Tín dụng tăng mạnh, coi chừng nợ xấu

Cách đây 2 - 3 năm, tín dụng ngân hàng luôn tăng trưởng âm trong quý đầu năm, song gần đây, khi nhu cầu vốn vay tăng trở lại, dư nợ tín dụng ngành ngân hàng đã tăng trưởng theo chiều hướng tích cực ngay từ những tháng đầu năm.
Tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay đạt 2,23%. Ảnh: Đức Thanh Tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay đạt 2,23%. Ảnh: Đức Thanh

Dư nợ tăng trưởng dương đầu năm

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 2,88%); huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%).

Điều này được cho là tích cực trong xu thế tín dụng quý đầu năm thường giảm ở những năm trước.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, cũng cần khuyến cáo với tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất, nhất là bất động sản, tiêu dùng. Có như vậy, ngành ngân hàng mới hạn chế được rủi ro nợ xấu.

Tăng trưởng tín dụng ở từng ngân hàng thương mại tuy chưa được các nhà băng tiết lộ sau 3 tháng đầu năm, song hầu hết đều nhận định rằng, hoạt động cho vay sẽ tiếp tục theo chiều hướng tích cực trong năm nay.

Năm nay, bước đầu, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các thành viên ở các mức khá thấp, 14 - 16%, thậm chí thấp hơn đối với nhà băng nhỏ, nhằm kiểm soát tốc độ chung của ngành, cũng như an toàn hệ thống. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, theo thực tế, cơ quan này sẽ xem xét nới chỉ tiêu theo điều kiện của mỗi thành viên.

Cẩn trọng trong cho vay

Hoạt động tín dụng khởi sắc đã tác động tích cực đến hoạt động ngành ngân hàng. Ngoài dư nợ tăng cao, theo đánh giá của một chuyên gia tài chính - ngân hàng, nguồn lợi nhuận mà các ngân hàng thu về trong năm 2017 còn do chi phí hoạt động và trích lập dự phòng rủi ro giảm mạnh và thu hồi nợ tăng.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia trên, tín dụng của Việt Nam đã ở mức khá cao, nên việc chạy theo tăng trưởng tín dụng đang rất “nhạy cảm” trong thời điểm này.

Đó là chưa kể, nếu đẩy mạnh tín dụng thiếu kiểm soát vào bất động sản nhiều thì vòng luẩn quẩn nợ xấu sẽ xuất hiện trong vài năm tới.

Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cũng nhận định, để phát triển bền vững, các ngân hàng cần phải đẩy mạnh mảng dịch vụ, thay vì chỉ tập trung vào tín dụng.

Ngoài ra, theo ông Hải, các ngân hàng cũng cần lưu ý đến dòng vốn tín dụng đổ vào các kênh rủi ro như bất động sản, chứng khoán và dự án BOT.

Hiện mặt bằng lãi suất huy động khá ổn định.

Lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,6 - 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn, kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 - 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3 - 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,3%/năm. 

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay trong lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 6,5%/năm.

Trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lãi suất là 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.

Đối với nhóm khách hàng có tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ 4 - 5%/năm.

Nhận thấy việc tập trung vào tín dụng là không bền, nhiều ngân hàng đang bắt đầu chuyển hướng sang ngân hàng số và đẩy mạnh mảng dịch vụ.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho biết, Công ty tài chính FE Credit sau khi đi vào hoạt động đã trở thành động lực tăng trưởng cho ngân hàng, với đóng góp khoảng 20% tổng dư nợ, đem về tới 50% thu nhập lãi thuần.

Tuy nhiên, ông Vinh cũng khẳng định, VPBank không thể chỉ trông chờ vào FE Credit, mà trong kế hoạch 5 năm tới, mảng ngân hàng số (digital banking), ngân hàng bán lẻ (retail banking), thẻ tín dụng, dịch vụ... sẽ là những trọng tâm của VPBank.

Tại OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng cũng cho hay, OCB vừa áp dụng nền tảng hợp kênh (Omni Chanel) vào các hoạt động - bước đầu tiên trong chiến lược chuyển đổi thành ngân hàng số.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã nhận thấy xu hướng này và mạnh tay đầu tư vào ngân hàng điện tử, như TPBank, Sacombank, ACB..., đồng thời phấn đấu đẩy mạnh doanh thu từ dịch vụ lên 30 - 40% tổng nguồn thu, nhằm giảm lệ thuộc vào tín dụng lâu nay.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều văn bản cảnh báo việc ngân hàng rót vốn vào lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Minh, hiện cho vay bất động sản chiếm 10,8% tổng dư nợ cho vay tại TP.HCM.

Với dư nợ ở TP.HCM khoảng 1,75 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm 2017, thì cho vay bất động sản tương đương khoảng 198.000 tỷ đồng. Đó là chưa tính các khoản cho vay mua bất động sản “ẩn” trong cho vay tiêu dùng cá nhân.

Vân Linh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục