Những chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua cho thấy điểm yếu trong khâu xây dựng luật.
Bộ trưởng cho biết: “Cách tổ chức thực hiện làm luật của ta chưa tốt. Chúng tôi đã thành lập ban soạn thảo, mời họp nhiều lần các ngành liên quan, nhưng các bộ cử người không đúng, nay cử người này, mai người khác, chủ yếu mang tính soi xét xem có ảnh hưởng đến bộ mình không, chứ không mang tính xây dựng. Chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển, tạo động lực cho phát triển thì không ai nói đến chuyện đó, dù là chủ trương lớn của đất nước”.
Cần nhớ là cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp đang từng ngày mong mỏi bộ luật này ra đời, nhằm gỡ khó cho rất nhiều vướng mắc hiện nay.
Quốc hội cho Chính phủ thêm bốn ngày để hoàn thành các thủ tục và chỉnh lý nội dung của dự luật, một khoảng thời gian rất gấp trước khi chấp nhận trình ra kỳ họp Quốc hội dự kiến khai mạc vào 21/10 tới. Song không vì thế mà các nhà làm luật dừng lại.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông thiết tha: “Xin tiếp thu các ý kiến hôm nay, chúng tôi tiếp tục chỉnh sửa vì chậm ngày nào là thiệt thòi cho cộng đồng doanh nghiệp ngày ấy”. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng thiết tha xin Thường vụ Quốc hội cho dự luật vào chương trình kỳ họp Quốc hội tới đây.
Còn ở góc độ những người hàng ngày “va” với vô số thủ tục hành chính, lãnh đạo một tập đoàn bất động sản lớn cho biết, môi trường kinh doanh chưa cải tiến được là bao. Doanh nghiệp của ông có quy mô lớn, đầu tư bài bản, có hẳn một đội nhân sự chuyên lo thủ tục cho các dự án, song tiến độ xin giấy phép đã chậm hơn 3 tháng so với dự kiến.
Theo đà này, doanh nghiệp phải tính đến việc cho khách hàng đặt chỗ mua nhà trước thay vì thực hiện bán nhà theo kế hoạch như trước đây. Nếu cứ trông chờ đầy đủ thủ tục rồi mới mở bán thì doanh nghiệp sẽ lỡ cơ hội, mất thị trường và lãng phí vô cùng lớn.
Những tâm tư như vậy đã thẳng thắn được chia sẻ tại buổi gặp của cộng đồng doanh nghiệp TP. HCM với Chủ tịch nước Trần Đại Quang trước thềm Ngày Doanh nhân năm nay. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp TP. HCM cho hay, để phát triển, doanh nghiệp cần vốn, lao động, công nghệ, hội nhập. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp cần nhất chính là hệ thống luật pháp, chính sách thông thoáng để giúp họ tồn tại và phát triển.
Tuy nhiên, qua hai năm, Việt Nam thực hiện cải cách hành chính quá chậm và quá cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Cải cách hành chính mà để cho một rừng hệ thống các văn bản, thủ tục hành chính cản trở doanh nghiệp bùng phát trở lại. Vị doanh nhân này liệt kê một loạt thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đơn cử như Bộ Tài chính liên quan đến 1.645 thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp là 678 thủ tục, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều 569 thủ tục, Bộ Công thương là 547 thủ tục.
Ông Bé nhận xét, Chính phủ thể hiện sự quyết tâm rất lớn đến cải cách hành chính, nhưng chuyển biến ở dưới rất chậm. Làm thế nào để rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương và thực hiện thì không dễ.
“Người ta thường nói sống và làm việc bằng pháp luật, nhưng doanh nghiệp lại sống và làm việc bằng nghị định và thông tư, tức là những điều dưới luật”, vị doanh nhân chia sẻ.
Còn ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM lại lo lắng trước việc thương hiệu doanh nghiệp Việt đang có sự teo tóp, doanh nhân vẫn đang khó phát triển. “Doanh nghiệp vẫn chưa yên tâm lắm khi các cơ quan nhà nước chưa thực sự đồng hành với doanh nghiệp, nói chưa đi đôi với làm, trên rải thảm đỏ nhưng dưới rải đinh. Các giải pháp chậm đi vào cuộc sống”, ông Minh nói.
Nỗi lo này được giới chuyên gia như các ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, lòng tin của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân trong nước ở mức thấp, do môi trường kinh doanh vẫn bị đánh giá thấp về mức độ thuận lợi (78 bậc, theo xếp hạng của World Bank). Xu hướng chuyển nhượng thương hiệu của một số doanh nghiệp hoạt động tốt cho nước ngoài cho thấy tư nhân lớn ở Việt Nam vẫn chưa yên tâm đầu tư lâu dài trong kinh doanh. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn ở mức cao.
Hội nhập đang cận kề, buộc các doanh nghiệp phải có đối sách ứng phó, không chỉ khi muốn vươn ra nước ngoài mà ngay trên sân nhà, hơn lúc nào hết cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân mong đợi Thủ tướng và Chính phủ tập trung cao độ cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách thể chế nhằm tạo ra niềm tin để họ cống hiến và sự an tâm được động viên và đồng hành trên chiến trường thời bình.
“Phải đốc thúc các bộ, ngành, địa phương thực hiện bằng được những điều đã nêu trong Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP, tạo bằng được những chuyển biến thực sự trong toàn bộ bộ máy nhà nước”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ tại buổi lễ ký kết cam kết cải thiện môi trường kinh doanh của 21 tỉnh thành với cơ quan này mới đây.
Chính sách đã tốt, quan trọng là làm đúng chính sách
Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc
Chính phủ cần tạo cơ chế chính sách đột phá để phát triển kinh tế, mà doanh nghiệp quốc doanh, ngoài quốc doanh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa phải là điểm nhấn cần quan tâm tháo gỡ.
Thứ nhất, khơi thông nguồn vốn đến DN nhỏ và vừa, làm sao vay vốn không dựa vào thế chấp, mà dựa vào chứng minh dự án khả thi. Làm sao để cân đối nguồn vốn để 80% nguồn vốn vào doanh nghiệp nhỏ và vừa và 80% doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Hiện 80% vốn ngân hàng chảy vào các công ty lớn.
Để làm được điều này, Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy TTCK phát triển mạnh mẽ hơn, để thực sự trở thành kênh huy động trung và dài hạn cho các doanh nghiệp lớn. Một khi doanh nghiệp lớn, hoạt động lành mạnh có thể huy động vốn từ TTCK thì vốn ngân hàng sẽ được chuyển cho doanh nghiệp nhỏ.
Thứ hai, phải có chính sách mới về cho vay vốn dài hạn doanh nghiệp, chẳng hạn kỳ hạn từ 7-10 năm. Hiện kỳ hạn dài được quy định là 5 năm, nhưng với nhiều dự án có vòng quay vốn dài sẽ khó có khả năng hoàn trả cả vốn và lãi trong 5 năm. Nhiều khi vì nhu cầu đi vay của nhà đầu tư và nhu cầu cho vay của ngân hàng mà hai bên phải “nhắm mắt” ký hợp đồng tín dụng, để rồi đến năm thứ 5 họ lại “bắt tay” nhau gia hạn nợ. Nếu không gia hạn thì sẽ thành nợ xấu ngay, vì không ai có thể trả nợ trong vòng 5 năm.
Thứ ba, phải quyết liệt tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp, vinh danh DN, thực sự coi DN là chiến sĩ thời bình, là động lực quan trọng để phát triển kinh tế! Tạo động lực và hình ảnh tốt cho DN và thúc đẩy các cấp, các ngành hỗ trợ DN bỏ bớt rào cản, bớt định kiến để DN có được môi trường tự tin mà làm việc.
Về cơ bản, chính sách của ta hiện nay đã tốt rồi, vấn đề là cần làm đúng được các chính sách đó. Thực ra, quan trọng nhất là sự minh bạch của các cấp chính quyền. Một khi tạo được sự minh bạch, rõ ràng thì sẽ có chính quyền mạnh và khi ấy tự khắc các tiêu cực sẽ mất đi.
Quy mô doanh nghiệp Việt Nam hầu hết là quá nhỏ
Ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch VCS Stone
Trình độ quản trị của doanh nghiệp Việt Nam đa số còn rất thấp, hiểu biết về môi trường kinh doanh quốc tế cón rất ít. Tất cả các doanh nghiệp có hệ thống và trình độ quản trị quốc tế đều có những hoạt động hội nhập rất tốt và nhiều trong số đó đã và đang tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tuy ở các mức độ khác nhau. Các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng tìm hiểu để hội nhập nhưng do nguồn lực (nhất là con người) có hạn nên sẽ cần nhiều thời gian để hoàn thiện mình và do đó có thể bị chậm và mất cơ hội vào tay các công ty nước ngoài.
Nút thắt nằm ở hệ thống thể chế và chính sách pháp luật: chưa đủ rõ ràng, minh bạch, không có cơ chế giải trình rõ ràng về trách nhiệm từ cơ quan làm luật đến cơ quan triển khai và giám sát thực hiện luật (ví dụ luật rất thông thoáng nhưng có thể bị hạn chế và không được thông thoáng, bị giới hạn lại bởi thông tư, nghị định và đôi khi nghị định to hơn luật…), lợi ích nhóm có thể còn phổ biến và luôn là nguy cơ cho mọi lĩnh vực, do đó chưa thể thực sự đảm bảo việc thượng tôn phát luật.
Giải pháp cho những vấn đề trên có nhiều nhưng việc đầu tiên cần phải gỡ đó là cơ chế làm luật và chất lượng của luật: chỉ có luật là cao nhất, sau đó là văn hoá thượng tôn pháp luật. Vấn đề hiệu quả của luật (mặc dù đủ tốt rồi) còn phụ thuộc vào trình độ dân trí nói chung và tính minh bạch, công bằng trong thực thi pháp luật. Phải có những người xứng đáng là minh chủ về tầm nhìn khi chỉ đạo làm luật trong mỗi lĩnh vực và Nhà nước phải là thể chế hỗ trợ loại bỏ cơ bản các nhóm lợi ích trong một xã hội thượng tôn pháp luật.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động hiểu được luật pháp Việt Nam và quốc tế để tuân thủ pháp luật dù ở bất cứ nơi đâu. Hội nhập với trình độ quản trị quốc tế và muốn vậy phải có nguồn nhân lực trình độ quốc tế, chuyên nghiệp và kinh nghiệm. Có chiến lược kinh doanh cùng với chiến lược về nguồn lực rõ ràng và phù hợp với chuỗi giá trị mình muốn tham gia. Không ra khơi không thể trải nghiệm thực tế sóng lớn ở mức độ nào. Tuy nhiên trước khi ra khơi, để tránh bị sóng vùi gió dập thì phải tìm hiểu và phòng bị kỹ càng. Với kinh doanh, yếu tố sống còn để phát triển bền vững là phải có nguồn lực con người đủ mạnh, trên nền tảng hệ thống quản trị chuyên nghiệp, với trách nhiệm giải trình minh bạch, sau đó mới là nền tảng công nghệ, vốn và thiết bị.