Cải cách hành chính trong hoạt động ngân hàng: Tích cực, nhưng mới chỉ là bước đầu

(ĐTCK) Kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính và Chương trình hành động triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp của ngành ngân hàng không chỉ đơn giản là những con số đạt được, mà còn là sự hài lòng của khách hàng.
Những năm gần đây, việc hướng tới khách hàng đã được các ngân hàng rốt ráo thực hiện. Những năm gần đây, việc hướng tới khách hàng đã được các ngân hàng rốt ráo thực hiện.

Lấy khách hàng làm trung tâm

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ doanh nghiệp kinh doanh đồ điện tử ở Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết, việc vay vốn tại các ngân hàng hiện không còn quá khó khăn như 10 năm trước bởi sự chủ động của nhân viên tín dụng ngân hàng, nên không chỉ một, mà ông có thể vay tại nhiều ngân hàng.

“Hoạt động cho vay của các ngân hàng đã thay đổi nhiều. Một số ngân hàng đã triển khai xây dựng và áp dụng hệ thống đăng ký khoản vay trực tuyến qua internet và ứng dụng điện thoại, tạo điều kiện cho khách hàng chủ động đăng ký khoản vay trực tuyến, giảm thiểu thời gian tiếp xúc trực tiếp hoặc phải đến ngân hàng giao dịch, giảm bớt phiền hà cho khách hàng”, ông Hùng nhận xét.

Còn ông Phan Thanh Tịnh, chủ doanh nghiệp sản xuất bao bì tại Đồng Nai nhận định: “Các ngân hàng liên tục hoàn thiện, cải tiến quy trình nội bộ, giảm bớt giấy tờ, thông tin trong các biểu mẫu đảm bảo đơn giản, dễ thực hiện, tạo điều kiện cho khách hàng dễ tiếp cận vốn tín dụng mà vẫn đảm bảo kiểm soát rủi ro”.

Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, việc hướng tới khách hàng đã được các ngân hàng rốt ráo thực hiện. Chẳng hạn, VietinBank ban hành mới, cải tiến 45 quy trình nghiệp vụ; cải tiến nhiều chức năng trên hệ thống lõi (corebank) mới, trong đó bổ sung thêm 50 báo cáo tự động.

Tại MB, bà Nguyễn Thị An Bình, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, từ năm 2016 đến nay, MB liên tục rà soát, cải tiến các quy trình, giúp giảm 20%/năm về thời gian hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, cân bằng quyền và lợi ích cho khách hàng.

Theo đó, độ dài hợp đồng giảm từ 30-70%, hạn chế 70% chữ ký chính, ký nháy. Bên cạnh đó, MB cũng đã triển khai mô hình ngân hàng không giấy tờ và 70% các quy trình giao dịch đã được tự động hóa.

Tại VIB, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc Ngân hàng cho hay, với việc đặt khách hàng làm trung tâm, VIB thường xuyên cải tiến dịch vụ, quy trình giao dịch với khách hàng.

Chẳng hạn, VIB đã thực hiện giao dịch một cửa từ năm 2014 và hiện tại tiếp tục quy chỉnh lại quy trình này để đảm bảo tốt hơn cơ chế nhập dữ liệu, phân luồng khách hàng…

Shinhan Bank cũng đã áp dụng hệ thống đăng ký khoản vay trực tuyến từ năm 2016 nhằm giúp khách hàng có thể giao dịch mọi lúc, mọi nơi thông qua phương tiện điện tử.

SCB đã rút ngắn các biểu mẫu theo chủ trương Thông tư 39/2016/TT-NHNN, xây dựng hệ thống LOS/BOS đối với cho vay phân khúc khách hàng bán lẻ. OCB đã tổ chức các khối kinh doanh chuyên biệt theo từng phân khúc khách hàng từ tháng 8/2016... 

Còn nhiều việc phải làm

Phó tổng giám đốc Vietcombank Lê Quang Vinh cho biết, tại Ngân hàng, Tổng giám đốc là Trưởng Ban chỉ đạo cùng 12 thành viên thực hiện kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp.

Tương tự, Ủy viên HĐQT phụ trách HĐQT VietinBank Cát Quang Dương thông tin, VietinBank cũng thành lập riêng Ban Tinh gọn quy trình nghiệp vụ.

Với việc đơn giản hóa 45 thủ tục cho vay, xây chính sách tín dụng riêng với khách hàng nhỏ, siêu vi mô, đang triển khai phê duyệt tín dụng tự động thí điểm và sẽ triển khai trong bán lẻ những năm tới.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, Ngân hàng đã áp dụng nhiều công nghệ hiện đại trong cả dịch vụ, tín dụng và quy trình nội bộ. Đặc biệt, 5 năm gần đây đã tạo ra sự khác biệt với LiveBank, giúp giảm 30-50% thời gian giao dịch cho khách hàng và tăng cường tính an toàn.

“Với hệ thống công nghệ mới, các chỉ tiêu kinh doanh của TPBank đều ghi nhận sự tăng trưởng cao, trong khi không phải tăng cường nhân lực”, ông Hưng nói.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, về cải cách thủ tục hành chính và cắt giảm điều kiện kinh doanh, trong năm 2018, NHNN đã tổ chức rà soát tổng thể, trình Chính phủ ban hành Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng và ban hành Thông tư 17/2018/TT-NHNN để sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan. Theo đó, NHNN đã cắt giảm, đơn giản hóa 80/257 điều kiện (đạt 31%).

“Những kết quả tích cực trên mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng ta còn rất nhiều công việc phải triển khai để xóa bỏ các cản trở về thủ tục, về thông tin trong quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp”, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN nhấn mạnh.  

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục