Dòng tiền nhà đất “bị động”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tâm lý lưỡng lự giữa việc mua ngay hay chờ thêm khiến dòng tiền chảy vào thị trường nhà đất trở nên “bị động”.

Cũng giống như nhiều người ở thời điểm hiện tại, “chờ qua Tết rồi tính tiếp” là suy nghĩ của vợ chồng Tuấn Hoàng, dù cả 2 bên gia đình đều rất ủng hộ việc mua nhà lúc này.

“Hiện giờ nhà đắt quá, mấy căn vừa tiền thì ở xa, tận Yên Nghĩa (Hà Đông), còn mấy căn gần chỗ làm giá lại quá cao, mà giờ em không muốn vay mượn quá nhiều vì lo áp lực trả nợ”, kỹ sư trẻ này giãi bày.

Mặc dù nhiều giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp, dự án đã được triển khai nhằm gia tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường, nhưng vì sản phẩm vừa túi tiền còn quá ít ỏi nên giá nhà không những không giảm mà còn tăng lên, khiến những người có thu nhập không cao như vợ chồng Tuấn Hoàng khó tiếp cận, cho dù lãi vay mua nhà hiện đã giảm khá mạnh so với đầu năm.

Theo khảo sát công bố gần đây của nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường, nhu cầu tìm mua nhà có xu hướng tăng mạnh dịp cận tết. Phản hồi của nhiều đơn vị phân phối trong khảo sát ngắn mới đây của Báo Đầu tư Chứng khoán cũng cho thấy điều này.

“Từ đầu tháng 12 tới nay, mỗi ngày cũng có năm bảy cuộc khách hàng gọi đến tìm hiểu mua nhà, trong khi vài tháng trước cả ngày không được một nổi một cuộc”, Thu Hương - nhân viên kinh doanh của Đất Xanh Miền Bắc cho hay.

Theo chia sẻ của nhân viên này, nhiều người đang chờ giá nhà giảm thêm mới quyết định mua, trong khi không ít người bán chờ giá nhà tăng hơn một chút mới bán. “Đó là những gì tôi nhận thấy trên thị trường hiện nay, cả người bán và người mua đều đang lưỡng lự”, Hương nói.

Nhìn chung, lãi suất dù đã giảm nhưng nền kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng, vẫn khó hấp thụ được vốn. Ngoại trừ các trường hợp không đủ điều kiện vay vốn, có nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu vay bởi không có cơ hội kinh doanh, nếu vay sẽ không trả được nợ.

Nhiều người lỡ cơ hội mua được mái ấm ưng ý chỉ vì muốn chờ đợi giá nhà giảm thêm.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho hay, từ đầu năm tới nay, Ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay khoảng 2,5%/năm cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, nhưng giá nhà lại không giảm, phần lớn vẫn neo ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của số đông.

Ở góc độ cho vay dự án, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết, những vấn đề của thị trường bất động sản như thanh khoản trái phiếu doanh nghiệp tắc nghẽn, pháp lý dự án chậm được tháo gỡ… cũng tác động không nhỏ tới hoạt động giải ngân vốn của các ngân hàng.

“Có trường hợp chúng tôi cho vay mua dự án, nhưng 3 năm nay vẫn nằm im. Bây giờ xử lý các vấn đề liên quan tới bất động sản chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước, cần đẩy nhanh thể chế, khơi thông thủ tục pháp lý dự án…”, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank nói.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng nhìn nhận, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn khó khăn nên ngân hàng bắt buộc phải thẩm định kỹ các dự án, nếu chỉ vì muốn đẩy nhanh giải ngân cho doanh nghiệp mà rút gọn quy trình thẩm định lúc này là đi ngược quy trình quản trị rủi ro của ngân hàng, như vậy sẽ rất rủi ro.

Ông Lê Đình Chung - Tổng giám đốc SGO Homes cho biết, việc dòng tiền tắc nghẽn gây khó khăn cho không chỉ chủ đầu tư, mà còn cả các đơn vị phân phối, bởi không như các doanh nghiệp khác, các doanh nghiệp phân phối bất động sản phụ thuộc rất lớn vào dòng tiền, tức là phải bán được hàng mới có hoa hồng, từ đó mới có nguồn thu để hoạt động. Thế nhưng, hơn 2 năm qua, hoạt động giao dịch trên thị trường diễn biến trầm lắng, thanh khoản gần như tắc nghẽn… khiến nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, thậm chí rời bỏ thị trường.

“Từ đầu năm 2023 đến nay, các doanh nghiệp phân phối bất động sản giải thể, đóng cửa rất nhiều, số lượng sale sụt giảm tới 80%. Trong 20% tồn tại còn lại, có một nửa phải làm thêm nhiều việc khác để trụ lại với nghề”, ông Chung nói.

Trong kiến nghị mới đây, Viện Nghiên cứu bất động sản Việt Nam (VIRES) cho rằng, không gian cho chính sách tiền tệ không còn nhiều, dư địa được thể hiện chủ yếu ở việc giảm lãi suất. Do đó, bên cạnh nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan, chính quyền địa phương cũng cần có biện pháp thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc pháp lý dự án, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Song song đó là xây dựng chính sách phát triển các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thực của người dân, từ đó nâng cao khả năng vay vốn và hoàn trả vốn vay của doanh nghiệp.

Trang Việt

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục