Câu hỏi được nhiều đại biểu Quốc hội như: Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng), Tống Thanh Bình (Lai Châu)… chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng là, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng tuy đạt được những kết quả bước đầu khả quan, nhưng thực tế đang bộc lộ nhiều hạn chế, Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc có phương án gì để khắc phục tình trạng này…? Vì sao có sự chênh lệch về tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và báo cáo của Ngân hàng Nhà nước?
Giải đáp mối quan tâm của các đại biểu, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, số liệu nợ xấu của hệ thống ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước công bố là số liệu nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng.
“Cập nhật đến cuối tháng 9/2017, nợ xấu nội bảng của các ngân hàng là 2,34%, giảm so với 2,46% vào thời điểm cuối năm 2016. Tuy nhiên, nếu đánh giá thận trọng do một số khoản cho vay có rủi ro về thu hồi nợ, cùng với những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC nhưng đến nay chưa xử lý được, thì nợ xấu đến cuối tháng 9/2017 giảm còn 8,61%, tương đương số nợ xấu giảm còn 566.000 tỷ đồng, từ mức 10,8% (600.000 tỷ đồng) vào cuối năm 2016…”, ông Hưng cho biết.
Để tiếp tục thúc đẩy tiến độ xử lý nợ xấu, giảm rủi ro phát sinh nợ xấu mới, tư lệnh ngành Ngân hàng cho biết đang tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, ngoài ban hành và triển khai các quy định về kiểm soát tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước còn tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát; thúc đẩy các ngân hàng cải thiện chất lượng quản trị rủi ro…
“Thời gian qua chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an trong xử lý các hành vi vi phạm, qua đó xử lý nghiêm các vi phạm, nên đã có tác dụng răn đe đối với các hành vi sai phạm pháp luật về ngân hàng...”, ông Hưng nói.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, với một loạt giải pháp mới đã được Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đề xuất tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, nên nếu dự thảo này được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 này như kế hoạch, thì sẽ tạo bước tiến mới về hanh lang pháp lý cho tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu…
Chốt phần trả lời chất vấn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sáng nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: phần trả lời sôi nổi. Tuy lần đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng Thống đốc đã thể hiện nắm chắc trực trạng của ngành, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội chất vấn, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục. Phần trả lời của Thống đốc nhận được sự hài lòng của đại biểu Quốc hội, cử tri đánh giá cao. Tuy nhiên, qua phần trả lời cho thấy nổi những tồn tại, yếu kém, hạn chế như: việc tiếp cận vốn của bên đi vay còn khó khăn, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng yếu kém hiệu quả chưa rõ nét, nợ xấu còn ở mức cao…, nên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần quyết liệt chỉ đạo khắc phục trong thời gian tới. |