên tiếp tục bị nhấn chìm trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 13/3, giá vàng giao ngay giảm 45,5 USD (-3,46%), xuống 1.529,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 73,6 USD (-4,63%), xuống 1.516,7 USD/ounce.

Hai phiên giảm mạnh liên tiếp cuối tuần khiến giá vàng chốt tuần qua giảm mạnh 8,59% và 9,31%.

Bất chấp tuần lao dốc và diễn biến khó lường, nhưng giới đầu tư vẫn đặt kỳ vọng vào việc giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần mới, trong khi giới phân tích cũng không quá bi quan.

Cụ thể, trong 15 chuyên gia được hỏi trả lời tuần này, có 6 chuyên gia, chiếm 40% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới. Đó cũng là con số dự báo chiều ngược lại. 3 người còn lại, chiếm 20% dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Trong khi đó, trong 1.434 lượt nhà đầu tư trả lời thăm dò trực tuyến, có 873 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, chiếm 61%; 363 lượt, chiếm 25% dự báo giá sẽ còn giảm và 198 lượt, chiếm 14% dự báo giá đi ngang.

Trong khi đó, kỳ vọng về gói hỗ trợ và Fed tiếp tục giảm lãi suất, đặc biệt là việc ông Trump phát biểu cho biết, tận dụng sự sụt giảm của giá dầu, Mỹ sẽ gia tăng lượng mua vào để lấp đầy kho dự trữ quốc gia, giá dầu thô đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần. Dù vậy, cũng không tránh khỏi tuần lao dốc do cuộc chiến giá dầu giữa Ả Rập Xê út và Nga bắt đầu từ ngày thứ Hai (9/3).

Kết thúc phiên 13/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 1,40 USD (+4,62%), lên 31,73 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent tăng 1,75 USD (+5,27%), lên 34,97 USD/thùng.

Dù hồi phục trong phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô cũng không tránh khỏi tuần giảm sâu hơn 20%, mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ năm 2008. Trong đó, giá dầu thô Mỹ giảm 23,13%, còn giá dầu thô Brent giảm 22,75%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục