Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành thép

(ĐTCK) Tăng trưởng sản xuất và bán hàng của ngành thép vốn đã chậm trong vài năm gần đây do số lượng dự án bất động sản mới ngày một giảm, giờ càng thêm khó khăn vì dịch bệnh.
Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành thép

Áp lực đè nặng

Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, Công ty cổ phần Thép Dana - Ý (DNY) ghi nhận doanh thu chỉ đạt 2,7 tỷ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán hơn 33 tỷ đồng, trong đó 30,5 tỷ đồng cho chi phí dừng sản xuất - kinh doanh. Lợi nhuận sau thuế âm 50 tỷ đồng so với mức âm 61 tỷ đồng cùng kỳ.

Lũy kế cả năm 2019, Công ty lỗ 313 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ (270 tỷ đồng). Theo quy định, DNY đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Tính đến hết tháng 12/2019, Thép Dana - Ý đã dừng hoạt động sản xuất - kinh doanh được 15 tháng do liên quan đến sự cố môi trường ở Cụm công nghiệp Thanh Vinh (TP. Đà Nẵng).

Đối với Thép Việt Ý (VIS), sau khi doanh thu, lợi nhuận tăng đột biến khi về tay chủ mới Thái Hưng năm 2017 - 2018, công ty này sau đó đã liên tục báo lỗ khi về tay Kyoei. Theo báo cáo tài chính quý IV/2019, VIS lỗ sau thuế 77,5 tỷ đồng, ghi nhận quý lỗ thứ 7 liên tiếp.

Lũy kế năm 2019, VIS đạt doanh thu thuần 4.593 tỷ đồng, giảm 12,1% so với năm 2018, lỗ sau thuế hơn 218 tỷ đồng. Đây là năm lỗ nặng thứ 2 liên tiếp của VIS sau khoản lỗ 326 tỷ đồng năm 2018. Cổ phiếu VIS cũng đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Tương tự, với Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH), trong quý IV/2019 ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.589 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do giá vốn hàng bán tăng 18%, lên gần 1.622 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp âm 36,6 tỷ đồng, gấp hơn 18 lần cùng kỳ năm 2018. Trong quý này, TLH ghi nhận lỗ sau thuế 177 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm, TLH đạt 5.395 tỷ đồng doanh thu thuần, vượt 14% kế hoạch năm 2019, nhưng giảm 8,6% so với năm 2018 và báo lỗ gần 146 tỷ đồng.

Năm 2019 cũng là một năm đáng buồn của Thép Pomina (PMN) khi lần đầu tiên báo lỗ sau 5 năm. Cả năm 2019, doanh thu thuần của POM đạt gần 12.201 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận gộp sụt giảm mạnh so với năm ngoái, xuống còn 207 tỷ đồng. Đáng chú ý, năm 2019, Công ty có chi phí lãi vay lên tới hơn 356 tỷ đồng, vượt xa mức lợi nhuận gộp thu được, dẫn tới bào mòn lợi nhuận và khiến POM ghi nhận khoản lỗ gần 310 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Thép Tấm lá Thống Nhất (Mã CK: TNS) cũng đi xuống rõ rệt, từ lỗ sau thuế 20 triệu đồng năm 2018 thành lỗ hơn 30 tỷ đồng trong năm 2019. Việc thị trường thép CRC tiếp tục bị khống chế về giá bán do thị trường đầu ra của tôn mạ cạnh tranh mạnh về giá bởi tác động từ các quốc gia nhập khẩu gia tăng bảo hộ thương mại thông qua chính sách đánh thuế chống bán phá giá, đã ảnh hưởng đến sản lượng sản xuất và giá bán ra của doanh nghiệp này.

Không đến nỗi báo lỗ như 4 doanh nghiệp nêu trên, tuy nhiên, năm 2019 cũng là một năm đáng buồn của nhiều ông lớn ngành thép, chẳng hạn như Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG). Mặc dù doanh thu thuần cả năm đạt 63.658 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018, tuy nhiên do chi phí giá vốn, chi phí tài chính tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 7.578 tỷ đồng, giảm 12% so với lợi nhuận đạt được năm 2018.

Trong ngành, Tập đoàn Hoa Sen (Mã CK: HSG) cũng từng là một tên tuổi lớn nhưng không quá đa dạng ngành nghề như Hòa Phát, tập trung chủ yếu vào mảng tôn, thép mạ màu. Bên cạnh đó, nhắc đến Hoa Sen thời điểm này cũng không thật hợp lý khi niên độ tài chính của doanh nghiệp này bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Tuy nhiên, có thể thấy năm tài chính 2018-2019 doanh thu thuần của Hoa Sen Group chỉ đạt 28.035 tỷ đồng, giảm 18,6% so với niên độ trước đó; còn lợi nhuận sau thuế đạt 361 tỷ đồng, giảm 12%.

Nhắc đến ngành thép không thể không nhắc đến VnSteel - Tổng công ty Thép Việt Nam (TVN). Lợi nhuận sau thuế quý IV/2019 của Tổng công ty đạt gần 43 tỷ đồng, giảm mạnh so với lợi nhuận đạt được quý I (69 tỷ đồng) và quý II (301 tỷ đồng). Tuy vậy, kết quả này cũng lạc quan hơn so với số lỗ hơn 293 tỷ đồng Tổng công ty ghi nhận trong quý IV/2018. Tính chung cả năm 2019, doanh thu thuần của VnSteel đạt hơn 23.600 tỷ đồng, giảm 4,3% so với năm 2018 nhưng cũng vượt hơn 22% kế hoạch năm; lợi nhuận sau thuế đạt 487 tỷ đồng, vượt 39% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Nhọc nhằn năm 2020

Nhìn lại tình hình sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam, nhà đầu tư càng có thêm lý do để lo ngại về triển vọng không lấy làm lạc quan năm 2020. Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong năm 2019 Việt Nam sản xuất được gần 25,3 triệu tấn thép và tiêu thụ hơn 23,1 triệu tấn, tăng trưởng lần lượt 4,4% và 6,4% so với năm 2018.

Cũng theo VSA, xuất khẩu sắt thép đạt 6,68 triệu tấn, tương đương kim ngạch 4,21 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang các nước Đông Nam Á với sản lượng đạt 4,17 triệu tấn, giá trị 2,52 tỷ USD. Tổng sản lượng xuất khẩu tăng 6,6% so với năm trước nhưng giá giảm tới 13,2% dẫn tới tổng kim ngạch giảm 7,4%.

Năm 2020, ngành thép tiếp tục được dự đoán đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong báo cáo đánh giá tác động của dịch virus corona của Bộ phận phân tích CTCK SSI (SSI Research) đã ra quan điểm rằng nhu cầu thép tại Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, giá bán thép trong nước có thể chịu tác động gián tiếp bởi giá thép thế giới trong trường hợp hoạt động xây dựng ở Trung Quốc chững lại.

Trong khi đó, CTCK VNDirect đánh giá, giao thương giữa dịch bệnh sẽ gặp khó khăn, một số ngành sản xuất tại Trung Quốc có thể bị đình trệ gây gián đoạn nguồn cung. Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này có thể chịu nhiều ảnh hưởng, bao gồm ngành sản xuất thép dẹt (nhập khẩu thép cuộn cán nóng - HRC). Ngoài ra, ngành thép hiện còn đang đối mặt với độ chênh lệch giữa cung và cầu khi tiêu thụ nội địa chỉ đạt khoảng 9 - 10 triệu tấn/năm so với tổng năng lực sản xuất đạt khoảng 30 triệu tấn/năm.

Theo Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong năm 2020, xuất phát từ một số nguyên nhân như dư thừa công suất ngày càng lớn ngay trong nội địa; ảnh hưởng của thương mại quốc tế cùng chính sách bảo hộ tiếp tục gia tăng không chỉ ở thị trường Mỹ mà còn mở rộng thêm ở nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, xu hướng gia tăng đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực này tại các nước trong khu vực Đông - Nam Á dẫn tới khối lượng sản xuất thép trong khu vực tiếp tục gia tăng… Chính những yếu tố này sẽ khiến thị trường của ngành thép Việt Nam ngày càng khó khăn hơn.

Dự báo, năm 2020, giá thép xây dựng không có dấu hiệu cải thiện, thậm chí duy trì ở mức thấp do dư thừa nguồn cung quá lớn mà cầu chưa tăng. Vì vậy, để có thể bảo đảm tăng trưởng và giữ vững thị phần trong nước, các doanh nghiệp sản xuất thép cần phải cơ cấu lại sản xuất, tăng tính cạnh tranh thông qua việc tiết kiệm chi phí, cải tiến năng lực quản trị doanh nghiệp để hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm cách đa dạng thị trường xuất khẩu để tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, hạn chế thiệt hại.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Linh Trang
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục