Bên lề hội thảo “Danh tiếng và niềm tin của doanh nghiệp - Góc nhìn từ ESG và Quản trị công ty” của Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD) tổ chức cuối tuần qua, ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital đã chia sẻ thêm với Báo Đầu tư Chứng khoán dưới góc nhìn của các quỹ trong việc đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông, yêu cầu, kỳ vọng của các quỹ đầu tư trong việc đưa ra quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp Việt Nam như thế nào?
Trong quá trình làm công tác thẩm định, tôi nhận thấy, kết quả kinh doanh chỉ là một phần để các nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư vào các doanh nghiệp, nhưng một phần rất lớn đến từ những dữ liệu phi tài chính như: văn hoá công ty, vấn đề minh bạch, trách nhiệm HĐQT, trách nhiệm giải trình của công ty, sự đối xử bình đẳng giữa các cổ đông,.. tất cả những yếu tố này đều được đưa lên bàn cân một cách thận trọng.
Ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital. |
Hiện điểm số các doanh nghiệp Việt Nam đang rất thấp, thậm chí tụt hậu so với các nước trong khu vực. Trong khi đó, chúng ta cần vốn để phát triển, gồm nguồn vốn từ khu vực đầu tư nước ngoài và vốn cổ phần đầu tư nước ngoài đang trở nên rất quan trọng cho tiến trình phát triển mới của các doanh nghiệp. Nhưng muốn thu hút được nguồn vốn này, chúng ta cần nghĩ xem các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn đang nghĩ gì, xem gì và họ có gì để xem.
Trong 100 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, chỉ có 53 doanh nghiệp có báo cáo liên quan đến tuân thủ các tiêu chuẩn của GRI (sáng kiến báo cáo toàn cầu); 18 doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững; đặc biệt duy nhất 1 doanh nghiệp có ý kiến của bên thứ 3 về báo cáo phát triển vững. Chúng ta có đến 1.600 doanh nghiệp niêm yết nhưng sự lựa chọn các nhà đầu tư ngoài Việt Nam là rất hữu hạn.
Như tại Dynam Capital, chúng tôi có đến hơn 100 tiêu chí được chia thành nhiều vấn đề liên quan để xem xét quyết định đầu tư đối với một doanh nghiệp. Đối với các chỉ tiêu tài chính, chúng tôi xem xét đến thông tin tài chính, chiến lược, sản phẩm, thị trường, kết quả kinh doanh trong quá khứ, các dự án trong tương lai, đi cùng khả năng tăng trưởng và mức độ định giá để đưa ra quyết định. Đối với các chỉ tiêu phi tài chính, chúng tôi dùng công cụ ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Như đã đề cập, một trong những yếu tố để các nhà đầu tư nước ngoài đưa đến các quyết định đầu tư là sự bình đẳng giữa các cổ đông. Bình đẳng ở đây được thể hiện như thế nào, thưa ông?
Bình đẳng ở đây gồm hai yếu tố: sự bình đẳng về mặt thông tin và quyền được tham gia vào các quyết định.
Thứ nhất, về sự bình đẳng về mặt thông tin, đôi khi nhiều cổ đông lớn có quyền biết được nhiều thông tin hơn các cổ đông nhỏ. Thực tế, với những cổ đông bình thường, họ chỉ cần doanh nghiệp công bố thông tin theo đúng quy định pháp luật, nhưng nhiều cổ đông lớn lại muốn có nhiều thông tin trong thời gian sớm hơn.
Thứ hai, với sự bình đẳng trong các quyết định của doanh nghiệp, nhiều cổ đông lớn hay những cổ đông tổ chức thường gây ảnh hưởng cho HĐQT trước khi những quyết định được ban hành bằng những buổi thảo luận, gặp gỡ riêng. Nếu HĐQT nghiêm túc thì việc công bố thông tin một cách rõ ràng, không công bố thêm những thông tin khác dù những nhà đầu tư lớn yêu cầu. Hay có những vấn đề liên quan đến quyết định thì doanh nghiệp có thể tham khảo ý kiến, nhưng khi ra quyết định thì cần sự công bằng.
Đánh giá của ông về mức độ đối xử bình đẳng giữa các cổ đông tại các doanh nghiệp Việt Nam?
Điều này cũng tuỳ thuộc vào từng doanh nghiệp, nhưng nhìn trong mặt bằng chung, nếu so với các nước khác thì Việt Nam còn cách biệt khá xa liên quan đến sự công bằng giữa các cổ đông. Trong phạm vi so sánh giữa từng doanh nghiệp cũng có nhiều sự khác biệt, khác biệt giữa các công ty lớn, công ty vừa và công ty nhỏ.
Công bằng trong đối xử phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo cao nhất, tức chủ tịch và HĐQT của doanh nghiệp. Nếu họ ý thức được điều này thì mọi thứ sẽ rất rõ ràng. Cũng tuỳ mức độ đáp ứng mà các doanh nghiệp cần có sự cải thiện, nhưng điều quan trọng nhất vẫn là tuân thủ pháp luật và áp dụng những thông lệ tốt về quản trị công ty, đặc biệt trách nhiệm về giải trình phải ăn vào máu của lãnh đạo, như vậy khả năng sai sót sẽ giảm đi rất nhiều.