Động lực tài chính cho khách hàng đặc thù

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT đánh giá, bước vào giai đoạn “bình thường mới”, nhu cầu vay tiêu dùng của người dân càng tăng cao, những khoản vay từ công ty tài chính sẽ giúp giải quyết các vấn đề cấp thiết, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, tạo động lực tài chính để họ sớm khôi phục cuộc sống.
Thách thức từ Covid-19 cũng chính là cơ hội để rà soát lại các kế hoạch, mục tiêu, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để bước vào “bình thường mới” Thách thức từ Covid-19 cũng chính là cơ hội để rà soát lại các kế hoạch, mục tiêu, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để bước vào “bình thường mới”

Các công ty tài chính đóng vai trò không nhỏ trong việc cung ứng nguồn vốn lớn cho một bộ phận khách hàng đặc thù trong xã hội. Tuy nhiên, có vẻ như những nỗ lực của các công ty tài chính vẫn chưa được ghi nhận đầy đủ, thậm chí còn bị đánh đồng với những ứng dụng (app) cho vay nặng lãi…

Tại thị trường Việt Nam, các công ty tài chính tiêu dùng đã trải qua hơn 10 năm hình thành và phát triển. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đến hiện tại, sự hiện diện và những nỗ lực của các công ty tài chính tiêu dùng đối với đời sống người dân ngày càng được công nhận, nhất là trong vai trò trở thành kênh cho vay vốn an toàn, chính thống, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Tuy nhiên, việc vẫn còn những ý kiến đánh đồng hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng với những app cho vay nặng lãi có thể xuất phát từ hạn chế về nhận thức và hiểu biết về tài chính - tín dụng, hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa…

Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng sự cả tin cũng như mong muốn vay “nóng” của người dân để lôi kéo, dụ dỗ người dân tiếp cận với các hình thức cho vay “tín dụng đen” núp dưới vỏ bọc là các công ty, tổ chức mà thực chất không được pháp luật công nhận.

Ngoài ra, việc người tiêu dùng chưa hiểu thấu đáo về sự khác nhau về điều kiện cho vay, lãi suất vay giữa các sản phẩm của công ty tài chính tiêu dùng với các ngân hàng thương mại cũng dẫn tới việc cho rằng, công ty tài chính tiêu dùng cho vay với lãi suất “cắt cổ” như “tín dụng đen”.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE CREDIT

Thực tế, đối tượng mà các công ty tài chính tiêu dùng hướng tới là nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, không có tài sản đảm bảo - vốn không đủ điều kiện tiếp cận các ngân hàng thương mại. So với vay có tài sản đảm bảo, vay tiêu dùng tín chấp thường chứa đựng rủi ro cao, cho nên phần bù rủi ro trong yếu tố cấu thành lãi suất phải cao hơn so với các khoản cho vay thế chấp tại các ngân hàng thương mại.

Hơn thế nữa, một phần rất lớn tác động đến lãi suất cho vay của các công ty tài chính tiêu dùng đó là không được phép huy động vốn từ khách hàng cá nhân, nên nguồn vốn cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường có chi phí huy động cao hơn so với của ngân hàng thương mại.

Do khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nên các công ty cũng hứng chịu những tổn thất không nhỏ. Để vượt qua khó khăn, tiếp tục là cầu nối tài chính hữu ích trong nền kinh tế, theo ông, tự thân các công ty tài chính tiêu dùng nên có những giải pháp gì để bảo vệ mình? Bên cạnh đó là sự hỗ trợ nào từ cơ quan quản lý mà các công ty tài chính tiêu dùng mong muốn?

Mặc dù chịu nhiều tổn thất nặng nề từ dịch bệnh, nhưng với chiến lược thích ứng linh hoạt, chúng tôi nhìn nhận thách thức từ Covid-19 cũng chính là cơ hội để Công ty rà soát lại các kế hoạch, mục tiêu, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để bước vào “bình thường mới”.

Dù trong hoàn cảnh nào, để bảo vệ thành quả của mình, chúng tôi vẫn luôn nỗ lực phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản, phù hợp, hướng đến đối tượng mục tiêu là khách hàng thu nhập trung bình thấp, có thu nhập biến động và chưa đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ ngân hàng.

Trong thời gian qua, với mục tiêu đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, FE CREDIT đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch như miễn, giảm lãi cho khách hàng theo nhóm nợ, chia nhỏ các tài khoản thanh toán, cơ cấu thời hạn trả nợ... Các giải pháp này đã hỗ trợ hơn 130.000 khách hàng với số lãi, phí hỗ trợ gần 215 tỷ đồng. Đồng thời, qua các chương trình vay ưu đãi, chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, FE CREDIT đã hỗ trợ 400.000 khoản vay, trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn giãn cách khiến hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng, chúng tôi tận dụng quãng thời gian này để đẩy mạnh các hoạt động đào tạo nhân sự, chuẩn hóa quy trình, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ nhằm số hóa các quy trình cho vay, gia tăng trải nghiệm và mang đến sự thuận tiện nhất trong mọi giao dịch của khách hàng. Chúng tôi cũng liên tục cập nhật các tính năng, tiện ích trên các nền tảng số như thanh toán khoản vay, thanh toán hóa đơn, tra cứu… để hạn chế tiếp xúc cho khách hàng trong thời gian giãn cách.

Bằng cách liên kết với các đối tác để đa dạng hóa kênh thanh toán trực tuyến cho khách hàng như ví điện tử ZaloPay, Momo, SmartPay, Viettelpay, ShopeePay..., chúng tôi giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, bảo mật thông tin và hạn chế rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Tuy nhiên, với sức tàn phá nặng nề của dịch bệnh, các chính sách, quy định cũng như quy trình hỗ trợ khách hàng của FE CREDIT và các công ty tài chính tiêu dùng khác còn gặp nhiều vướng mắc liên quan đến nợ xấu, tăng trưởng tín dụng. Do đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý từng bước rà soát lại các quy định pháp luật hiện hành cho phù hợp hơn với đặc thù hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng.

Trong đó, nới rộng phạm vi hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng để đa dạng hóa dịch vụ, tối ưu hóa các nguồn lực, tăng doanh thu, từ đó giảm chi phí vốn, giảm chi phí hoạt động, làm tiền đề để giảm lãi suất cho vay, đồng thời có thể sử dụng dữ liệu khách hàng từ các dịch vụ khác để đánh giá năng lực tài chính cũng như hỗ trợ công tác thu hồi nợ.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hy vọng cơ quan quản lý sẽ xem xét đề xuất của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về việc áp dụng cơ chế tăng trưởng linh động, không áp trần tăng trưởng tín dụng (hoặc nới lỏng room tín dụng) đối với các công ty tài chính tiêu dùng sau khi dịch bệnh được kiểm soát để hỗ trợ các công ty trong công tác cung ứng vốn cho người dân phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Một vấn đề được đề cập khá nhiều trong các tổ chức tín dụng là câu chuyện chuyển đổi số. Tuy nhiên, thực tế chuyển đổi số tại các công ty tài chính tiêu dùng dường như hơi chậm. Theo ông, nguyên nhân của vấn đề này là gì?

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, chuyển đổi số là bài toán cấp bách phải thực hiện, song quá trình này diễn ra còn chậm bởi việc xây dựng chuyển đổi số đòi hỏi các công ty tài chính tiêu dùng phải có chiến lược mang tính dài hạn, bài bản cả về vốn và nguồn nhân lực, trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể điều chỉnh hoạt động cho vay kỹ thuật số, dẫn đến sự không đồng nhất trong cách hiểu, áp dụng pháp luật.

Tại FE CREDIT, chúng tôi luôn đề cao mục tiêu nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, tạo ra lợi thế và sự khác biệt đến từ khả năng tiếp cận, cũng như phục vụ khách hàng nhanh chóng từ xa, đồng thời gắn bó với khách hàng đa diện từ các sản phẩm trong hệ sinh thái.

Cùng với đó, việc hợp tác với những Fintech hàng đầu thế giới giúp FE CREDIT ứng dụng các công nghệ tân tiến vào nền tảng cho vay kỹ thuật số của mình, mang đến trải nghiệm đột phá cho người dùng theo đúng tôn chỉ Công ty: Giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm tài chính an toàn, hiệu quả nhất.

Hiện nay, hệ sinh thái của FE CREDIT gần như đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, từ khi bắt đầu đăng ký vay, theo dõi và thanh toán khoản vay, cho đến việc sử dụng vốn vay để mua sắm, tiêu dùng, thanh toán… Hiện tại, hơn 2 triệu khách hàng tại Việt Nam đã và đang sử dụng ứng dụng FE CREDIT Mobile (FEMA) để theo dõi và quản lý khoản vay, mỗi ngày có gần 6.000 lượt cài đặt mới.

Ngoài ra, FE CREDIT cũng đang tăng tốc triển khai các công nghệ tiên tiến như chữ ký điện tử, dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ nhận diện khách hàng (e-KYC) vào quy trình bán hàng nhằm tiếp cận khách hàng nhanh và hiệu quả hơn, đồng thời rút ngắn thời gian xử lý khoản vay, tiết kiệm thời gian và chi phí cho khách hàng.

Hồng Dung thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục