Như vậy, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã hoàn tất việc ký cam kết với VCCI, đúng hạn định theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong thực thi Nghị quyết 35/2016/NĐ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Và 63 bản kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh với hàng loạt mục tiêu cụ thể, từ cắt giảm thủ tục hành chính đến những cam kết thay đổi hành vi ứng xử của công chức… mà các địa phương dự định sẽ làm đã không chỉ được báo cáo Chính phủ, mà còn công khai với cộng đồng doanh nghiệp, chấp nhận sự giám sát của cộng đồng doanh nghiệp.
Một không khí vô cùng hứng khởi tràn ngập lễ ký kết. Tuy nhiên, câu hỏi doanh nghiệp có thể thở phào và an tâm với các kế hoạch kinh doanh dài hạn hay không lại chưa nhận được sự hồ hởi tương ứng. Họ nói chờ các địa phương làm thật.
Khi chính quyền thực sự làm theo cam kết, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không có cơ hội để làm giả, làm ngắn.
Dễ chia sẻ với sự ngần ngại này khi khoảng cách giữa quy định và thực thi, giữa cam kết và hành động vẫn luôn là… con đường xa nhất ở Việt Nam. Lại càng khó tin ngay khi Nghị quyết 35/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành từ tháng 5/2016, với những nhiệm vụ và trách nhiệm thực thi rất cụ thể, song Thủ tướng Chính phủ vẫn phải liên tục nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương về tiến độ, bởi tính đến tháng 7/2016, số đầu việc và đơn vị thực thi mới chỉ là số lẻ.
Càng dễ chia sẻ hơn với cộng đồng doanh nghiệp nếu nhìn vào chặng đường 2 năm đề nghị các bộ phối hợp sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành trong thủ tục thông quan từ Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan cho doanh nghiệp, để tiết kiệm được 800 triệu USD/năm nếu giảm được 1 ngày thông quan cho doanh nghiệp…
Có lẽ phải nhắc tới phân tích của các cơ quan đề xuất sửa đổi để thấy sự thay đổi không hề dễ dàng. Đó là, mấu chốt của đề nghị sửa đổi quy định về kiểm tra chuyên ngành không phải là để tiết kiệm tiền, dù đó là số tiền lớn, mà là vì chất lượng kiểm tra, kết quả kiểm tra rất thấp, phát hiện vi phạm không đang kể, hầu hết hàng hóa đều qua. Việc duy trì các quy định kiểm tra không phù hợp này đang cản trở sự phát triển. Hai bộ này đã chính thức đề nghị bổ sung 3 luật khác liên quan đến quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu… vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh.
Nhưng ở góc độ ngược lại, tín hiệu tích cực đã được nhiều địa phương phát đi. Đó là những cuộc đối thoại không chính thức thông qua mô hình cà phê doanh nhân của Đồng Tháp, Tuyên Quang, Hòa Bình… Đó là nỗ lực tạo dựng hình ảnh mới trong khu vực hành chính công của Đà Nẵng, TP.HCM, Quảng Ninh, Hà Tĩnh… Đặc biệt, nhiều địa phương đã giao mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến các cấp quận, huyện. Có nghĩa là, đang có sự thay đổi rất lớn trong tư duy, hành vi của chính quyền địa phương với doanh nghiệp.
Tất nhiên, vẫn còn khoảng cách để tư duy này thực sự ngấm vào từng công chức cụ thể. Nhưng với yêu cầu rất cụ thể của Nghị quyết 35/2016/NĐ-CP và các cam kết mà chính quyền địa phương đã đặt bút ký, chính quyền các địa phương, từng công chức đang đối mặt với áp lực đổi mới lớn, đòi hỏi ý thức và trách nhiệm thực sự với sự phát triển của đất nước, của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.
Khi chính quyền thực sự làm theo cam kết, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không có cơ hội để làm giả, làm ngắn.
Ngọn lửa cải cách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang dấy lên có được hun đúc thêm hay bị nhạt nhòa đi phụ thuộc hoàn toàn vào từng bộ, ngành, địa phương, vào những người đứng đầu…