Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, đã kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
Theo ông Hiệp, trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước mới chỉ giải ngân đạt 34%. Như vậy, gần như đây là nghịch lý là tại sao các doanh nghiệp xây dựng tăng trưởng khá mạnh nhưng giải ngân đầu tư công lại không thể giải ngân nhanh mặc dù tiền có dư. Đây là điều tưởng chừng như vô lý nhưng lại đang tồn tại trong thực tế hiện nay.
Vì vậy, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cần xem xét để có giải pháp vướng mắc về thủ tục đầu tư và thanh toán.
Ông Hiệp đánh giá rằng, dù Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc khá quyết liệt, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải có cơ chế chỉ định thầu với gói thầu trên 3.000 tỷ đồng nhưng hiện nay số doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí để thực hiện cơ chế chỉ định thầu cũng không quá 50 nhà thầu.
Ông Hiệp cho rằng, điểm nghẽn thứ nhất là các thủ tục thanh quyết toán và các bước thực hiện thủ tục đầu tư vẫn hết sức cồng kềnh nhưng chưa có cơ chế quy trách nhiệm cụ thể cho từng khu vực, từng công đoạn.
Điểm nghẽn thứ hai là đơn giá định mức còn quá lạc hậu, bất cập. Có những đơn giá mà nhà nước đưa ra chỉ bằng 1/3 so với thực tế thực hiện.
“Hiện nay đang có khá nhiều thầu mạnh e ngại, không muốn nhận các gói đầu tư công. Đây là một nghịch lý, bởi vì không có nhà thầu, công ty xây dựng nào lại chê công ăn việc làm nhưng vì cơ chế, giá, định mức rất khó thực hiện", ông Hiệp nói.
Thay mặt Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam, ông Nguyễn Quốc Hiệp đề nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xem xét 3 đề xuất:
Thứ nhất, cần điều chỉnh lại các định mức chưa hợp lý so với thiết kế, thi công hiện tại; hướng dẫn, kiểm tra công tố giá cả máy, giá nhân công của các địa phương cách phù hợp sát với mặt bằng giá thị trường và bổ sung ngay các định mức chuyên ngành giao thông vào hệ thống định mức xây dựng làm cơ sở áp dụng.
Thứ hai là triệt để tinh giản các thủ tục hành chính, đặc biệt các thủ tục thanh quyết toán, nhất là các phần việc phát sinh bằng việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có ghi địa chỉ chịu trách nhiệm trong công tác giải ngân.
Thứ ba, cần sớm có cơ chế bảo vệ quyền bình đẳng cho các nhà thầu xây dựng trong cơ chế hợp đồng, tránh tình trạng nợ đọng triền miên.
Thông tin thêm về tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ cũng tổ chức hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng tiến hành giám sát, khảo sát đối với một số dự án. Trong đó, tại dự án đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, đến nay vẫn còn một số đoạn chưa giải phóng mặt bằng, một số các công trình hạ tầng kỹ thuật chưa bàn giao cho nhà thầu, khối lượng giải ngân đạt trên 50%, chậm so với tiến độ đề ra.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có nhiều nguyên nhân trong đó có nguyên nhân công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là định mức đơn giá kỹ thuật lạc hậu, giá nguyên vật liệu tăng cao, có những nguyên vật liệt tăng tới 20-25%. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo tổng hợp về sự biến động của giá nguyên vật liệu để có giải pháp không ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.
Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh cũng nhấn mạnh rằng trong những vướng mắc cũng có trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, giám sát, trách nhiệm của các nhà thầu, chủ đầu tư trong việc điều tra, khảo sát chưa sát sao.
Ông Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế đã kiến nghị Chính phủ công bố định mức, đơn giá xây dựng định kỳ, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định rằng để giải quyết tình trạng chậm triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có văn bản kiến nghị gửi tới Chính phủ, trong đó nhấn mạnh đây là bài học để triển khai các công trình quan trọng quốc gia của giai đoạn 2021 -2026.
Trong văn bản trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị các địa phương phải công bố định mức các đơn giá hàng tháng, thay vì 3 tháng như hiện nay để đơn giá sát với thực tế, tạo điều kiện cho công tác thanh quyết toán, tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu.
Đối với những lĩnh vực chưa có đơn giá, định mức kỹ thuật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ đề nghị Bộ Xây dựng sớm xây dựng và ban hành.