Năm 2019, doanh nghiệp xi măng đối mặt với nhiều áp lực

(ĐTCK) Nhờ bứt phá trong xuất khẩu, kết quả kinh doanh năm 2018 của nhiều doanh nghiệp xi măng được nhìn nhận sẽ tích cực. Tuy nhiên, sang năm 2019, hoạt động kinh doanh của khối này được dự báo sẽ đối mặt với nhiều áp lực. 
Giá than, giá điện tăng đang khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp xi măng tăng cao. Giá than, giá điện tăng đang khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp xi măng tăng cao.

Xuất khẩu bứt phá

Việt Nam hiện đang xuất khẩu clinker đến 48 nước, xi măng đến 53 nước. Xuất khẩu 10 tháng đầu năm 2018 đạt 26,05 triệu tấn, tăng 65% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, ước tiêu thụ sản phẩm xi măng trong 10 tháng qua đạt 85,23 triệu tấn, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 100% kế hoạch tiêu thụ của cả năm. Trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 59,18 triệu tấn. Từ nay đến cuối năm, lượng tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng do đang vào mùa xây dựng.

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thị trường xi măng Việt Nam còn có thể được hưởng lợi từ việc cắt giảm nhân công tại Trung Quốc - hiện là quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới với công suất khoảng 2,5 tỷ tấn, chiếm gần 60% công suất toàn cầu và gấp khoảng 25 lần công suất của Việt Nam.

Cuối năm 2017, Trung Quốc đã chuyển từ một nước xuất khẩu clinker sang nhập khẩu do nước này tăng cường giảm công suất xi măng để đối phó với tình trạng dư thừa và ô nhiễm.

Nhu cầu nhập khẩu clinker ở Trung Quốc tăng cao dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu của Việt Nam. Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng xuất khẩu clinker sang Trung Quốc đã tăng đáng kể lên 3,5 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm 2018 từ mức 22.400 tấn của cùng kỳ năm ngoái, góp phần tăng 63% tổng sản lượng xuất khẩu clinker và xi măng tại Việt Nam.

Giá clinker xuất khẩu cũng tăng khoảng 25% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, việc Chính phủ Việt Nam bỏ thuế xuất khẩu xi măng vào đầu năm 2018 cũng là yếu tố góp phần giúp xuất khẩu tăng. 

Thị trường nội địa: Đối mặt với Áp lực cạnh tranh

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, do thị trường thuận lợi nên lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường xi măng gia tăng, đẩy nguồn cung lên cao, khiến chênh lệch cung-cầu lớn.

Đến năm 2020, dự kiến có 3 nhà máy xi măng đi vào hoạt động và cho ra thành phẩm là Xi măng Tân Thắng (Hoàng Mai - Nghệ An), dây chuyền 3 của Xi măng Xuân Thành, Xi măng Thành Thắng (Hà Nam). Cũng trong năm này, dự báo Việt Nam có thể dư cung 36-47 triệu tấn xi măng.

Ngoài ra, việc chi phí đầu vào đang trong xu thế tăng sẽ gây áp lực lên giá bán, cũng như cạnh tranh bán hàng. Ông Cung cho rằng, điều này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm 2019.

Thực tế, giá than đã tăng, giá điện dự kiến sẽ tiếp tục tăng vào đầu năm 2019, chi phí vận tải và các chi phí khác đều tăng. Khi chi phí đầu vào tăng, doanh nghiệp sẽ phải tăng giá bán và thị trường nội địa sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên. Điều này nhanh chóng tác động lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đơn cử, kết thúc 9 tháng đầu năm, CTCP Xi măng Vicem Hoàng Mai (HOM) đạt 1.224 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng do giá vốn và chi phí bán hàng đều tăng cao nên lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ còn 1, 6 tỷ đồng, giảm hơn 3 tỷ đồng so với con số của cùng kỳ (4,69 tỷ đồng). Kết quả, lợi nhuận ròng 9 tháng của HOM đạt 1,3 tỷ đồng. Theo lãnh đạo HOM, giá vốn trong kỳ tăng cao chủ yếu do giá điện và giá than tăng.

Là đơn vị cung cấp than cho nhiều doanh nghiệp xi măng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho biết, trong nửa đầu năm nay, giá than đã được điều chỉnh tăng 2 lần, với mức tăng tổng cộng 4,7%. Trong thời gian này, đơn giá điện cũng tăng 6,08%.

Trước thực tế chi phí đầu vào gia tăng, một số doanh nghiệp xi măng đã rục rịch tăng giá bán. Tuy nhiên, đối với sản phẩm xuất khẩu, việc tăng giá là khó thực hiện bởi ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh ở thị trường quốc tế và đối diện nguy cơ mất đơn hàng. Bởi vậy, việc tăng giá sẽ chủ yếu thực hiện ở thị trường nội địa. Khi đó, áp lực cạnh tranh tại thị trường này sẽ rất lớn.

Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh năm 2019 trong bối cảnh áp lực gia tăng, lãnh đạo một doanh nghiệp cho hay, đơn vị sẽ lên kế hoạch giảm tối đa chi phí đầu vào, cố gắng đạt công suất thiết kế thông qua nâng cao năng lực sản xuất.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cho biết sẽ đầu tư công nghệ hiện đại, sử dụng các chất thải tái chế để làm xi măng từ xỉ hạt lò cao và tro bay của nhiệt điện. Trong tương lai, ngành xi măng không chỉ đầu tư sản xuất clinker, mà còn sản xuất xi măng từ các nguồn khác, tạo sự đa dạng sản phẩm và giá bán.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Tổng công ty xi măng Việt Nam (Vicem) cho hay, Tổng công ty đang áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kết hợp với cải tiến chiều sâu, xử lý các nút thắt trong dây chuyền công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện năng suất thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm... 

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục