Cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập ngành giao thông: Sắp chốt danh mục

Danh mục các đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) quản lý tiến hành cổ phần hóa sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ trong ít ngày tới.
Bệnh viện GTVT TP.HCM là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT dự kiến chuyển thành công ty cổ phần. Bệnh viện GTVT TP.HCM là một trong những đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT dự kiến chuyển thành công ty cổ phần.

Đông đảo...

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ GTVT vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép gia hạn thời gian trình danh mục đơn vị sự nghiệp công lập của bộ này dự kiến chuyển thành công ty cổ phần đến trước ngày 20/9.

“Do số lượng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GTVT khá lớn và hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, nên cần có thêm thời gian để lấy ý kiến thống nhất danh mục, lộ trình chuyển đổi và đặc biệt là xác định tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang công ty cổ phần để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định”, ông Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết. 

Trước đó, vào đầu tháng 1/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 159/TTg-DMDN yêu cầu các bộ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện quy định tại điểm a, khoản 1, khoản 2 Điều 4 Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 về tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực thực hiện chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Các bộ, ngành và địa phương cũng được yêu cầu phải báo cáo hiện trạng tài chínhcủa tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc 20 ngành, nghề quy định tại Điều 3 Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg để xác định tổng thể tất cả các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng cổ phần hóa, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trong quý I/2018.

Bộ GTVT đang nắm số lượng các đơn vị sự nghiệp công lập lớn nhất trong số các bộ, ngành và cơ quan ngang bộ. Cụ thể, tính đến cuối tháng 8/2018, Bộ GTVT đang quản lý 82 đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong 7 lĩnh vực.

Trong lĩnh vực quản lý dự án, Bộ GTVT đang nắm 16 ban quản lý dự án, gồm 13 ban quản lý dự án thuộc Bộ GTVT, 3 ban quản lý dự án thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Trong lĩnh vực y tế,  Bộ GTVT có 20 đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm 9 bệnh viện; 10 Phòng khám và Trung tâm y tế trực thuộc Cục Y tế GTVT, Cục Hàng không Việt Nam; 1 Trung tâm y tế thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. 

Danh sách các cơ sở sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo GTVT gồm 20 đơn vị, bao gồm: 11 trường đại học, cao đẳng, học viện trực thuộc Bộ GTVT; 4 trường trung cấp, trung cấp nghề trực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam;

4 trường cao đẳng trực thuộc Cục Hàng không Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; 1 trường cao đẳng thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới có 13 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Lĩnh vực dịch vụ khoa học và công nghệ, tư vấn cầu, đường bộ có 7 đơn vị (2 Viện thuộc Bộ GTVT; 5 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam).

Lĩnh vực thông tin và truyền thông có 4 đơn vị (Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Giao thông, Tạp chí GTVT và Trung tâm Thông tin an ninh hàng hải thuộc Cục Hàng hải Việt Nam).

Lĩnh vực quản lý bến tàu thủy có 1 đơn vị (Cụm phà Vàm Cống thuộc Tổng cục Đường Bộ Việt Nam) và lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng hải có 1 đơn vị.

... và phức tạp

Cần phải nói thêm rằng, danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ GTVT lẽ ra đã giảm 4 đầu mối sau khi bộ này từng lên kế hoạch cổ phần hóa 3 đơn vị y tế công lập thuộc Cục Y tế GTVT (Bệnh viện Nam Thăng Long, Bệnh viện GTVT Vinh, Bệnh viện GTVT Đà Nẵng) và Học viện Hàng không Việt Nam (thuộc Cục Hàng không Việt Nam).

Cho đến thời điểm này, Bộ GTVT mới chỉ thống nhất được chủ trương chuyển đổi 5 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành công ty cổ phần.   

Tuy nhiên, tiến trình cổ phần hóa các đơn vị này đã bị ngưng lại vào đầu năm 2017, do các cơ sở y tế, giáo dục công lập không còn nằm trong diện cổ phần hóa theo tinh thần của Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 1/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Chỉ  các đơn vị sự nghiệp công lập có đủ điều kiện, trừ các bệnh viện, trường học”.

Hiện chưa rõ các đơn vị y tế, giao dục công lập này có tiếp tục được Bộ GTVT đưa vào danh mục cổ phần hóa không, nhưng đây đều là các đơn vị nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư tư nhân, nếu như lộ trình tái cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cho đến thời điểm này, theo thông tin của Báo Đầu tư, Bộ GTVT mới chỉ thống nhất được chủ trương chuyển đổi 5 Trung tâm Kỹ thuật đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành công ty cổ phần theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg với lộ trình thực hiện chuyển đổi đến năm 2020, Nhà nước không nắm giữ cổ phần.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 03/02/2016, giai đoạn đến năm 2020, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT là đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Viện, đến nay, Viện đã tự chủ chi phí, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, đủ điều kiện chuyển thành công ty cổ phần theo Quyết định số 31/2017/QĐ-TTg.

“Vì vậy, Bộ GTVT thống nhất chủ trương chuyển đổi Viện Khoa học và Công nghệ GTVT thành công ty cổ phần, lộ trình thực hiện đến năm 2020”, thông tin từ Bộ GTVT cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục