Nỗ lực thực hiện 17 nhóm giải pháp trọng tâm
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank
Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kinh doanh năm 2018, toàn hệ thống Agribank tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc NHNN và 17 nhóm giải pháp trọng tâm sau:
1. Tập trung xử lý, hoàn thành dứt điểm các nhiệm vụ còn lại theo Đề án tái cơ cấu Agribank giai đoạn 2013-2015; quyết liệt triển khai thực hiện 16 nhóm giải pháp tại Quyết định số 01/QĐ-NHNN ngày 8/1/2018 của NHNN phê duyệt mục tiêu, định hướng, giải pháp và lộ trình thực hiện Phương án cơ cấu lại Agribank gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020; Xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cổ phần hóa Agribank theo Quyết định số 58/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 01/NQ-HĐTV ngày 15/01/2018 của Hội đồng thành viên Agribank.
2. Tiếp tục rà soát, đánh giá tác động của toàn bộ các cơ chế, quy chế, quy trình nghiệp vụ nội bộ đã ban hành để sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động kinh doanh.
3. Nâng cao công tác quản trị, phát triển khách hàng.
4. Tiếp tục sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ tại trụ sở chính và các chi nhánh theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động, tránh chồng chéo, cạnh tranh nội bộ.
5. Chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo và tuyển dụng nhằm tạo nguồn lực chất lượng cao cho Ngân hàng phục vụ mục tiêu phát triển cấp bách cũng như lâu dài.
6. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ, nhằm đảm bảo phát hiện, ngăn chặn kịp thời các rủi ro phát sinh.
7. Nghiên cứu, hoàn thiện công cụ khoán tài chính, tiền lương, thi đua khen thưởng; xây dựng hệ thống quản lý định mức lao động áp dụng toàn hệ thống, nhằm mục đích nâng cao năng suất lao động, hỗ trợ đắc lực cho công tác quản trị điều hành các cấp.
8. Tập trung chỉnh sửa, xây dựng và vận hành hệ thống quản lý rủi ro đối với các lĩnh vực trọng yếu của Agribank; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện dần, đáp ứng các tiêu chuẩn về quản trị rủi ro theo Basel II và thực hiện các tỷ lệ an toàn hoạt động theo Thông tư 41 của NHNN vào năm 2020.
9. Công tác tiếp thị, truyền thông cần được tập trung và gắn với quảng bá sản phẩm dịch vụ, định hướng thông tin về các mặt hoạt động tích cực của Agribank nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và chuẩn bị cho cổ phần hóa.
10. Xác định công tác huy động vốn là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả nhằm tăng trưởng nguồn vốn phù hợp với tăng trưởng dư nợ.
11. Mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng.
12. Tiếp tục triển khai các giải pháp hiệu quả đã thực hiện trong năm 2017 về công tác xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý. Tập trung nguồn lực cho 2 trung tâm xử lý nợ phía Bắc và phía Nam, công ty AMC để xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm nhằm đưa dần tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% vào năm 2020.
13. Tập trung đầu tư, nghiên cứu phát triển và mở rộng những sản phẩm, dịch vụ thế mạnh, tiềm năng lớn, có khả năng mang lại hiệu quả cao; bổ sung tiện ích, hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ đang triển khai, đồng thời thí điểm và mở rộng phát triển các lĩnh vực tiềm năng về dịch vụ ngân hàng trực tuyến và di động.
14. Tổng kết đánh giá thực trạng hoạt động thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại tệ giai đoạn 2012-2017, xây dựng lộ trình, khắc phục tồn tại, cải thiện tốc độ tăng trưởng, thị phần.
15. Triển khai có hiệu quả, đúng tiến độ các nhóm giải pháp, các dự án công nghệ thông tin trọng điểm theo Đề án chiến lược công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020; Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong mọi hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, hỗ trợ cải cách hành chính và nâng cao năng suất lao động.
16. Kiên quyết thoái vốn những khoản đầu tư vào DN khác không hiệu quả; tiếp tục củng cố phát triển các công ty con.
17. Tập trung rà soát, xác lập quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất để chuẩn bị cho công tác cổ phần hóa. Chỉ đề xuất kế hoạch xây dựng cơ bản đối với các dự án, công trình thật sự cần thiết, cấp bách có tính khả thi để đảm bảo thiết thực hiệu quả.
Giữ vững vai trò là NHTM nhà nước chủ lực, trụ cột trong cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank
Năm 2017 là năm bản lề, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong hoạt động kinh doanh của VietinBank, khởi đầu cho chiến lược phát triển toàn diện, bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Cụ thể, quy mô tổng tài sản đến 31/12/1017 đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2016. Hoạt động cấp tín dụng đến 31/12/2017 đạt 840.000 tỷ đồng, nguồn vốn huy động đạt trên 1 triệu tỷ đồng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động; dịch vụ thanh toán được chú trọng phát triển; hoạt động thẻ và ngân hàng điện tử tiếp tục đà tăng trưởng mạnh.
Kinh doanh ngoại tệ tăng trưởng tốt, duy trì thị phần thứ 2 trên thị trường. Cụ thể, doanh số mua bán ngoại tệ trên thị trường 1 và thị trường liên ngân hàng của VietinBank chiếm 13-15% toàn thị trường. Các công ty con và chi nhánh nước ngoài tăng trưởng mạnh với tổng lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đổng, tăng 39% so với năm 2016.
Đặc biệt, năm 2017, VietinBank đã chuyển đổi thành công hệ thống CoreBanking - dự án lớn nhất và có độ phức tạp nhất trong ngành ngân hàng đến thời điểm hiện tại. Việc này đánh dấu bước phát triển quan trọng, nâng tầm vị thế ngân hàng, đáp ứng yêu cầu công nghệ cho sự phát triển lâu dài và bền vững.
Năm 2018, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước dự báo còn nhiều thách thức nhưng xu hướng chung là tích cực hơn so với năm 2017, kinh tế vĩ mô ổn định với mức lạm phát kiểm soát dưới 4%, tăng trưởng kinh tế khoảng 6,7%, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển hoạt động kinh doanh của DN trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của khách hàng ngày càng tăng, hướng tới các sản phẩm dịch vụ hiện đại, nhiều tiện ích, hứa hẹn cơ hội phát triển đối với các ngân hàng, đặc biệt mảng ngân hàng bán lẻ, ngân hàng thanh toán, ngân hàng đầu tư.
Theo đó, VietinBank triển khai mạnh mẽ các giải pháp thúc đẩy kinh doanh ngay từ đầu năm, bám sát định hướng tăng trưởng theo kế hoạch kinh doanh trung hạn, gắn tăng trưởng với hiệu quả, hướng tới mục tiêu tăng trưởng ổn định, bền vững, có chọn lọc, giữ vững vai trò là NHTM nhà nước chủ lực, trụ cột trong cung ứng vốn và dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
Nâng cao năng lực quản trị rủi ro, đặc biệt đối với những rủi ro công nghệ mới phát sinh. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát trên phạm vi toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả mô hình ba vòng kiểm soát, tăng cường nhận thức, văn hóa tuân thủ…
Song song với đó, phát triển mạnh hoạt động dịch vụ, sản phẩm về ngân hàng thanh toán và ngân hàng đầu tư, thu hút nguồn tiền gửi CASA, góp phần chuyển dịch nhanh, mạnh cơ cấu thu nhập. Tiếp tục nâng cao năng suất lao động, cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ và gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Ứng dụng các tính năng vượt trội của hệ thống Core mới trong việc nâng cao hiệu quả kênh phân phối, phát triển sản phẩm dịch vụ, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro và tăng năng suất lao động toàn hệ thống…
Kể từ năm 2018, ACB sẽ tập trung hơn vào việc tìm kiếm và đón nhận cơ hội đầu tư
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB
Mục tiêu cao nhất của chính sách tiền tệ năm 2018 là tiếp tục ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng nhưng sẽ thận trọng hơn. Trong năm nay, việc triển khai áp dụng các biện pháp quy định tại Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) là bước tiến pháp lý, tạo điều kiện cho các TCTD đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.
Trên cơ sở dự báo môi trường kinh doanh, đánh giá các cơ hội và thách thức đối với hoạt động ngân hàng, năm 2018, ACB kiên trì mục tiêu “tăng trưởng bền vững, an toàn, chất lượng”. Theo đó, một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu được đặt ra. Cụ thể, ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong mức NHNN phân bổ là 15%. Huy động vốn từ tiền gửi khách hàng, tổng tài sản tăng 18%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; lợi nhuận trước thuế toàn Tập đoàn khoảng 5.699 tỷ đồng.
Kết thúc quý I/2018, dư nợ tín dụng của ACB đạt 14.500 tỷ đồng; huy động tăng 15.700 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 1.491 tỷ đồng; nợ xấu kiểm soát dưới 2%. Năm 2018, ACB nỗ lực xử lý nợ xấu để hoàn nhập khoảng 500 tỷ đồng rủi ro vào lợi nhuận. Vì thế, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay ở mức 5.699 tỷ đồng, Ngân hàng phấn đấu đạt 6.000 tỷ đồng.
Năm 2017, ACB chia cổ tức ở mức 15% bằng cổ phiếu và dự kiến cổ tức 2018 là 30%, nhằm bù đắp thiệt thòi cho cổ đông những năm trước. Năm 2018, biên lợi nhuận (NIM) đặt ra ở mức 3,2%, trong đó ACB xác định, tập trung vào hoạt động bán lẻ, điều này đòi hỏi quản lý rủi ro chặt chẽ và đúng quy trình, nếu không sẽ phát sinh nợ xấu các năm tiếp theo.
Ngoài ra, phải xử lý nợ xấu (khoản cho vay không sinh lời) và cân bằng tỷ lệ huy động - cho vay. Hiện nay, số dư thanh khoản được sử dụng cho vay qua thị trường liên ngân hàng và đầu tư trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, hiện lãi suất trái phiếu chính phủ chỉ 3%/năm, cho vay liên ngân hàng 1 tháng cũng chỉ được 3%, nên tỷ suất sinh lời rất thấp.
Trong suốt 5 năm qua, ACB tập trung đẩy mạnh xử lý các tồn đọng nên chưa đủ nguồn lực để đón nhận các cơ hội đầu tư. Kể từ năm 2018 trở đi, ACB sẽ tập trung hơn vào việc tìm kiếm và đón nhận cơ hội đầu tư, bên cạnh việc đẩy mạnh nguồn thu ngoài lãi, thu từ dịch vụ…, quản lý tốt chi phí.
Hướng tới phục vụ 15 triệu khách hàng vào năm 2021, gấp 3 lần hiện nay
Ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc HDBank
Năm 2017 là năm bản lề của chiến lược phát triển giai đoạn 2017-2021, với tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ, SME và tài chính tiêu dùng hàng đầu, quy mô và hiệu quả hoạt động của HDBank đang tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững, hoàn thành xuất sắc kế hoạch ĐHCĐ giao. Tính đến 31/12/2017, tổng tài sản của Ngân hàng tăng 26%, lên 189.334 tỷ đồng.
Tổng vốn huy động đạt trên 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 27%, trong khi tăng trưởng tín dụng trung bình toàn hệ thống đạt 17%. Tổng tiền gửi của khách hàng đạt 120.537 tỷ đồng, tăng 16,7%. Vốn điều lệ 9.810 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.417 tỷ đồng, tăng 110,6%.
Tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) và trên tổng tài sản (ROA) đạt lần lượt 15,8% và 1,2%, nằm trong Top 4 các ngân hàng có khả năng sinh lời cao nhất. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,51%. Trong năm 2017, HDBank cũng mở rộng mạng lưới giao dịch lên 240 điểm giao dịch ngân hàng và hơn 11.500 điểm giao dịch tài chính của HD SAISON. ĐHCĐ HDBank 2017 cũng nhất trí thông qua tỷ lệ chia cổ tức là 35%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 15% bằng tiền.
Năm 2018 được dự báo có những cải thiện tích cực của nền kinh tế thế giới và trong nước, là năm thứ 2 HDBank thực hiện chiến lược 5 năm 2017-2021. Tiếp nối những thành công vượt bậc trong năm 2017, bám sát định hướng phát triển ngành ngân hàng của NHNN, HDBank đề ra các giải pháp hành động nhằm từng bước hoàn thiện và hướng đến tầm nhìn trở thành ngân hàng bán lẻ và SME hàng đầu Việt Nam, phấn đấu đưa HD SAISON trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng.
Các mục tiêu năm 2018 được cổ đông thông qua đều ở mức cao so với bình quân ngành ngân hàng, như lợi nhuận trước thuế 3.921 tỷ đồng, tăng 62,2%. Tổng tài sản đến cuối năm 2018 đạt 242.865 tỷ đồng, tăng 28,3%. Tổng nguồn vốn huy động đạt 222.184 tỷ đồng, tăng 30,3%.
Tổng dư nợ tín dụng đạt 154.510 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, ROA ở mức 1,3% và ROE đạt 20,2%. Trong 5 năm 2017-2021, HDBank dự kiến tập trung vào phát triển khách hàng thông qua Big Data và cung cấp tài trợ chuỗi cung ứng, với lợi thế là những khách hàng lớn, đặc quyền ở khắp các lĩnh vực. Mục tiêu của HDBank là phục vụ 15 triệu khách hàng vào năm 2021, gấp 3 lần hiện nay; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ, huy động vốn, lợi nhuận bình quân 26% mỗi năm.
SCB hướng đến mục tiêu Top 10 nơi làm việc tốt nhất
Ông Vũ Đức Hưng, Phó giám đốc Khối Vận hành kiêm Giám đốc Trung tâm Quản trị Nguồn Nhân lực, SCB
Theo kết quả cuộc khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam” do Anphabe phối hợp cùng Intage thực hiện, SCB vinh dự nhận được danh hiệu “Top 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn 2017”, đồng thời nằm trong “Top 5 ngân hàng Việt có môi trường làm việc tốt nhất”.
Bảng xếp hạng dựa trên phản hồi của hơn 67.000 ứng viên đến từ các ngành nghề khác nhau. Điều này đã minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của SCB trong công tác quản trị nguồn nhân lực, khẳng định thương hiệu nhà tuyển dụng trên thị trường lao động.
Kế thừa thành quả của chiến lược xây dựng Nguồn nhân lực năm 2017, SCB tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động nhân sự với mục tiêu tiến xa hơn trên bảng xếp hạng những nơi làm việc tốt nhất Việt Nam vào năm 2018.
Theo đó, công tác tuyển dụng không chỉ dừng lại ở việc “Thu hút nguồn nhân lực chất lượng”, mà hướng tới sứ mệnh nâng tầm SCB thành tâm điểm “Mọi khát vọng, một điểm đến” của ứng viên - những con người tràn đầy khát vọng vươn xa trên con đường sự nghiệp của mình.
Năm 2018, SCB tiếp tục hoàn thiện Thương hiệu tuyển dụng số (Digital Recruiment Brand) với “hệ sinh thái” các kênh tuyển dụng, kênh tương tác đa dạng và hiện đại; tăng cường độ phủ thương hiệu, đưa thông tin tuyển dụng SCB đến từng ứng viên; đồng thời mở ra phương thức tiếp cận thông tin và ứng tuyển dễ dàng, thông qua các thiết bị số và các trang mạng xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa ứng viên và nhà tuyển dụng.
Phương pháp đào tạo cũng được SCB chuẩn hóa theo mô hình “Active learning” sẵn sàng cho việc đào tạo mọi chức danh công việc. Hệ thống ngân hàng mô phỏng được xây dựng hiện đại, chuẩn mực đem đến cho nhân sự mới những trải nghiệm chân thực trước khi bắt đầu công việc. SCB Elearning - một hệ thống đào tạo trực tuyến được SCB phát triển, đem đến cho cán bộ nhân viên một phương pháp học mới có tính linh hoạt và chủ động cao.
Bên cạnh đó, SCB triển khai nhiều chương trình nhằm thu hút và giữ chân nhân tài như xây dựng chương trình quy hoạch nguồn nhân lực kế thừa thông qua dự án “Next Generation”, trao cơ hội phát triển, thăng tiến, khẳng định bản thân cho tất cả nhân sự tài năng; đánh giá hiệu suất, năng suất nhân viên thông qua hệ thống đo lường KPIs, cơ sở để lãnh đạo từng đơn vị định hướng phát triển nghề nghiệp cho từng cán bộ nhân viên.
Năm 2018, hoạt động nhân sự SCB với chủ đề “Bứt phá toàn diện - Hội nhập quốc tế” sẽ tiếp tục đổi mới, phát huy lợi thế, hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường làm việc hạnh phúc và gắn bó cho tất cả cán bộ nhân viên.
Củng cố vị trí dẫn đầu trong chiến lược bán lẻ và ngân hàng số
Đại diện lãnh đạo VPBank
Năm 2017 là năm cuối trong lộ trình triển khai chiến lược 5 năm của VPBank với tầm nhìn trở thành 1 trong 5 ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam. Những thành tựu có được trong 5 năm qua được tạo nên bởi sự tập trung cao độ và nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn thể cán bộ nhân viên trên con thuyền VPBank, theo kim chỉ nam do HĐQT và Ban điều hành đề ra.
Tập thể VPBank tin rằng, đây mới chỉ là một số trong những thành quả đầu tiên và còn rất nhiều mục tiêu mà Ngân hàng có thể đạt được trong hành trình 5 năm tới, với nền tảng đã xây dựng được cũng như tầm nhìn xa và sự đồng lòng của toàn thể cán bộ nhân viên Ngân hàng.
Tính đến 31/12/2017, huy động tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 8.130 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng 73%, chi phí trích lập dự phòng rủi ro ở mức 8.001 tỷ đồng, đảm bảo phản ánh đúng thực tế, chất lượng hoạt động, cũng như sự an toàn của Ngân hàng. Kết quả kinh doanh nêu trên đã giúp VPBank củng cố vị trí trong nhóm các ngân hàng TMCP có quy mô và lợi nhuận cao hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Về mặt hiệu quả, chỉ tiêu ROAE của Ngân hàng đạt 27,5%, cao nhất trong nhóm ngân hàng trên thị trường.
Về hoạt động kinh doanh, VPBank tiếp tục đẩy mạnh phát triển ba mảng kinh doanh trọng tâm phục vụ phân khúc khách hàng cá nhân, khách hàng DN vừa và nhỏ, và tín dụng tiểu thương. Đối với các mảng kinh doanh khác, năm 2017 cũng là một năm thành công, xét về hiệu quả từ các Khối khách hàng DN lớn, Khối thị trường tài chính, Trung tâm định chế tài chính và Ngân hàng giao dịch…
Năm vừa qua tiếp tục đánh dấu thành công trong mảng kinh doanh tín dụng tiêu dùng của VPBank. Tốc độ tăng trưởng của mảng tín dụng tiêu dùng được duy trì trung bình xấp xỉ 40%/năm, tính trên các chỉ số quan trọng về khách hàng và kết quả kinh doanh, đóng góp lớn vào lợi nhuận cho Ngân hàng.
Đằng sau kết quả kinh doanh nổi trội, không thể không kể đến vai trò quan trọng của hệ thống nền tảng với những chuyển đổi và hoàn thiện tích cực. Nhằm thích ứng với các xu hướng thị trường và hành vi tiêu dùng khách hàng, cũng như nâng cao năng lực quản trị, VPBank đã triển khai 11 dự án trọng điểm trên toàn ngân hàng.
Đa số các hoạt động chuyển đổi này đều hướng tới chuyển đổi mô hình kinh doanh và vận hành tập trung hóa, chuyên môn hóa nhằm tách bạch độc lập các nghiệp vụ về tài chính, quản trị rủi ro, vận hành, sản phẩm… dựa trên nền tảng tự động hóa với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin.
Môi trường kinh tế vĩ mô năm 2018 dự kiến còn nhiều biến động phức tạp do tác động từ các điều kiện chính trị - kinh tế thế giới, cũng như các yếu tố nội tại của kinh tế vĩ mô Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu ngày càng cao hơn từ phía các cơ quan quản lý đối với các chuẩn mực quản trị trong lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng đang lấy lại vị thế, đẩy mạnh tăng trưởng, tạo ra áp lực cạnh tranh rất cao trên thị trường, đặc biệt là trong phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng DN vừa và nhỏ.
Trước những cơ hội và thách thức mới, VPBank đã thông qua chiến lược 5 năm cho giai đoạn 2018 - 2022 với những mục tiêu tham vọng. Chiến lược mới sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng của sự tăng trưởng, đảm bảo cho Ngân hàng tiếp tục là ngọn cờ dẫn đầu về tăng trưởng và hiệu quả trên mọi mặt, củng cố vị trí dẫn đầu trong chiến lược bán lẻ và ngân hàng số.
HĐQT, Ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên VPBank tin rằng, khi chung một chí hướng sẽ cùng vượt qua mọi thách thức để vươn tới mục tiêu là một trong các ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam vào cuối năm 2018.
OCB là ngân hàng Việt Nam đầu tiên hoàn tất việc triển khai dự án Basel II
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB
Năm 2018, OCB đưa ra các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản gồm: lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng, gấp đôi năm trước; tổng tài sản đạt 115.700 tỷ đồng, tăng trưởng 37%; huy động vốn tăng 36%, lên 104.407 tỷ đồng; tổng dư nợ thị trường 1 tăng 25%, đạt 60.679 tỷ đồng.
Dù chỉ tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi 2017, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực để vượt con số này. Ngân sách trích lập dự phòng năm 2018 là 500 tỷ đồng (gồm 20% nợ xấu VAMC trích theo quy định và nội bảng), nhưng nhiều khả năng sẽ thu hồi được toàn bộ nợ xấu 728 tỷ đồng trái phiếu VAMC và không phải trích lập dự phòng. Tuy nhiên, Ban điều hành chưa đưa khoản này vào dự toán lợi nhuận trước thuế 2.000 tỷ đồng năm 2018.
Trong quý I/2018, lợi nhuận trước thuế của OCB ước đạt trên 600 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước và thực hiện 30% kế hoạch năm. Nhìn lại năm 2017, OCB ghi nhận tổng tài sản đạt 84.353 tỷ đồng, tăng trưởng 32,2% so với năm trước đó; huy động thị trường 1 đạt 60.273 tỷ đồng, tăng 30,5%; dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 48.544 tỷ đồng, tăng 25%. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng giảm xuống mức 1,48%, trái phiếu VAMC còn 728 tỷ đồng tính đến cuối năm 2017 (tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả trái phiếu VAMC của OCB là 2,16% trên tổng dư nợ).
Đặc biệt, đầu tháng 12/2017, OCB đã trở thành ngân hàng Việt Nam đầu tiên công bố hoàn tất việc triển khai dự án Basel II mặc dù không nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm. Đây là một nỗ lực lớn của Ngân hàng trong lộ trình minh bạch hóa mọi hoạt động khi yêu cầu của Basel II là phải minh bạch hóa toàn bộ dữ liệu, cũng như những định hướng hoạt động lớn.
Năm nay, OCB có kế hoạch tăng vốn lên 7.500 tỷ đồng. Việc tăng vốn giúp Ngân hàng có đủ nguồn lực thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch năm 2018; đáp ứng yêu cầu tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn và đầu tư góp vốn vào các đơn vị kinh doanh hiệu quả.