Không ngạc nhiên khi cả doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tiếp tục kiến nghị Ban Soạn thảo cần bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, không đưa gánh nặng dự trữ cho doanh nghiệp, vì theo họ, đây là nhiệm vụ của Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn cho rằng, Dự thảo Nghị định mới không nên đưa thêm những quy định có tính chất can thiệp vào quyền kinh doanh của họ.
Cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang không phù hợp với Luật Giá; quy định về lập và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng chịu thiệt thòi, nên không những nhiều chuyên gia, mà doanh nghiệp, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều đề nghị bỏ Quỹ.
Thực trạng không ít doanh nghiệp xăng dầu như Xuyên Việt Oil, Hải Hà Petro… chiếm dụng, sử dụng sai mục đích hàng ngàn tỷ đồng của Quỹ trong thời gian qua càng cho thấy, đã đến lúc không nên để quỹ này tồn tại.
Đúng như PGS-TS. Ngô Trí Long từng nhận xét, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu nằm trong tay doanh nghiệp, nên một số trường hợp “tự tung tự tác”, muốn làm gì thì làm, thậm chí, kẹt tiền thì rút từ Quỹ ra dùng.
Thực tế cũng cho thấy, quỹ này có thời điểm hoạt động thiếu minh bạch, tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, phát sinh tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường… Chưa kể, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh đối với doanh nghiệp. Do đó, về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu trong nước vận hành theo cơ chế thị trường và dần tiệm cận giá xăng dầu thế giới.
Ở góc nhìn khác, khi “mổ xẻ” các quy định mới trong Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, cộng đồng hơn 150 doanh nghiệp trong ngành cho rằng, dường như Dự thảo vẫn giữ cách tiếp cận và phương pháp cũ. Do vậy, nhiều quy định không còn phù hợp, không xác định đúng tính chất hàng hóa của xăng dầu, bởi đây không phải là hàng cấm, hàng hạn chế kinh doanh, hàng Nhà nước độc quyền sản xuất, kinh doanh, mà chỉ là hàng hóa đặc thù thuộc diện “kinh doanh có điều kiện”. Đó là chưa kể, thị trường sản xuất, kinh doanh xăng dầu đã mở cửa cho doanh nghiệp mọi thành phần tham gia, trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài.
Có lẽ cũng bởi cách xác định tính chất mặt hàng lẫn thị trường không phù hợp với thực tế, nên Dự thảo Nghị định tiếp tục phân chia thị trường, phân loại doanh nghiệp (gồm thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ), kèm theo đó là các địa vị pháp lý, quyền, nghĩa vụ, lợi ích và chế độ đối xử, quản lý từ phía Nhà nước với mức độ khác nhau.
Cần phải nói thêm, thương nhân đầu mối (thuộc thiểu số trong số hàng ngàn doanh nghiệp) được xếp hạng cao nhất, có vị trí riêng với nhiều đặc quyền. Tiếp đến là thương nhân phân phối và cuối cùng là thương nhân bán lẻ. Cụ thể, Điều 32, Dự thảo cho phép thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyết định giá bán buôn, trong khi 2 thành phần này hiện thống lĩnh thị trường.
Quy định như trên rất dễ dẫn đến khả năng gia tăng sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, trong đó thương nhân bán lẻ sẽ bất lợi hơn.
Không ít doanh nghiệp còn đặt câu hỏi: “Căn cứ vào đâu, Dự thảo Nghị định lại cho phép những thành phần doanh nghiệp này toàn quyền quyết định giá bán buôn và giá bán lẻ đối với xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình?” và “quy định trên liệu có vi phạm Điều 27, Luật Cạnh tranh, bởi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường là hành vi bị cấm?”.
Những bất cập trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu thời gian qua từng khiến thị trường có một số thời điểm bị gián đoạn nguồn cung, nhiều doanh nghiệp bán lẻ “đình công”, không bán hàng vì càng bán càng lỗ.
Chính vì vậy, để bình ổn thị trường, các quy định về kinh doanh xăng dầu phải thỏa mãn được một loạt điều kiện, trong đó trước hết là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên (Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng), đồng thời phải tạo động lực cho doanh nghiệp. Sau nữa phải ổn định nguồn cung, đáp ứng thỏa đáng nhu cầu về an ninh năng lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong bối cảnh các nguồn năng lượng như điện, than, khí… chưa thể sớm cải thiện sản lượng cung ứng.