Khi “vũ khí hạng nặng” ông Trump dùng để tranh cử rớt giá

Thêm một phiên rơi điểm hôm 20/3, chỉ số Dow Jones đã xuống thấp hơn so với thời điểm Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Thị trường chứng khoán là một trong những "vũ khí hạng nặng" mà lâu nay Trump dựa vào để chứng minh năng lực lãnh đạo và vận động tranh cử. Ảnh: AFP Thị trường chứng khoán là một trong những "vũ khí hạng nặng" mà lâu nay Trump dựa vào để chứng minh năng lực lãnh đạo và vận động tranh cử. Ảnh: AFP

Vốn hóa hơn 8.000 tỷ USD bị “đốt bay”

Trước khi tuyên thệ nhậm chức Tổng thống, ông Trump dõng dạc tuyên bố ông sẽ dùng thị trường chứng khoán là thước đo quan trọng cho sự thành công của mình tại Nhà Trắng. New York Times đã đầy dụng ý khi nhắc lại dòng tweet đánh giá thị trường chứng khoán của Trump sau khi ông đắc cử. “Thị trường thế giới thật ảm đạm trước khi tôi giành chiến thắng - chẳng hy vọng gì”, Trump viết trên trang Twitter cá nhân vào ngày 26/12/2016. Kể từ khi đắc cử, Trump cho rằng thị trường chứng khoán đã tăng lên 10%.

Ba năm qua, người đứng đầu Nhà Trắng bị ám ảnh bởi biến động hàng ngày trên thị trường chứng khoán mà trước đó chẳng vị tổng thống Mỹ nào “dính” nhiều đến chứng khoán như Trump. Ông từng không tiếc lời ngợi ca sự trỗi dậy không ngừng của thị trường đã minh chứng cho năng lực lãnh đạo, sự nhạy bén tài chính và các chính sách của mình, còn những ngày thất vọng của chứng khoán Mỹ là lỗi của đảng Dân chủ, lỗi truyền thông hoặc của Cục dự trữ liên bang Mỹ.

Trump cũng cảnh báo thị trường chứng khoán sẽ sụp đổ nếu ông Trump bị kết luận có tội hoặc nếu có ai đó ngoài tôi tiếp quản (Nhà Trắng) trong năm 2020.

Giờ đây những lời khoe khoang ngày nào và lời đe dọa thị trường sụp đổ của Trump đã bay hơi cùng với hàng nghìn tỷ USD. Phiên giao dịch ngày 20/3 đã "góp sức" cơi nới cuộc khủng hoảng kéo dài cả tháng qua của chứng khoán Mỹ, với chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones rớt điểm khoảng 4,5% xuống dưới mức khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức Tổng thống ngày 20/1/2017. Chỉ số S&P 500 cũng “bốc hơi” hơn 4%, dù thời gian trước đó cả hai chỉ số này đã liên tục tăng dưới sự “điều tiết” của Trump.

Chứng khoán Mỹ nổ bay khoảng 35% kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu lan rộng toàn cầu vào tháng trước. Đây là một trong những thời kỳ hủy diệt nhất trong lịch sử tài chính Mỹ với hơn 8.000 tỷ USD giá trị vốn hóa đã bị “đốt bay”.

Thị trường chứng khoán Mỹ tháng trước ghi nhận 4 lần “ngắt cầu dao” ngừng giao dịch để ngăn các làn sóng bán tháo chóng mặt. Độ lao dốc của chứng khoán Mỹ còn chạm tới đáy sâu nhất kể từ năm 1928.

Tuy nhiên, đó dường như không phải lỗi của Trump, dù một số quyết định của ông không giúp ích nhiều cho thị trường, ngay cả việc ông tuyên bố giảm thiểu các nguy cơ của virus Covid-19. Đại dịch lan nhanh đã buộc các nước trên thế giới phải đóng cửa nền kinh tế và nước Mỹ không phải ngoại lệ, bất kể ai là “ông chủ” Nhà Trắng.

Thứ khiến người ta choáng váng là tốc độ và mức thiệt hại khi thị trường chứng lao dốc, bởi chỉ mới 1 tháng trước, đúng vào ngày 19/2, Trump vẫn trong tư thế vỗ ngực bởi lúc đó thị trường chứng khoán lập mốc tăng kỷ lục trong lịch sử.

Từ đầu nhiệm kỳ Tổng thống, một số chính sách của Trump dường như được thiết kế riêng nhằm đưa thị trường chứng khoán lên nấc thang mới. “Thành tựu” lập pháp mang tính bước ngoặt của Trump là gói cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD mà ông đã ký ban hành luật cuối năm 2017. Đây là phần thưởng hậu hĩnh cho doanh nghiệp Mỹ.

Phần thưởng như “mưa lộc” từ Trump đã “vỗ béo” lợi nhuận của doanh nghiệp Mỹ. Không ít doanh nghiệp điên cuồng tung tiền mua cổ phiếu quỹ, đẩy giá cổ phiếu liên tục lên cao.

Nhà đầu tư thích thú. Các ngân hàng cũng hào hứng còn các giám đốc điều hành doanh nghiệp cũng thỏa lòng. “Mưa lộc” từ Trump và thị trường tăng tốc theo hướng chẳng ai nghĩ sẽ quay đầu, khiến cả những người vốn “nhăn nhó” trước các tuyên bố và chính sách xã hội của Trump cũng phải xuôi lòng.

“Thị trường sẽ tự thân vận động”

Có lẽ không chẳng ai yêu thị trường chứng khoán như Trump. Đếm ra, ông chủ Nhà Trắng đã 113 lần đăng tweet về thị trường chứng khoán kể từ nắm quyền Tổng thống. Trump cũng luôn miệng ngợi ca các kỷ lục chứng khoán trong những lần đi vận động tranh cử.

New York Times ví von Trump, ở một góc độ nào đó, với nỗ lực định hướng thị trường chứng khoán - tài chính, có nét giống với các thủ lĩnh doanh nghiệp truyền thống như Sandy Weill.

Thời đương chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Citigroup, Sandy Weill luôn chăm chăm cập nhật giá cổ phiếu của công ty và xem đó là thước đo tốt nhất đánh giá năng lực bản thân.

Thế nhưng, 2 năm sau khi Weill nghỉ hưu năm 2006, Citigroup chìm sâu trong nợ nần và gánh nặng “tài sản độc hại” sau nhiều năm thiếu thận trọng về tài chính, đến mức tập đoàn này phải cầu gói cứu trợ hỗ trợ thuế 45 tỷ USD từ chính quyền.

Khi “vũ khí hạng nặng” ông Trump dùng để tranh cử rớt giá ảnh 1

Nhà đầu tư bất an trước những trồi sụt bất thường khó đoán của chứng khoán Mỹ. Ảnh: AFP

Việc Trump liên tục dùng tín dụng kích thích thị trường chứng khoán lên các mốc kỷ lục đã khiến Trump bị đổ lỗi khi chứng khoán rớt điểm không thương tiếc.

Nhưng xem ra vận may của Trump vẫn đan xen. Giữa lúc thị trường chứng khoán đi xuống không phanh, vẫn có những thành viên miễn cưỡng ủng hộ Trump quan sát thị trường lao dốc với vẻ "vui sung sướng trên nỗi đau của người khác".

Chủ tịch của Trung tâm vì sự Tiến bộ của Mỹ Neera Tanden lập luận: “Nếu bạn sống nhờ chứng khoán, bạn cũng có thể chết vì chứng khoán”. Bà Tanden hy vọng, với việc Trump không còn có thể “đắm mình” trong sự ấm áp khi chứng khoán lên điểm, công chúng sẽ có cái nhìn rõ hơn về những thiếu sót của Trump. Nhưng, “tôi không phải cổ suý cho thị trường chứng khoán đi xuống”, Tanden nói.

Không ngạc nhiên khi những người phe Dân chủ càng mất niềm tin vào Trump. Nhóm chuyên gia kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts - những người chuyên nghiên cứu dữ liệu danh mục đầu tư chứng khoán cho hàng triệu nhà đầu tư - cho biết, một số nhà đầu tư thuộc phe Dân chủ đã tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán.

“Những người mà nhiều khả năng về phe Cộng hòa sau cuộc bầu cử năm 2016, có thể vẫn rót tiền vào chứng khoán, nhưng phe Dân chủ thì ngược lại”, GS. Antoinette Schoar của Viện Công nghệ Massachusetts.

Có những phán xét khác nhau về đầu tư chứng khoán dưới thời Trump. Khi thị trường đi lên trong một thời gian dài, ai không đầu tư thì bị xem là bỏ lỡ cơ hội, còn này thời điểm hiện nay đó là quyết định tồi tệ.

Ngay cả khi thị trường chứng khoán tháng này đổ sụp, Trump vẫn tin vào những ngày tốt đẹp. Khi Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng chiều ngày 13/3, thị trường chứng khoán đã lên điểm 9%, nhưng từng đó chưa đủ để thị trường "hồi sức" sau phiên lao dốc trước đó. Thế nhưng, Trump vẫn rất hân hoan vẽ ra biểu đồ hoạt động thị trường chứng khoán của ngày hôm đó và gửi đến một biên tập viên của kênh truyền hình Fox Business.

Tại buổi họp báo ngắn đầu tuần này, Trump đã đổi giọng rất triết lý khi cho rằng điều tốt nhất có thể làm cho chứng khoán là khống chế dịch Covid-19. “Thị trường sẽ tự thân vận động”, Trump nói.

Trump lâu nay được biết đến thường dựa vào ba yếu tố: phát triển kinh tế, chỉ số trên thị trường chứng khoán - tài chính và tỷ lệ cử tri ủng hộ khi vận động tranh cử, nhưng đáng ngại là cả ba yếu tố này đều đang bị dịch Covid-19 "vùi dập".

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục