Thanh tra nhiều tập đoàn, tổng công ty, bộ ngành
Tại cuộc họp báo ngày 23/1, Thanh tra Chính phủ công bố, năm 2015 sẽ thanh tra tại một số đơn vị như Tập đoàn Dệt may, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng cục Hải quan; Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long; một số doanh nghiệp trực thuộc Bộ Quốc phòng; thanh tra các bộ như Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Những nội dung thanh tra bao gồm việc thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong công tác giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo; chấp hành chính sách pháp luật trong công tác tín dụng mua sắm tài sản, trang thiết bị, quản lý đất đai, đầu tư công và trách nhiệm trong việc thực hiện pháp luật về phòng chống tham nhũng tại một số tỉnh, thành.
Trước những bức xúc của dư luận liên quan đến dự án đường sắt trên cao, cũng như phản ánh của báo giới về việc có nhiều đơn tố cáo xung quanh năng lực yếu kém của những nhà thầu tham gia dự án này, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đỗ Hữu Lượng cho biết, cơ quan chủ quản là Bộ Giao thông Vận tải đã vào cuộc quyết liệt. Thanh tra Chính phủ đang theo dõi sát sao dự án này, nếu thấy cần, sẽ thực hiện thanh tra.
Năm 2014, thanh tra về phòng chống tham nhũng tại Hà Nội phát hiện số tiền vi phạm tới trên 1.500 tỷ đồng, chủ yếu liên quan đến đất đai, do tổ chức, cá nhân nợ tiền sử dụng đất, nợ tiền thuê đất. Thanh tra trên diện rộng các dự án bằng nguồn vốn nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện 12 dự án không nằm trong quy hoạch, phê duyệt của Thủ tướng, 9 dự án không nằm trong quy hoạch nhưng vẫn triển khai thi công với tổng mức đầu tư 14.638 tỷ đồng, gây nợ đọng xây dựng cơ bản 673 tỷ đồng.
Nóng những kết luận thanh tra còn bỏ ngỏ
Báo giới đã đặt ra nhiều câu hỏi về việc công bố các kết luận thanh tra tại nhiều doanh nghiệp, địa phương, sau khi thời gian thanh tra đã hoàn tất từ rất lâu. Chẳng hạn, kết luận thanh tra tại Ngân hàng Công thương (Vietinbank) và kết luận tranh tra trách nhiệm của NHNN trong quản lý thị trường vàng, kết luận thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, một số nội dung thanh tra liên quan đến Tổng công ty Đường sắt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước…
Theo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, kết luận thanh tra tại Vietinbank và kết luận tranh tra trách nhiệm của NHNN trong quản lý thị trường vàng đang trong quá trình xây dựng kết luận thanh tra chính thức. Sau khi được trình lên Thủ tướng Chính phủ và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan này sẽ công bố rộng rãi.
Riêng cuộc thanh tra tại tỉnh Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có những nội dung liên quan đến việc giao đất tại Khu kinh tế Vũng Áng. Sau khi có kết luận thanh tra chính thức, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có công văn xin tạm lui thời gian công bố để xin ý kiến các bộ, ngành về một số nội dung liên quan đến việc giao đất. Sau khi có ý kiến các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thanh tra Chính phủ đang chờ ý kiến của Thủ tướng để công bố bản kết luận này.
Khắc phục hậu quả không chờ đến kết luận
Liên quan đến cuộc thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) với sai phạm lên tới trên 8.000 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ cho biết, VRG đã có văn bản gửi cơ quan này báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra. Hiện Thanh tra đang trong quá trình giám sát việc thực hiện kết luận.
Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết, trong các cuộc thanh tra, không chờ đến khi ra kết luận, các bên liên quan mới phải khắc phục hậu quả. Ngay trong quá trình thanh tra, nếu phát hiện có những nội dung sai phạm, Thanh tra Chính phủ đều yêu cầu đương sự khắc phục ngay, chẳng hạn với các tập đoàn, tổng công ty là việc chấn chỉnh quản trị, điều hành; với các cơ quan quản lý nhà nước là các quy trình, quy chế… phải cập nhật luôn.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2015, để chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, bộ, ngành và các tổng công ty, tập đoàn lớn, Thủ tướng đã đồng ý cho Thanh tra Chính phủ thực hiện những cuộc thanh tra toàn diện, đặc biệt tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham những như quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý ngân sách…