Sản xuất và tiêu thụ khó khăn
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), tiêu thụ xi măng nội địa hiện chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2019 và bằng 48% so với cuối năm 2019. Xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 70% so với cùng kỳ 2019 và bằng 56% so với cuối năm 2019. Tổng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ bằng 51% so với cuối năm 2019.
Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA cho biết, doanh nghiệp ngành xi măng đang chịu tác động rất lớn từ dịch bệnh Covid-19, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Không chỉ với doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu, ông Baptiste Legeret, Giám đốc Thương mại của Xi măng INSEE chia sẻ, những doanh nghiệp sản xuất nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang gặp những khó khăn
nhất định.
Nguyên do bởi dịch Covid-19 đã có ảnh hưởng tiêu cực tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề như du lịch, thực phẩm và đồ uống, kinh doanh bán lẻ... Do đó, hầu hết các doanh nghiệp có xu hướng tạm hoãn việc mở rộng kinh doanh và xây dựng các cơ sở mới. Hơn nữa, Covid-19 cũng tác động mạnh mẽ đến thu nhập của người dân, nên nhu cầu xây dựng nhà ở cũng vì thế mà giảm xuống.
“Trước khi dịch bệnh bùng phát, đây là những nhà tiêu thụ lớn của ngành xi măng và là đối tượng khác hàng mà các doanh nghiệp sản xuất xi măng hướng đến”, ông Baptiste Legeret nói.
Về xuất khẩu, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính, nhưng hiện đang tạm thời chậm lại. Trong khi đó, trong trung hạn, xuất khẩu sang châu Âu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, các kế hoạch đầu tư trung hạn của doanh nghiệp ngành xi măng trong nước có thể giảm hoặc tạm dừng để đợi tín hiệu từ thị trường trước.
Theo ông Baptiste Legeret, ngoài tác động của dịch Covid-19, vướng mắc trong cấp phép xây dựng của các dự án bất động sản chưa được giải quyết, các dự án cơ sở hạ tầng lớn vẫn chưa khởi động, thắt chặt tín dụng cho bất động sản, tình trạng hạn mặn nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long… cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc tiêu thụ xi măng.
Cần chủ động gỡ khó
Trước những khó khăn trên, VNCA đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng để tổng hợp, trình Thủ tướng. Theo đó, VNCA khiến nghị cho phép hoãn, giãn, lùi thời gian nộp các loại thuế, phí như VAT, thuế xuất khẩu clinker, phí cấp quyền khoáng sản hàng năm.
Cho doanh nghiệp ngành xi măng hoãn, giãn, lùi thời gian trả nợ vốn vay ngân hàng để đầu tư, lãi vay ngân hàng; thời gian trả tiền điện sản xuất, thời gian trả chậm không bị nộp phạt. Thời gian hoãn, giãn này phụ thuộc vào thời gian kéo dài của dịch bệnh và sự ảnh hưởng của dịch đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp.
“Đây sẽ là cơ sở quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bởi ngoài dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành còn phải tiếp tục đối mặt với một số khó khăn sẵn có như giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt”, ông Cung nói.
Dưới góc độ là doanh nghiệp, ông Baptiste Legeret cho biết, nhiều thương hiệu đã cố gắng bù đắp tổn thất từ thị trường xuất khẩu bằng cách tập trung cho thị trường trong nước, làm tăng sự cạnh tranh ở thị trường nội địa.
Chia sẻ về kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới, đại diện INSEE cho biết, trong trung hạn, Công ty sẽ tập trung vào tối ưu vận hành để nâng cao hiệu quả của ở tất cả các khâu và tập trung vào đổi mới để cung cấp các sản phẩm tối ưu cho các ứng dụng phù hợp.
“Chúng tôi mong muốn cung cấp một danh mục sản phẩm đa dạng, nên sẽ tiếp tục phát triển danh mục sản phẩm của mình để đáp ứng các yêu cầu ngày càng tăng tại các phân khúc khác nhau. Chẳng hạn, chúng tôi sẽ tập trung vào xi măng bền sun phát INSEE Extra Durable như là một giải pháp bảo vệ công trình cho tình trạng hạn mặn ở miền Tây hiện nay”, đại diện INSEE nói.
Tương tự, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV cũng đưa ra kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 là sẽ điều hành sản xuất và tiêu thụ xi măng một cách linh hoạt, thích ứng với mức độ cạnh tranh trên thị trường trong từng thời điểm, đảm bảo sản xuất phù hợp với tiến độ tiêu thụ và không để tồn kho sản phẩm lớn, đảm bảo môi trường trong sản xuất xi măng.
Tiếp tục nghiên cứu sử dụng các vật liệu mới, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo một số công đoạn sản xuất xi măng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com