Rất nhiều nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được chỉ ra. Ông có thể nêu thêm nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm đã được chỉ ra là do một số vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm, như vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; thủ tục điều chỉnh hạng mục, điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán mất nhiều thời gian, thủ tục; năng lực của một số nhà thầu còn chưa đảm bảo; địa hình triển khai nhiều dự án khó khăn, phức tạp…
Ngoài những nguyên nhân kể trên, trong nhóm vướng mắc về chính sách, tôi cho rằng, một trong những vướng mắc lớn nhất là quy định về vốn đầu tư công. Theo đó, ngoài vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, các khoản vốn vay khác của ngân sách địa phương để đầu tư, vốn đầu tư công còn bao gồm cả nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước.
Chính việc coi nguồn thu để lại cho đầu tư là vốn đầu tư công đã khiến các đơn vị sự nghiệp công lập bị “bó chân, bó tay” trong đầu tư.
Theo ông, việc coi nguồn thu để lại (của các đơn vị sự nghiệp công lập) cho đầu tư cũng là vốn đầu tư công đang trói buộc đơn vị sự nghiệp công lập ở những điểm nào?
Đơn vị sự nghiệp công lập được giao tự chủ tài chính khi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất bằng nguồn thu hợp pháp của mình, không phải vốn ngân sách nhà nước, vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư như lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn, bố trí vốn, nên mất rất nhiều thời gian, công sức.
Điều đáng nói là, các thủ tục đi “xin” phê duyệt chủ trương và phê duyệt nguồn vốn đầu tư rất… vô nghĩa, vì nguồn vốn này không phải do ngân sách nhà nước cấp, không nằm trong nguồn vốn đầu tư công trung hạn và cũng không nằm trong nguồn vốn đầu tư công hằng năm.
Do là nguồn thu của đơn vị sự nghiệp, nên cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư làm sao biết được đơn vị sự nghiệp có bảo đảm khả năng cân đối vốn, huy động vốn hay không để phê duyệt.
Có ý kiến cho rằng, nguồn vốn để lại cho đơn vị sự nghiệp công lập như các loại phí, giá dịch vụ công về bản chất cũng là vốn, tài sản nhà nước, nên phải quản lý đầu tư như đầu tư công là hợp lý, thưa ông?
Vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước về bản chất cũng là vốn, tài sản nhà nước, nhưng doanh nghiệp nhà nước được quyền chủ động đầu tư, không mất thời gian, công sức làm các thủ tục hành chính, tuân thủ đầy đủ các quy trình như đầu tư công.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cũng quy định không áp dụng đối với việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, quỹ ngoài ngân sách thì sẽ vô lý nếu coi nguồn vốn để lại của các đơn vị sự nghiệp tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư là vốn đầu tư công.
Hơn nữa, thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập (ngày 25/10/2017) và Nghị quyết 08/NQ-CP (ngày 24/1/2018), thì đến năm 2021 hoàn thành cơ bản việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp có đủ điều kiện thành công ty cổ phần (trừ các bệnh viện và trường học), mô hình quản lý, quản trị tại tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính áp dụng như mô hình doanh nghiệp.
Mô hình quản lý, quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng như doanh nghiệp, thì việc các đơn vị sự nghiệp công đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần mà lại quản lý đầu tư theo quy định của đầu tư công có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước là không hợp lý.
Đầu tư công dễ dẫn đến thất thoát, lãng phí, dàn trải, nên nhiều ý kiến cho rằng, phải quản lý chặt cả vốn đầu tư của đơn vị sự nghiệp công lập. Ông bình luận gì về quan điểm này?
Quản lý doanh nghiệp nhà nước có hội đồng thành viên, hội đồng quản trị; còn quản lý đơn vị sự nghiệp công lập có các hội đồng, như trong lĩnh vực giáo dục đại học có hội đồng trường.
Theo Luật Giáo dục đại học vừa được Chủ tịch nước công bố, thì hội đồng trường của trường đại học công lập là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu nhà nước, được giao rất nhiều trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền hạn, trong đó có quyền quyết định chính sách thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển; phê duyệt kế hoạch tài chính; thông qua quyết toán kinh phí đối với các nguồn thu hợp pháp; quyết định chủ trương đầu tư và sử dụng tài sản có giá trị lớn; giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của trường…
Thành viên hội đồng trường, ngoài bí thư cấp ủy, hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn…, còn có tối thiểu 25% thành viên đại diện cho người lao động trong trường và tối thiểu 30% thành viên đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cộng đồng xã hội. Với thành phần hội đồng trường đa dạng như vậy thì rất khó để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải.
Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 6/2019) đã bỏ quy định coi vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư là đầu tư công sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc nêu trên, góp phần đẩy nhanh tốc độ đầu tư công.