Những thành quả tích cực
Ông Nguyễn Đức Long, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, NHNN cung cấp thông tin, thời gian, số lần giao dịch, giấy tờ cần cung cấp của khách hàng đã giảm 20 - 40%; một số quy trình/sản phẩm dịch vụ đã giảm 42% số lượng bản gốc mẫu biểu, giảm 45% số lượng chữ ký khách hàng và 48% số lượng chữ ký cán bộ ngân hàng trên hồ sơ; giảm 70 - 75% thời gian đăng ký do khách hàng thực hiện trực tuyến...
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đánh giá, các chỉ số về tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể, từ đó ghi nhận nỗ lực tích cực của NHNN trong việc triển khai các giải pháp.
Cụ thể, theo Báo cáo môi trường kinh doanh của WB trong 4 kỳ gần đây (2015, 2016, 2017, 2018), chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam đã được cải thiện và ổn định trong trong nhóm 30 nước có chỉ số cao nhất. Tại báo cáo năm 2018, Việt Nam xếp hạng 29/190 nước, thấp hơn Malaysia và Campuchia ở vị trí 20, nhưng ngang với Singapore, cao hơn vị trí thứ 42 của Thái Lan, 55 của Indonesia, 77 của Lào, 142 của Philippines.
Đối với chỉ số độ sâu thông tin tín dụng, ông Long cho biết, đã có những tiến bộ lớn, từ mức 4/6 năm 2013 lên mức 7/8. Đặc biệt, chỉ số sức mạnh quyền pháp lý, vốn là chỉ số mà Việt Nam ít có sự cải thiện nhất trong gần 10 năm qua, khi giữ nguyên mức 8/10 từ năm 2010 - 2014 theo thang điểm cũ, và giữ nguyên 7/12 theo thang điểm mới từ 2015 - 2017, thì hiện tại đã cải thiện lên 8/12 năm 2018.
Đối với chỉ số tiếp cận tín dụng theo cách tiếp cận của WEF (hay còn gọi là “Sự dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay”), điểm số và thứ hạng của chỉ tiêu này cũng đã được nâng cao. Trong vòng hơn 2 năm, chỉ số này đã tăng 19 bậc, từ 88/140 lên 69/137, với điểm số chấm theo thang điểm 7 tăng từ 2,6 lên 3,9.
“Kết quả này cho thấy, các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng mà NHNN quyết liệt triển khai trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả”, ông Long nói.
Phải tự đổi mới
Cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của NHNN, các ngân hàng thương mại cũng nhanh chóng nhập cuộc với tư duy phải tự đổi mới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao hơn của khách hàng.
Ông Tạ Quốc Đan, Phó giám đốc khối hành chính MBBank cho biết, năm 2006, MB đã tự xây dựng hệ thống mạng nội bộ để luân chuyển văn bản với chức năng cơ bản là luân chuyển văn bản đi, đến trong hệ thống. Năm 2012, hệ thống được thay thế bằng phần mềm cổng thông tin nội bộ MB Portal, nhưng các phần mềm trên đều bộc lộ những hạn chế nhất định như: việc ký duyệt vẫn phải thực hiện bằng bản cứng; giao nhiệm vụ cho cấp dưới còn thực hiện thủ công …
“Nhận thức rõ việc phải đổi mới, cải cách hành chính trong hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng, Ban Lãnh đạo MBBank đã chú trọng đầu tư và ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi hoạt động vận hành của tổ chức”, ông Đan chia sẻ.
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng của NHNN đang phát huy hiệu quả.
Theo đó, từ quý II/2017, hệ thống M-Office được xây dựng mới thay thế và phát triển thêm nhiều tính năng của văn phòng điện tử không giấy tờ với phương châm “làm việc mọi nơi, trên mọi phương tiện”.
“Chúng tôi tin rằng, trong thời gian sắp tới, với sự quyết tâm và cải tiến mạnh mẽ, phần mềm M-Office sẽ trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc quản lý, vận hành cũng như tiếp cận và phục vụ khách hàng ngày một gần gũi và chuyên nghiệp hơn, góp phần rút ngắn thời gian đối với các hồ sơ giải ngân, cho vay, giúp doanh nghiệp tiếp cận được sớm với nguồn vốn vay hơn so với thời gian thông thường”, ông Đan nói.
Còn tại SHB, việc cải tổ cơ cấu tổ chức, quy trình cấp tín dụng đối với khách hàng cũng đang được triển khai nhằm phân luồng theo quy mô, đặc tính của khách hàng và khoản cấp tín dụng. Nhờ vậy, quy trình phê duyệt cấp tín dụng đối với khách hàng doanh nghiệp, thời gian xử lý từ khi tiếp nhận đến khi chấp thuận đồng ý cấp tín dụng cho một khoản vay đã giảm xuống dưới 1 tuần/hồ sơ.
Bên cạnh đó, công tác thẩm định tín dụng được quản lý theo ngành dọc từ phòng giao dịch, chi nhánh đến trụ sở chính với các tiêu chí nhất quán, rõ ràng và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành.
Tùy tính chất của khoản cấp tín dụng, đối tượng khách hàng, SHB có quy trình tín dụng và các tiêu chí thẩm định được thiết kế riêng nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ và chuyên môn hóa trong thẩm định cấp tín dụng cho khách hàng. Giám đốc các đơn vị kinh doanh được cấp một hạn mức phê duyệt tín dụng giúp đáp ứng nhanh các nhu cầu của khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Vẫn còn nỗi trăn trở
Đánh giá về tình hình tiếp cận tín dụng, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định: “Kết quả về chỉ số tiếp cận tín dụng và cả xếp hạng môi trường kinh doanh nói chung của Việt Nam là tích cực, đáng mừng. Song nhìn rộng và sâu hơn, vẫn còn đó không ít nỗi trăn trở, lo âu xuất phát từ vấn đề chính sách, thực thi”.
Thứ nhất, theo TS. Thành, điểm số tiếp cận tín dụng 75 là khá tốt, song vẫn còn xa so với chuẩn 100 và thua nhiều thông lệ, chuẩn mực tốt, nhất là đối với tiêu chí về Độ phủ thông tin tín dụng của các cơ quan chính thức (Credit bureau coverage) chỉ đạt 19,7%. Con số này thấp hơn mức trung bình cả khu vực OECD và Đông Á - Thái Bình Dương, cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á.
Theo Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á - ERIA (2015), xét theo 8 chỉ số Chính sách đối với SME (Khung khổ thể chế; Tiếp cận dịch vụ hỗ trợ; Những điều tiết thuận lợi cho khởi nghiệp và SMEs; Tiếp cận tài chính; Công nghệ và chuyển giao công nghệ; Mở rộng thị trường quốc tế; Thúc đẩy giáo dục kinh doanh; Hiệu lực đại diện lợi ích SMEs) và riêng Tiếp cận tài chính của SMEs, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí trung bình trong ASEAN.
“Như vậy, cả dư địa cải thiện và đòi hỏi nỗ lực chính sách đều rất lớn”, TS. Thành nhấn mạnh.
Thứ hai, giảm thiểu, xóa bỏ rào cản là cần thiết song chưa đủ. Cần cả thích ứng và bắt nhịp với xu thế mới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cách nhìn về tiếp cận tài chính/tiếp cận tín dụng cũng vậy. Việt Nam đang rất cần tăng trưởng và phát triển dựa trên tăng năng suất. Hiện thực hóa thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực cho công cuộc đó.
“Những vấn đề nêu trên hàm ý rằng, cần có cách tiếp cận rộng hơn nhiều là chỉ căn cứ trên chỉ số Tiếp cận tín dụng của WB, dù chỉ số đó rất thực chất và có ý nghĩa. Chúng cũng gợi mở không ít chính sách có thể nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và cả sức bật của SMEs cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp Việt Nam ngày càng sáng tạo”, TS. Thành nhấn mạnh.