Xi măng mở rộng xuất khẩu

Tiếp tục có thêm dây chuyền mới đi vào hoạt động, thêm nguồn cung trong năm 2020, để duy trì đà tăng trưởng, ngành xi măng Việt Nam cần tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Quy mô công suất ngành xi măng Việt Nam hiện đã vượt 100 triệu tấn/năm. Ảnh: Đức Thanh Quy mô công suất ngành xi măng Việt Nam hiện đã vượt 100 triệu tấn/năm. Ảnh: Đức Thanh

Kỷ lục xuất khẩu 34 triệu tấn

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tổng sản lượng xi măng, clinker của Việt Nam tiêu thụ trong năm 2019 đạt hơn 99 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2018. Trong đó, thụ nội địa gần 66 triệu tấn; xuất khẩu xấp xỉ 34 triệu tấn, trị giá 1,394 tỷ USD, tăng hơn 148 triệu USD so với năm 2018.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp, ngành xi măng ghi nhận mức xuất khẩu kỷ lục, xi măng tiếp tục góp mặt trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu tỷ USD.

Trước đó, năm 2018, với gần 32 triệu tấn sản phẩm xuất khẩu (tăng tới 11 triệu tấn so với năm 2017), trị giá 1,246 tỷ USD, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu xi măng, clinker.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, hoạt động của doanh nghiệp xi măng tốt hơn nhờ thị trường xuất khẩu tích cực, giá xuất khẩu cải thiện so với những năm trước, bao gồm cả clinker lẫn xi măng.

Năm 2019, giá xuất khẩu xi măng bình quân tăng 7,7% so với năm 2018, đạt 41,5 USD/tấn. Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại xi măng của Việt Nam, với sản lượng khoảng gần 16 triệu tấn. Đông Nam Á là thị trường tiêu thụ xi măng lớn thứ 2 của Việt Nam với 7,6 triệu tấn, trị giá 400 triệu USD.

Dấu ấn của ngành xi măng trong năm qua là Tập đoàn Xi măng The Vissai đã xuất khẩu thành công xi măng sang Mỹ vào tháng 8/2019, sau 2 năm đàm phán với nhà nhập khẩu, vượt qua được các chỉ tiêu đánh giá về quy mô công suất, năng lực tài chính, đảm bảo yếu tố môi trường.

Cần phải nói thêm rằng, con số gần 1,4 tỷ USD từ xuất khẩu xi măng là một nỗ lực lớn, khi trong năm 2019, xi măng Việt Nam bị Bộ Thương mại và Công nghiệp Philippines quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức nhằm bảo vệ ngành sản xuất xi măng trong nước.

Do ảnh hưởng từ áp thuế tự vệ, năm 2019, xuất khẩu xi măng sang Philippines đã sụt giảm trên 10% về lượng. Dẫu vậy, giá xuất khẩu sang thị trường này tăng vẫn gần 12% so với năm 2018, góp phần vào kết quả chung của ngành.

Trước đó, nhiều chuyên gia trong ngành lo xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi bị dính kiện tụng và áp thuế tại Philippines - một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của xi măng Việt Nam.

Duy trì kênh xuất khẩu

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, năm 2020, nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tiếp tục tăng 4 - 5% so với năm 2019, đạt khoảng 101 - 103 triệu tấn, trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 69 - 70 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 32 - 34 triệu tấn.

“Ngành xi măng đang dư nguồn cung khoảng 30 triệu tấn mỗi năm. Do đó, sản lượng xi măng dư sẽ được đẩy mạnh tiêu thụ qua con đường xuất khẩu”.

Ông Bùi Hồng Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem)   

Với năng lực sản xuất hiện tại, ngành xi măng đủ năng lực đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu. Trong năm 2020, sẽ có thêm 2 dây chuyền sản xuất xi măng đi vào vận hành, trong đó có Dự án Xi măng Tân Thắng tại Nghệ An, quy mô 2 triệu tấn, dự kiến vận hành từ giữa năm 2020.

Trước đó, theo dự báo của FiinGroup, công suất của ngành xi măng Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ sự mở rộng của khối doanh nghiệp tư nhân như Xi măng Thành Thắng, Tập đoàn The Vissai, Long Sơn, ThaiGroup (tiền thân là Xi măng Xuân Thành).

“Cần lưu ý rằng, hầu hết các nhà máy mới được đặt tại miền Trung, nơi nhu cầu tương đối thấp so với miền Bắc và miền Nam. Dường như, những doanh nghiệp này đang nhắm đến thị trường xuất khẩu”, FiinGroup bình luận.

Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đang củng cố vị thế bằng chiến dịch bán hàng và tung ra sản phẩm mới. Chẳng hạn, vào tháng 5/2019, SCG đã ra mắt thương hiệu SCG Super Xi măng cho khách hàng ở miền Trung Việt Nam.

FiinGroup dự báo, nhu cầu xi măng sẽ tăng trưởng ở mức 5%/năm cho đến năm 2030. Việt Nam có thể sẽ vẫn thừa cung đến khi đạt trạng thái cân bằng vào năm 2028.

Hiện nay, quy mô công suất ngành xi măng Việt Nam đã vượt 100 triệu tấn và hoàn toàn có thể sản xuất trên 120 triệu tấn nhờ tăng tỷ lệ phụ gia. Trong khi đó, thị trường nội địa chỉ có thể hấp thụ tầm 70 triệu tấn. Nếu kênh xuất khẩu không được duy trì tốt, các doanh nghiệp sẽ gặp khó, bởi lượng hàng tồn kho lớn, tất yếu phải cạnh tranh bán hàng và rất dễ gây rối loạn thị trường.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục