Doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng "thêm việc"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù có triển vọng tăng tốc những tháng cuối năm, nhưng các doanh nghiệp xây dựng trên sàn chứng khoán vẫn còn đó những vấn đề cần tháo gỡ…
Ngành xây dựng đang thiếu hụt lao động Ngành xây dựng đang thiếu hụt lao động

Dư địa tăng trưởng rộng mở

Theo báo cáo phân tích của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset, triển vọng của ngành xây dựng giai đoạn 2022-2023 đến từ việc Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng mới, nâng tổng số dự án cao tốc - hạ tầng cấp trọng điểm quốc gia được phê duyệt theo hình thức đầu tư công trong năm 2022 tăng lên 17 dự án.

Mirae Asset cho rằng, trong ngắn hạn, biên lợi nhuận của ngành xây dựng chịu nhiều áp lực khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, nguồn cung nhà ở suy giảm và giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng, từ đó ảnh hưởng tới thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, cổ phiếu ngành xây dựng được dự báo tăng trưởng tích cực bởi nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam vẫn rất lớn.

“Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các công ty ngành xây dựng sẽ được rộng mở”, báo cáo nhấn mạnh.

Vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải bị giảm 31.396 tỷ đồng vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025. Thay vào đó, số vốn này được điều chuyển cho 7 địa phương gồm TP.HCM (10.627 tỷ đồng), Hà Nội (8.400 tỷ đồng), Bình Dương (4.266 tỷ đồng), Hưng Yên (3.740 tỷ đồng), Bắc Ninh (2.120 tỷ đồng), Long An (1.397 tỷ đồng) và Đồng Nai (856 tỷ đồng).

Công ty cổ phần Chứng khoán Smart Invest nhận định, việc điều chuyển vốn đầu tư công cho các địa phương có khả năng hoàn thành tốt các dự án hạ tầng để thúc đẩy phục hồi kinh tế từng được lãnh đạo Chính phủ nhắc nhiều lần tại các cuộc họp đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công. Vốn điều chuyển về địa phương sẽ khiến quy trình đầu tư diễn ra nhanh hơn, hiệu quả đầu tư cao hơn.

Theo công ty chứng khoán này, thời gian gần đây, giao dịch đáng chú ý tại nhóm doanh nghiệp đầu tư công tập trung vào cổ phiếu C4G của Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4. Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 6/9/2022, thị giá cổ phiếu này thiết lập đỉnh mới khi vượt đỉnh 3 tháng gần nhất với thanh khoản tăng cao, tạo hiệu ứng lan tỏa cho các cổ phiếu cùng ngành. Cổ phiếu xây dựng cũng là một trong những nhóm cổ phiếu tăng tích cực nhất trong nhịp phục hồi vừa qua.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng khốn đốn vì nợ đọng. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều doanh nghiệp xây dựng khốn đốn vì nợ đọng. Ảnh: Dũng Minh

Những tồn tại cố hữu

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư cho rằng, quý IV/2022 sẽ là thời điểm cổ phiếu nhóm ngành xây dựng bứt phá nhờ nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công tại các dự án hạ tầng trọng điểm trên cả nước và thị trường địa ốc dự báo “ấm nóng” trở lại. Tuy nhiên, “lạc quan trong thận trọng” có lẽ là từ khóa phù hợp hơn với nhóm doanh nghiệp này trong giai đoạn hiện tại và tương lai gần, bởi tình hình tuy có vẻ sáng sủa hơn năm 2021, nhưng vẫn còn đó những tồn tại cố hữu chưa được tháo gỡ.

Ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phục Hưng Holdings (mã PHC) cho biết, tính từ đầu năm đến nay, Phục Hưng Holdings đã ký mới nhiều hợp đồng thi công xây dựng, với tổng kinh phí khoảng 3.700 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà ở với các đối tác như Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn An Lạc, Tập đoàn Nam Cường…

“Chúng tôi đặt quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2022 ít nhất là ở chỉ tiêu lợi nhuận, còn về các hợp đồng ký mới thì cơ bản đã sẵn sàng triển khai. Quả thực, trong giai đoạn hiện tại, việc tìm kiếm nguồn việc không khó, nhưng mối lo lớn nhất là thiếu hụt nguồn lao động. Chúng tôi có thể đầu tư trang thiết bị, máy móc, lo được nguyên vật liệu để thi công…, nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân nên nhiều khi không dám nhận nhiều dự án vì sợ không đủ người triển khai”, ông Phúc cho hay.

Tương tự, ông Bùi Khắc Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai (mã XMC) cho biết, thiếu nhân công đang là vấn đề nổi cộm mà hầu hết doanh nghiệp xây dựng chưa thể tự giải quyết. Điều này đến từ việc thu nhập của người lao động trong ngành còn thấp so với các ngành nghề khác, nhiều lao động sau dịch đã chuyển hẳn về các địa phương, tìm việc làm trong các nhà máy để gần gia đình, mà không tham gia trở lại thị trường xây dựng, khiến cho các nhà thầu gặp khó.

“Chúng tôi có lợi thế hơn một số doanh nghiệp trong ngành khi là đơn vị chú trọng phát triển công nghệ, gắn với các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, có lực lượng lao động gắn bó nhất định. Tuy vậy, nhiều khi cũng bị cạnh tranh lao động bởi các doanh nghiệp ngành khác”, ông Sơn nói và cho biết thêm, năm 2022, Xuân Mai Corp nhận được nhiều dự án thi công, xây lắp hơn so với năm 2021 và doanh thu từ hoạt động xây lắp cơ bản vẫn tăng trưởng, nhưng có thể vẫn thấp hơn đôi chút so với kế hoạch đề ra do không ít dự án trúng thầu nhưng vẫn chưa thể thi công.

Ngoài ra, việc giải ngân cho các dự án đầu tư công vẫn còn chậm, các dự án FDI mới xin cấp phép cũng chặt chẽ hơn, khiến nguồn việc trong tương lai có thể bị ảnh hưởng, bên cạnh những tồn tại cố hữu khác của ngành, mà nổi cộm là tình trạng nợ đọng, dẫn đến ảnh hưởng tới dòng tiền, bị chôn vốn, làm giảm hiệu quả hoạt động. Tình trạng nợ đọng lớn ăn mòn lợi nhuận diễn ra ở cả doanh nghiệp trong và ngoài sàn chứng khoán.

Thông tin từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho hay, có từ nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ không thanh toán nợ, khiến cho các nhà thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn về dòng tiền triển khai dự án, đặc biệt ở thời điểm khối lượng dự án còn lại 20-25%. Nhiều dự án đã đưa vào sử dụng nhiều năm nhưng chưa thể quyết toán, trong khi các nhà thầu vẫn phải chịu lãi suất cao từ nguồn vốn vay ngân hàng, dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động.

Đại tá Nguyễn Hữu Ngọc, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, doanh nghiệp này hiện còn 1.280 hợp đồng có giá trị công nợ phải thu, tổng số nợ phải thu tính đến ngày 31/3/2022 vào khoảng 1.539 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ các dự án vốn nhà nước là 1.004 tỷ đồng, dự án tư nhân là 535 tỷ đồng. Về thời gian nợ, từ 1-3 năm là 506 tỷ đồng, từ 3-5 năm là 539 tỷ đồng, trên 5 năm là 149 tỷ đồng.

Còn ông Hoàng Ngọc Tú, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Delta cho hay, Delta còn tồn đọng một số nợ lớn tại nhiều dự án như dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chậm tiến độ 12 năm, dự án Discovery Complex 302 Cầu Giấy chậm tiến độ 4 năm (do chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy do chủ đầu tư thay đổi thiết kế), dự án Riverside Garden 349 Vũ Tông Phan cũng chậm 4 năm…

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục