WHO công bố Covid-19 là đại dịch, giới đầu tư hoảng sợ

(ĐTCK) Sau phiên hồi phục mạnh hôm thứ Ba nhờ thông tin về các gói kích thích kinh tế, chứng khoán toàn cầu một lần nữa lại bị nhấn chìm bởi virus Corona chủng mới (Covid-19).
WHO công bố Covid-19 là đại dịch, giới đầu tư hoảng sợ

Hôm thứ Tư (11/3) theo giờ Mỹ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công bố dịch bệnh do virut corona gây ra là đại dịch, với các trường hợp mắc bệnh bên ngoài Trung Quốc đại lục gia tăng gấp 13 lần.

Sự lây lan của loại virus này diễn ra rất nhanh tại châu Âu và Mỹ, kèm theo đó là số người chết cũng tăng nhanh, đặc biệt là tại Italy.

Thông tin về Covid-19 một lần nữa khiến giới đầu tư hoảng sợ, đẩy mạnh bán ra trong phiên thứ Tư, khiến phố Wall trả lại hết những gì đã có trong phiên hồi phục trước đó, thậm chí còn thâm hụt vào vốn.

Phiên giảm điểm này khiến S&P 500 đã mất 20% so với mức đỉnh xác lập hôm 19/2, còn Dow Jones cũng mất 20% so với mức đỉnh lập hôm 12/2, chính thức xác định thị trường gấu.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Dow Jones giảm 1.464,94 điểm (-5,86%), xuống 23.553,22 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 140,85 điểm (-4,89%), xuống 2.741,38 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 392,20 điểm (-4,70%), xuống 7.952,05 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các thị trường chính trong khu vực mở cửa với sắc xanh khi Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tung gói kích thích kinh tế, nhưng sau đó đã quay đầu đi xuống và đóng cửa trong sắc đỏ khi WHO công bố Covid-19 là đại dịch. Chỉ số chứng khoán chung STOXX 600 của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 83,71 điểm (-1,40%), xuống 5.876,52 điểm. Chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) giảm 36,81 điểm (-0,35%), xuống 10.438,68 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) giảm 26,36 điểm (-0,57%), xuống 4.610,25 điểm.

Chứng khoán châu Á cũng đồng loạt quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Tư, trong đó chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc giảm mạnh, riêng chứng khoán Hàn Quốc xuống mức thấp nhất 4 năm khi nỗi lo bùng phát của dịch Covid-19 lấn át sự kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên 11/3, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 451,06 điểm (-2,27%), xuống 19.416,06 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,24 điểm (-0,94%), xuống 2.968,52 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 160,90 điểm (-0,63%), xuống 25.231,61 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 54,66 điểm (-2,78%), xuống 1.908,27 điểm.

Bất chấp sự hoảng sợ gia tăng sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch, giá vàng vàng vẫn tiếp tục giảm trong phiên thứ Tư. Với diễn biến thế giới hiện tại, đại dịch này tác động xấu tới kinh tế toàn cầu khiến nhu cầu kim loại quý giảm, mạnh hơn là nhu cầu trú ẩn an toàn, khiến giá vàng giảm bất chấp chứng khoán lao dốc.

Kết thúc phiên 11/3, giá vàng giao ngay giảm 14,1 USD (-0,86%), xuống 1.634,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 18,0 USD (-1,08%), xuống 1.642,3 USD/ounce.

Giá dầu thô sau phiên hồi phục tốt trước đó đã nhanh chóng quay đầu giảm mạnh sau khi WHO công bố dịch Covid-19 là đại dịch, trong khi Ả Rập Xê út có kế hoạch tăng sản lượng để thực hiện cuộc chiến giá dầu với Nga.

Kết thúc phiên 11/3, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,38 USD (-4,02%), xuống 32,98 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 1,43 USD (-3,84%), xuống 35,79 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục