Gỡ khó về tài sản đảm bảo để xử lý dứt điểm nợ xấu

Sau 1 năm triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành đã giảm còn khoảng 2%, riêng tại Agribank, tỷ lệ này 1,98%. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm nợ xấu, cần tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến tài sản đảm bảo.
Gỡ khó về tài sản đảm bảo để xử lý dứt điểm nợ xấu

Xử lý hàng chục ngàn tỷ đồng nợ xấu, hỗ trợ khách hàng hồi phục kinh doanh

Ngay sau khi Nghị quyết 42 ra đời, Agribank là một trong những ngân hàng tiên phong đưa ra kế hoạch hành động xử lý nợ xấu. Sau 1 năm triển khai, ngân hàng này đã xử lý và thu hồi nợ xấu 60.105 tỷ đồng - một con số kỷ lục. 

Vừa kiên quyết xử lý nợ xấu, Agribank cũng đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh. Theo đó, trong hơn một năm qua, Ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất cho 254.308 khách hàng có nợ đã xử lý rủi ro, nợ bán cho VAMC tại các chi nhánh.

Chính vì mục tiêu ngay từ đầu là gắn xử lý nợ xấu với việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh, trong các phương án xử lý nợ của Agribank, có cả phương án chấp nhận giảm lãi suất để góp phần hỗ trợ khách hàng trả nợ. Bên cạnh đó, Agribank phối hợp với VAMC và các đơn vị có liên quan triển khai một số chính sách động viên, khuyến khích khách hàng trả nợ ngân hàng. 

Để thúc đẩy xử lý nợ xấu, ngân hàng cũng phối hợp với VAMC đấu giá, bán nợ theo giá trị thị trường các khoản nợ, tập trung mọi nguồn lực về tài chính, quyết liệt áp dụng các biện pháp thu hồi nợ sau xử lý rủi ro để tái tạo nguồn tài chính cho xử lý nợ… 

Những kết quả xử lý nợ xấu tại Agribank cho thấy, Nghị quyết 42 đã tạo ra các biện pháp mạnh để ngành giải quyết, xử lý nhanh nhất nợ xấu. Ngoài sự chủ động từ phía ngân hàng, các cơ quan hữu quan cũng đã hỗ trợ tích cực hơn trong xử lý nợ xấu. Ngoài ra, khách hàng cũng có ý thức trả nợ hơn, tình trạng chây ỳ, cố tình không trả nợ… giảm rõ rệt. 

Xử lý tài sản đảm bảo vẫn gặp nhiều vướng mắc

So với pháp luật hiện hành, Nghị quyết 42 đã cho phép áp dụng nhiều chính sách mới về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán nợ xấu.

Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai Nghị quyết 42, các ngân hàng cũng đang gặp phải một số vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt trong công tác xử lý tài sản đảm bảo.

Cụ thể, các khách hàng sau xử lý hầu hết gặp khó khăn về tài chính, nguồn trả nợ chủ yếu từ việc phát mại tài sản bảo đảm, quá trình xử lý tài sản bảo đảm lại gặp khó khăn, vướng mắc.

Ví dụ, nhiều trường hợp, gia đình chỉ có duy nhất một căn nhà đem thế chấp ngân hàng để lấy vốn làm ăn, nhưng việc kinh doanh bị thua lỗ. Khi khách hàng thua lỗ, theo pháp luật, căn nhà bị ngân hàng siết nợ. Lúc này, nếu quyết liệt thu giữ tài sản, ngân hàng sẽ bị lên án vì đẩy người dân vào cảnh không có nơi ở. Do vậy, rất khó để giải quyết những trường hợp như vậy một cách hợp tình hợp lý. 

Mặc dù Nghị quyết 42 tái lập quyền thu giữ tài sản bảo đảm của bên nhận tài sản bảo đảm, nhưng khi khách hàng không hợp tác thì các tổ chức tín dụng vẫn phải khởi kiện khách hàng ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để được quyền xử lý tài sản bảo đảm thông qua thi hành án. Như vậy, tổ chức tín dụng chỉ thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm thành công đối với một số trường hợp nhất định như khách hàng đã bỏ trốn khỏi địa phương mà tài sản bảo đảm không có tranh chấp, tài sản bảo đảm là đất trống… 

Bên cạnh đó, việc chưa có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm cũng là một vướng mắc cần sớm được giải quyết.

Từ khi Nghị quyết 42 ra đời, sự phối hợp giữa các bên liên quan đã tích cực hơn, song để việc triển khai đạt hiệu quả hơn nữa, các ngân hàng cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, quyết liệt hơn nữa giữa các bên.

Mặt khác, tại Việt Nam, việc triển khai mua bán nợ xấu của các tổ chức tín dụng chưa tạo lập được một thị trường mua bán nợ thật sự chuyên nghiệp. Các nhà đầu tư có nhu cầu mua bán khoản nợ vẫn còn tâm lý e ngại, nên hoạt động này chưa thật sự sôi động, chưa có nhiều thương vụ lớn, chủ yếu mới dừng lại ở việc bán nợ theo phương thức chuyển khoản nợ đã bán thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt sang bán nợ theo giá thị trường cho VAMC…

Tại Agribank, việc xử lý nợ xấu được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng năng lực tài chính trước khi cổ phần hóa. Chính vì vậy, lãnh đạo ngân hàng này mong muốn các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết, cụ thể về một số nội dung liên quan đến xử lý nợ xấu như hướng dẫn chi tiết về nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm, thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản cho bên mua, bên nhận chuyển nhượng tài sản bảo đảm;

Quy định rõ trách nhiệm thực hiện việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm; hướng dẫn về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42...

Agribank xác định tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp xử lý, thu hồi nợ, linh hoạt áp dụng có hiệu quả các cơ chế về xử lý nợ tại Nghị quyết 42 như miễn, giảm lãi, phí; thu giữ, xử lý tài sản bảo đảm; bán khoản nợ đã bán cho VAMC theo giá trị trường… Việc phát mại tài sản bảo đảm được Agribank quán triệt phải thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng pháp luật.

Trần Mạnh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục