Doanh nghiệp vốn ít, đất nhiều: "Mồi ngon" của đại gia

(ĐTCK) Sau cổ phần hóa, không ít doanh nghiệp sở hữu các khu đất có vị trí đắc địa tại Thủ đô. Với vốn điều lệ không lớn, các doanh nghiệp này là mục tiêu thâu tóm của các “đại gia”, nhằm sở hữu những khu “đất vàng”.
52,4% vốn tại CTCP Du lịch Kim Liên sắp được bán với giá khởi điểm 110,16 tỷ đồng 52,4% vốn tại CTCP Du lịch Kim Liên sắp được bán với giá khởi điểm 110,16 tỷ đồng

CTCP Nước và Môi trường Việt Nam (Viwase) vừa xin ý kiến cổ đông về việc tăng vốn và đăng ký giao dịch trên UPCoM. Theo đó, Công ty sẽ phát hành thêm 900.000 cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ 21 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Giá phát hành là 10.000 đồng/CP cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:0,42. Mục đích là bổ sung vốn lưu động, góp vốn với CTCP Đầu tư phát triển An Việt thực hiện Dự án nâng công suất Nhà máy nước Từ Sơn (Bắc Ninh), sửa chữa văn phòng, mua sắm trang thiết bị…

Viwase có hoạt động chính là tư vấn, khảo sát, thiết kế, quản lý các dự án, công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường. Vốn điều lệ không lớn, nhưng Công ty có lợi thế về đất đai. Đó là khu đất có diện tích 650 m2 mặt tiền phố Đường Thành, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội và nhiều khu đất khác nằm tại vị trí đắc địa ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh…

Khi cổ phần hóa năm 2006, theo quy định cũ, Viwase không phải tính giá trị lợi thế đất vào giá trị doanh nghiệp nên vốn điều lệ của Công ty chỉ có 21 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước chiếm 51%.

Là doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối, chắc chắn cổ đông Nhà nước sẽ không thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm tại Viwase. Như vậy, đợt phát hành thêm này là cơ hội cho những nhà đầu tư có ý định nhắm tới các khu đất nói trên. Chính vì vậy, điều các cổ đông của Viwase quan tâm là ai, nhóm cổ đông nào có được quyền mua của cổ đông nhà nước?

Phương án tăng vốn mà Viwase trình ĐHCĐ có đề cập đến việc xử lý quyền mua của cổ đông nhà nước: nếu cổ đông nhà nước không thực hiện quyền mua, Viwase xin phép được mua lại để phân phối cho người người lao động theo giá thực tế. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị một số cổ đông phản đối bởi theo quy định, nếu cổ đông nhà nước không thực hiện quyền mua thì phải tiến hành định giá và bán đấu giá công khai.

Đáng chú ý, phương án xử lý quyền mua của cổ đông nhà nước nêu trên khiến cổ đông không khỏi nghi vấn về chiêu thức lách luật để giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước ở Viwase, phục vụ cho mưu đồ thâu tóm Công ty, nhất là khi Viwase cấm cổ đông không được ghi âm và cung cấp tài liệu, thông tin về Đại hội cho người ngoài.

Cuối cùng, Viwase đã phải rút lại phương án phân phối quyền mua trái luật.

Viwase không phải công ty đầu tiên “nhập nhằng” trong việc phân phối quyền mua của cổ đông nhà nước. Từng có doanh nghiệp sau cổ phần hóa có vài nghìn m2 đất tại nội đô Hà Nội, nhưng vốn điều lệ chỉ hơn 10 tỷ đồng. Doanh nghiệp này đã đưa ra phương án phát hành thêm và quyền mua của cổ đông nhà nước được đề nghị phân phối cho Ban lãnh đạo để họ thêm gắn bó với công ty. Đề nghị này đã dẫn đến tranh cãi gay gắt giữa Ban lãnh đạo công ty và cổ đông.

Ở một số doanh nghiệp, việc thoái vốn của cổ đông nhà nước là cơ hội để nhà đầu tư nắm giữ cổ phần chi phối đối với các công ty có “đất vàng”.

Chẳng hạn, trường hợp CTCP Tư vấn đầu tư phát triển và xây dựng THIKECO, một nhà đầu tư đã trúng đấu giá trọn lô 611.000 cổ phần với mức giá 131.000 đồng/CP, gấp 8,9 lần giá khởi điểm. Nhà nước đã thu về hơn 80 tỷ đồng sau vụ thoái vốn tại THIKECO.

Mức giá 131.000 đồng/CP tuy cao, nhưng giới đầu tư cho rằng, cơ hội từ vụ đầu tư này rất lớn, bởi giá trị doanh nghiệp THIKECO chưa được phản ánh đầy đủ khi cổ phần hóa.

Công ty hiện đang quản lý, khai thác 2 mảnh “đất vàng” nội đô Hà Nội tại 411 phố Kim Mã (quận Ba Đình) và tại đường Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân). Hai mảnh đất (trong đó mảnh đất tại Lương Thế Vinh có diện tích 7.000 m2) là đất thuê, trả tiền hàng năm.

Tới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ thoái vốn theo lô đối với 3,6 triệu cổ phần tại CTCP Du lịch Kim Liên. Số cổ phần này tương đương với 52,4% vốn điều lệ của Công ty. Giá khởi điểm là 30.600 đồng/CP. Tổng giá trị của đợt thoái vốn này tính theo giá khởi điểm là hơn 110 tỷ đồng.

Công ty Du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày. Năm 2014, doanh thu của Công ty đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng.

Hiện Công ty đang quản lý trực tiếp Khách sạn Kim Liên. Đây là khách sạn có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, toạ lạc trên khu đất 3,5 héc-ta ở phố Đào Duy Anh (quận Đống Đa). Vụ thoái vốn này của SCIC sẽ là cơ hội tiếp theo cho các nhà đầu tư đang săn “đất vàng”.     

Bùi Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục