Doanh nghiệp ngành xi măng lo tăng trưởng

Dù hơn 97 triệu tấn sản phẩm đã được tiêu thụ trong năm 2018, cao hơn mức kỳ vọng của ngành xi măng, nhưng sang năm 2019, các doanh nghiệp xi măng vẫn canh cánh nỗi lo tăng trưởng.
Tối ưu hóa dây chuyền công nghệ để nâng cao hiệu suất là một trong giải pháp để doanh nghiệp xi măng duy trì tăng trưởng. Tối ưu hóa dây chuyền công nghệ để nâng cao hiệu suất là một trong giải pháp để doanh nghiệp xi măng duy trì tăng trưởng.

Bài toán tăng trưởng

Năm 2018 được đánh giá là năm thành công của ngành xi măng, khi tiêu thụ tăng hơn mức kỳ vọng, trong đó, xuất khẩu khoảng 31 triệu tấn, vượt 10 triệu tấn so với mục tiêu đặt ra.

Thị trường tiêu thụ tốt đã kéo nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sáng lên, nhưng bài toán tăng trưởng trong năm 2019 vẫn đang đè nặng lên vai các nhà sản xuất, khi thị trường tiếp tục có thêm nguồn cung, trong khi chi phí đầu vào (than, điện, bao bì, cuớc vận tải…) lại không thể giữ giá.

Lập kỷ lục tiêu thụ 29 triệu tấn sản phẩm trong năm 2018, doanh thu thuần đạt trên 35.201 tỷ đồng, lợi nhuận 2.799 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch năm, nhiều nhà máy chạy vượt công suất, sản xuất clinker lần đầu tiên vượt công suất thiết kế, đạt 20,45 triệu tấn, nhưng Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) đang đối mặt với bài toán cạn dư địa tăng trưởng trong năm 2019.

Ông Bùi Hồng Minh, Tổng giám đốc Vicem nhận định, năm 2019, sản xuất xi măng tiếp tục đối mặt với thách thức tăng chi phí đầu vào và khả năng thiếu năng lượng cho sản xuất.

“Năm 2018, trước áp lực thiếu than, các doanh nghiệp ngành xi măng đã phải tự lo bằng nguồn nhập khẩu. Năm 2019, dự báo giá than còn tăng do tác động bởi trượt giá, lãi suất..., nên chúng tôi rất lo nguồn than cho sản xuất”, ông Minh bày tỏ.

Phân tích thêm về những “chướng ngại vật” trong tăng trưởng năm 2019, lãnh đạo Vicem cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã bắt đầu tác động đến tỷ giá ngoại tệ và thương mại chung, khiến các nguyên liệu nhập khẩu và dịch vụ vận tải quốc tế tăng giá... Trong khi đó, ở trong nước, giá thạch cao, giá than cũng có thể lên cao… Những yếu tố đó sẽ kéo tụt lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cùng chung nỗi lo, ông Trần Xuân Định, Trưởng phòng Kinh doanh Chi nhánh phía Nam (Công ty CP Xi măng Cẩm Phả) cho hay, mặc dù sản lượng tiêu thụ xi măng tại phía Nam của Công ty CP Xi măng Cẩm Phả năm 2018 tăng nhẹ so với năm 2017, nhưng việc duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh với hiệu quả thực chất trong năm 2019 là thách thức không nhỏ với doanh nghiệp.

“Chi phí đầu vào tăng, nguồn cung trên thị trường xi măng rất lớn, cạnh tranh gay gắt về giá… còn tiếp diễn trong năm 2019, đòi hỏi công tác quản trị trong các khâu sản xuất, tiêu thụ… phải sát hơn nữa”, ông Định nói.

Nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí

Nguồn cung than cho sản xuất xi măng từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam không thể duy trì trong năm 2018, nên doanh nghiệp xi măng đã phải tìm nguồn than nhập khẩu. Giá nhập khẩu phụ thuộc biến động tỷ giá và tất nhiên, doanh nghiệp không tránh được rủi ro. Trước áp lực này, một loạt doanh nghiệp đã buộc phải điều chỉnh tăng giá xi măng từ quý IV/2018 với mức tăng từ 30.000 -  50.000 đồng/tấn.

Ông Bùi Hồng Minh cho biết, có những thời điểm, lãnh đạo doanh nghiệp phải lo than từng ngày, nên năm 2019 sẽ nỗ lực để đảm bảo than từ kênh thương mại quốc tế, không để thiếu than làm gián đoạn sản xuất.

Trên thực tế, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào than nhập khẩu, với mức chi ngoại tệ nhập khẩu than 10 tháng đầu năm 2018 vượt 2 tỷ USD. 10 tháng qua, giá than nhập khẩu cũng tăng cao đến 28,5%, lên mức 153,1 USD/tấn.

Trong khi đó, bao bì xi măng cũng tăng giá. Hiệp hội Bao bì xi măng Việt Nam cho biết, trong 3 tháng gần đây, giá các loại giấy - nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì - tăng rất mạnh. Cụ thể, giấy kiện tăng đến 40 - 50%, giấy ngoại nhập cũng tăng 20 - 40%.

Bởi vậy, giải pháp của Vicem trong năm 2019 là tập trung tối ưu hóa các dây chuyền công nghệ, cải thiện những nút thắt trong công nghệ để nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí.

Còn với Công ty CP Xi măng Cẩm Phả, để có thêm cơ hội tăng trưởng, Công ty vừa cho ra mắt sản phẩm mới có tên “Xi măng Cẩm Phả đa dụng PCB30” sau hơn 1 năm nghiên cứu sản xuất, để đáp ứng tốt hơn nữa những đòi hỏi về chất lượng ngày càng cao của thị trường xây dựng. Thông qua sản phẩm mới đánh trúng vào phân khúc xi măng cho xây dựng nhà ở dân dụng, Xi măng Cẩm Phả kỳ vọng sẽ tăng mạnh doanh thu bán hàng trong năm 2019.

Thị trường nội địa vẫn là chủ đạo

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, dự kiến nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2019 khoảng 98 - 99 triệu tấn, tăng 6 - 8% so với năm 2018, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 29 - 30 triệu tấn.

Được biết, Bộ Xây dựng đang tiếp tục chỉ đạo toàn ngành xi măng phấn đấu giảm chi phí sản xuất, lưu thông nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục