Đột phá, dám nghĩ, dám làm

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.
Đột phá, dám nghĩ, dám làm
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng là phải xây dựng Nghị quyết theo tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động, phục vụ nhân dân.
Thực ra, đây là việc làm thường niên, bởi sau khi Quốc hội quyết nghị thông qua Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm sau, Chính phủ sẽ sớm xây dựng và ban hành nghị quyết về các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô. Năm nay cũng vậy, nhưng sự hối thúc dường như mạnh mẽ hơn.

Minh chứng là, cuối tháng 11/2018, ngay sau khi Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV bế mạc được ít ngày, Thường trực Chính phủ đã có cuộc họp bàn về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Đầu tháng 12, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11/2018, một lần nữa, Dự thảo Nghị quyết được đưa ra thảo luận.

 Và nay, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chỉ đạo rốt ráo về việc xây dựng Nghị quyết. Theo đó, phải xây dựng Nghị quyết theo tinh thần đột phá, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo, quyết liệt, hành động, phục vụ nhân dân, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ. 

Nếu không làm được điều đó, thì việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019 sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu được dự báo là vẫn có nhiều bất ổn, tăng trưởng kinh tế có thể sẽ giảm tốc khi mà cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu kết thúc, bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng lan rộng. 

Cơ hội thúc đẩy tăng trưởng cao là có thật, nhưng nguy cơ, rủi ro cũng hiện hữu khi nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao. Và hiển nhiên, bất cứ biến động khôn lường nào của kinh tế toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam. Trong khi đó, Nghị quyết của Quốc hội đặt ra các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khá thách thức như tăng trưởng GDP 6,6-6,8%; lạm phát khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33-34% GDP…

Như vậy, chỉ có đột phá, dám nghĩ, dám làm, chỉ quyết tâm cải cách mới có thể giúp Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng đang dần quay trở lại quỹ đạo cao như những năm trước đây. 

Các chuyên gia kinh tế cũng đã nhiều lần nhấn mạnh rằng, Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hay thấp phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan, vào nỗ lực cải cách của chính mình.

Năm 2019 là năm có ý nghĩa bản lề đối với Việt Nam trong thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 cũng như việc thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Do vậy, đòi hỏi phải dốc toàn lực cho việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, tạo nền tảng để nền kinh tế có thể tiếp tục tăng tốc, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch 5 năm và Chiến lược 10 năm.


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục