Doanh nghiệp ngành xi măng cầu cứu

(ĐTCK) Vốn đã mệt mỏi với bài toán dư cung, tiêu thụ nội địa giảm, thì nay, các doanh nghiệp sản xuất xi măng lại đau đầu khi xuất khẩu giảm vì dịch bệnh.
Tiêu thụ xi măng trong những tháng đầu năm 2020 sụt giảm mạnh cả thị trường nội địa và xuất khẩu Tiêu thụ xi măng trong những tháng đầu năm 2020 sụt giảm mạnh cả thị trường nội địa và xuất khẩu

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng trong năm 2020 ước đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, tăng 4 - 5 % so với năm 2019. Trong đó, tiêu thụ xi măng nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn.

Tuy nhiên, trong năm vừa qua, hoạt động kinh doanh của nhiều “ông lớn” trong ngành xi măng đã không đạt được như kỳ vọng. Đơn cử như Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn, theo Báo cáo tài chính quý IV/2019, lợi nhuận sau thuế của Công ty chỉ đạt 26,8 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân được cho là do giá vốn tăng, cùng các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp, bán hàng… tăng hơn nhiều so với mức tăng của doanh thu.

Tương tự, doanh thu thuần quý IV/2019 của Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai chỉ đạt 458 tỷ đồng, giảm 11%; lợi nhuận sau thuế đạt 8,1 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung cả năm 2019, doanh thu của Vicem Hoàng Mai đạt 1.668 tỷ đồng, giảm 4%, hoàn thành 88,9% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 20,2 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 66,4% kế hoạch năm.

Ban lãnh đạo Vicem Hoàng Mai cho biết, lợi nhuận quý cuối năm 2019 của Công ty sụt giảm xuất phát từ việc Bộ Công nghiệp và Thương mại Philippines tăng áp thuế phòng vệ tạm thời từ 240 peso/tấn vào đầu năm 2019 lên 250 peso/tấn trong tháng 9/2019, khiến hoạt động xuất khẩu của Công ty gặp nhiều khó khăn. Sản lượng xi măng quý IV/2019 tiêu thụ giảm 178.947 tấn, phần lớn do giảm xi măng xuất khẩu.

Tại buổi hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2019 và hội nghị người lao động năm 2020, Tổng công ty Công nghiệp Mỏ Việt Bắc TKV đưa ra kế hoạch kinh doanh trong năm 2020 là sẽ điều hành sản xuất và tiêu thụ xi măng một cách linh hoạt, thích ứng với mức độ cạnh tranh trên thị trường trong từng thời điểm, đảm bảo sản xuất phù hợp với tiến độ tiêu thụ và không để tồn kho sản phẩm lớn, đảm bảo môi trường trong sản xuất xi măng.

Tiếp tục nghiên cứu sử dụng các vật liệu mới, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để cải tạo một số công đoạn sản xuất xi măng nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tiết kiệm chi phí.

Đồng thời, Tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện cơ chế linh hoạt, chủ động quyết định giá bán xi măng và clinker phù hợp với từng khu vực thị trường trên cơ sở đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh mà Tổng công ty đã thông qua với từng đơn vị.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, nhu cầu thị trường với ngành xi măng trong năm 2020 là rất lớn, nhưng hiện đang gặp phải một số rào cản.

Cụ thể, nhiều dự án đầu tư bị ách tắc do khó khăn trong hoạt động giải ngân, dự án giao thông lớn đang “giậm chân tại chỗ”. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc, trong khi cạnh tranh trên thị trường xi măng ngày càng gay gắt.

Về xuất khẩu, ông Cung dự tính, xuất khẩu xi măng năm nay ở mức 34 triệu tấn. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp trong ngành xi măng hiện nay đang gặp khó do tác động của dịch bệnh Covid-19. Bởi Trung Quốc là nhà nhập khẩu clinker lớn nhất của Việt Nam.

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tiêu thụ xi măng nội địa 2 tháng đầu năm chỉ bằng 60% so với cùng kỳ 2019 và bằng 48% so với cuối năm 2019; xuất khẩu xi măng, clinker giảm mạnh, chỉ còn trên dưới 70% so với cùng kỳ 2019 và bằng 56% so với cuối năm 2019; tổng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu chỉ bằng 51% so với cuối năm 2019.

Trước thực trạng trên, VNCA đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Xây dựng về việc đề nghị Thủ tướng giao các bộ, ngành giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho ngành xi măng Việt Nam. Cụ thể, đề nghị các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại giúp đỡ các doanh nghiệp trong ngành xi măng bằng các chính sách như miễn, giảm thuế, giảm lãi suất vay ngân hàng…

“Đây sẽ là cơ sở quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bởi ngoài dịch Covid-19, các doanh nghiệp trong ngành còn phải tiếp tục đối mặt với một số khó khăn sẵn có như giá nguyên, nhiên liệu đầu vào cho sản xuất tăng, cạnh tranh giữa các thương hiệu trên thị trường ngày càng gay gắt”, đại diện VNCA nhấn mạnh.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Việt Dũng
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục