45 cuộc cải cách được thực hiện
Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 vừa công bố sáng nay (26/10) ghi nhận trên 2/3 trong số 25 nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện tổng cộng 45 cuộc cải cách trong năm vừa qua nhằm cải thiện môi trường kinh doanh so với 28 cải cách được thực hiện trong năm trước đó.
4 nền kinh tế khu vực lọt vào nhóm 10 nền kinh tế đứng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của báo cáo là New Zealand (số 1), Singgapo (số 2), Hồng Kông, Trung Quốc (số 4) và Hàn Quốc (số 5).
Trong khi đó, các nền kinh tế xếp hạng thấp nhất trong khu vực là Myanmar (số 170) và Timor-Leste (số 175).
Với việc thực hiện 3 cải cách trong năm qua, Việt Nam đã tăng 9 bậc, từ 91 của năm ngoái, lên thứ hạng 82 trong năm nay.
Có tổng số 45 cuộc cải cách được thực hiện tại 17 trong số 25 nền kinh tế trong năm qua và giúp cải thiện môi trường kinh doanh tại đây. Đây là mức cao hơn hẳn so với con số trung bình là 28 cuộc cải cách mỗi năm trong vòng 5 năm qua.
Gần 1/4 số cuộc cải cách thực hiện trong năm qua thuộc lĩnh vực Tiếp cận tín dụng.
Đáng chú ý, có 2 nền kinh tế trong khu vực là Brunei và Indonesia nằm trong nhóm 10 nước cải thiện nhanh nhất trên thế giới trong bảng xếp hạng năm nay.
"Tuy đã tiến bộ hơn hẳn so với năm trước nhưng các nền kinh tế trong khu vực vẫn phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hơn nữa"
- Bà Rita Ramalho, Trưởng nhóm biên soạn báo cáo Môi trường Kinh doanh.
Indonesia đã thực hiện 7 lĩnh vực cải cách trong năm qua, nâng cao thứ hạng về Thành lập doanh nghiệp nhờ loại bỏ quy định vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa và khuyến khích sử dụng hệ thống đăng ký tên doanh nghiệp trực tuyến. Nhờ đó, tại Jakarta, chỉ mất 22 ngày để thành lập một doanh nghiệp mới so với 46,5 ngày trước đây.
Brunei đã thực hiện 6 cải cách trong năm qua, nâng mức độ cấp điện ổn định nhờ lắp đặt một hệ thống quản lý điện tự động nhằm theo dõi tình trạng mất điện và khôi phục dịch vụ nhanh chóng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể xin cấp điện nhanh hơn nhờ quy trình xét duyệt được hoàn thiện hơn. Kết quả là doanh nghiệp được kết nối với mạng điện chỉ trong vòng 35 ngày thay vì 56 ngày như trước đây.
Vanuatu thực hiện 4 cải cách và làm cho thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ dàng hơn nhờ bãi bỏ các đòi hỏi về đăng ký và cho phép doanh nghiệp tiếp cận với hệ thống đăng ký công nghệ số.
“Cải cách trên các lĩnh vực trong khu vực châu Á Thái Bình Dương chính là những bước đi giúp cải thiện hoạt động kinh doanh. Tuy đã tiến bộ hơn hẳn so với năm trước nhưng các nền kinh tế trong khu vực vẫn phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước hơn nữa,” bà Rita Ramalho, Trưởng nhóm biên soạn báo cáo Môi trường Kinh doanh nói.
Tuy nhiên, thách thức vẫn tồn tại trong các lĩnh vực Thành lập doanh nghiệp, Thương mại qua biên giới và Thực thi hợp đồng. Chẳng hạn, để hoàn thành thủ tục xuất khẩu phải mất đến 57 giờ, đây là mức cao hơn hẳn so với mức trung bình 12 giờ tại các nước thu nhập cao trong khối OECD.
Những nét mới trong Môi trường Kinh doanh 2017
Báo cáo năm nay bao gồm 190 nền kinh tế, đưa thêm Somalia vào báo cáo.
Lần đầu tiên, báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017 đưa thêm khía cạnh giới vào trong 3 tiêu chí: Thành lập doanh nghiệp, Đăng ký tài sản và Thực thi hợp đồng. Báo cáo cho biết, tại nhiều nền kinh tế khu vực Đông Á Thái Bình Dương không còn rào cản về giới, nhưng có 2 trường hợp ngoại lệ là Malaysia và Brunei. Tại 2 nước này vẫn còn quy định riêng cho phụ nữ có gia đình muốn thành lập và điều hành doanh nghiệp.
Tiêu chí Nộp thuế đã mở rộng và bao gồm cả các quy trình sau khai báo thuế, ví dụ kiểm toán thuế và hoàn thuế VAT. Nhiều nền kinh tế khu vực thực hiện tốt trong các lĩnh vực này, nhưng vẫn còn một số ngoại lệ. Ví dụ, thời gian thực hiện thủ tục thuế tại Thái Lan và Timor-Leste vẫn còn cao; thời gian thực hiện thủ tục hoàn thuế VAT tại Tonga và Fiji cũng vẫn còn cao.
Báo cáo cũng có một phụ lục về bộ tiêu chí thí điểm về quy định mua sắm công. Quy trình mua sắm “bán hàng cho chính phủ” được nghiên cứu tại 78 nền kinh tế nhưng không được đưa vào kết quả xếp hạng chung. Bộ tiêu chí này xét 5 lĩnh vực chính: tiếp cận và minh bạch, bảo đảm đấu thầu, chậm thanh toán, ưu đãi doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ chế khiếu nại.