Nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong danh sách
Trong Kế hoạch thanh tra năm 2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nội dung thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản tại 8 tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Ninh, Bình Phước, Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam.
Đáng lưu ý, trong danh sách thanh tra có tên nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn như Xi măng Bút Sơn, Xi măng Vissai Hà Nam, Công ty cổ phần Đầu tư Thành Thắng Group, Xi măng Hà Tiên và Hà Tiên 1; Xi măng Vicem Hoàng Mai… Phần lớn các công ty nằm trong danh sách thanh tra này đều được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác khoáng sản.
Nhìn vào danh sách các doanh nghiệp xi măng bị thanh tra, chỉ tính riêng trên địa bàn xã Thanh Nghị (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã có 3 nhà máy là Nhà máy Xi măng Xuân Thành, Nhà máy Xi măng Thành Thắng và Xi măng Hoàng Long.
Cách xã Thanh Nghị gần 10 km là 2 nhà máy xi măng của Tập đoàn Vissai và Nhà máy Xi măng Bút Sơn, công suất 3 triệu tấn/năm.
Khai thác khoáng sản làm xi măng là hoạt động dễ gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực mỏ nhất. Không khó để thấy, môi trường sống tại các khu dân cư có các nhà máy xi măng đóng đô như xã Thanh Nghị phải sống chung với ô nhiễm, khói bụi từ nhiều năm nay.
Quản lý chặt tài nguyên khoáng sản
Tính đến hết năm 2018, ngành xi măng Việt Nam có 82 dây chuyền sản xuất xi măng lò quay, tổng công suất thiết kế 99 triệu tấn theo cách tính 80% clinker + 20% phụ gia. Tuy nhiên, năng lực thực tế có thể đạt 113 triệu tấn xi măng với 70% clinker + 30% phụ gia.
Trong năm 2018, lần đầu tiên, ngành xi măng đã sản xuất và tiêu thụ khoảng 97 triệu tấn sản phẩm, gồm cả tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Không giống các ngành sản xuất khác, ngành xi măng phải gắn chặt với hoạt động khai thác mỏ đá vôi, đất sét để làm xi măng. Tất cả các doanh nghiệp xi măng đều được cấp phép khai thác mỏ có thời hạn để phục vụ sản xuất.
Căn cứ vào mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác, các doanh nghiệp xi măng phải tuân thủ đúng quy định của Nhà nước về khai thác, hoàn thành các nghĩa vụ về nộp thuế tài nguyên…
Việc khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ mới khai thác khoáng sản được đề cao, nhưng thực tế còn khá ít doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới. Trong báo cáo ngành xi măng gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2018, Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) có đề cập tình trạng công nghệ khai thác mỏ trong ngành xi măng đa số còn lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, chưa sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA cho biết, ngoài các nhà máy có quy mô công suất lớn, có công nghệ khai thác mỏ hiện đại, thì ở các nhà máy nhỏ, việc áp dụng công nghệ mới trong khai thác khoáng sản chưa có chuyển biến.
Ngoài ra, không khó để thấy, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chưa nghiêm túc trong hoạt động khai thác khoáng sản làm xi măng.
Theo Thông báo số 103/TB-KVI của Kiểm toán Nhà nước khu vực VI ngày 5/3/2018, trong năm 2016, Công ty Xi măng Phúc Sơn (huyện Kinh Môn, Hải Dương) khai thác tài nguyên chưa kê khai thuế hơn 8,3 triệu m3, chưa kê khai phí bảo vệ môi trường hơn 9,7 triệu m3, khối lượng tài nguyên khai thác dưới cốt (+5m) là 434.000 m3. Qua đó, Kiểm toán Nhà nước tạm xác định doanh nghiệp này còn phải nộp ngân sách nhà nước 266,6 tỷ đồng về các loại phí trên.
Ngoài dấu hiệu vi phạm pháp luật nói trên, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện gần ranh giới mỏ của Công ty Phúc Sơn và một đơn vị khác khai thác khoáng sản trái phép lên tới gần 15 triệu m3. Trữ lượng này ước tính gây thất thu ngân sách nhà nước khoảng 1.177,9 tỷ đồng.
Tài nguyên khoáng sản có hạn, sẽ đến lúc cạn kiệt, bởi thế, cần siết chặt quản lý nguyên liệu khoáng sản làm xi măng là một bài toán lớn với ngành.
Năm 2018, Bộ Xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai lập Quy hoạch Thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Theo đó, đề cương lập Quy hoạch Thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Xây dựng hoàn thành và đang xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương liên quan.
Ngành xi măng đứng đầu về tiêu thụ điện năng
Theo Viện Chiến lược chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tiêu thụ điện năng của ngành xi măng đứng đầu trong các ngành công nghiệp ở Việt Nam (các ngành công nghiệp chính được tính đến chủ yếu gồm: sắt thép, hóa chất và dầu khí, xi măng và vật liệu xây dựng, thực phẩm và thuốc lá, dệt may và da giày, sản xuất giấy và in...).
Bên cạnh đó, lượng phát thải tính theo CO2 tương đương (CO2tđ) thì ngành sản xuất xi măng cũng đang đứng đầu. Cụ thể, ngành sản xuất xi măng đang phát thải tổng cộng khoảng 36,6 triệu tấn CO2tđ từ việc đốt nhiên liệu để nung và lượng CO2 thoát ra từ phản ứng hóa học khi nung.