Lĩnh vực bán lẻ đi đầu
Tháng trước, những khách hàng đi siêu thị Vinmart tại Vincom Center B TP.HCM đã có trải nghiệm mua sắm hoàn toàn mới. Thay vì chọn sản phẩm và đứng đợi ở quầy tính tiền, khách hàng tự tính tiền bằng cách scan mã sản phẩm trên ứng dụng VinID và thanh toán hóa đơn 1 lần ở quầy hoặc thanh toán trên VinID và đi về.
Đơn hàng sẽ được tự động chuyển đến tận nhà. Các dịch vụ này được thí điểm trước khi Vingroup chính thức công bố triển khai siêu thị ảo VinMart (Virtual Store), đồng thời mở rộng phạm vi của ứng dụng mua sắm Scan & Go tới 73 siêu thị trên cả nước cho tới cuối tháng 5.
Siêu thị "ảo" sẽ được đặt tại các khu vực có mật độ dân cư cao, đông người qua lại như khu tập thể, toà nhà văn phòng, trường học, điểm chờ xe buýt… Khách mua hàng chỉ cần mở ứng dụng VinID, chọn tính năng Scan & Go sau đó quét mã QR các sản phẩm muốn mua tại "VinMart 4.0" và thanh toán ngay bằng ứng dụng VinID. VinMart sẽ giao hàng tận tay người mua.
Phương thức mua hàng mới của Vingroup giúp giải quyết vấn đề phiền toái nhất của khách hàng hiện nay là thời gian đi mua sắm các sản phẩm thiết yếu, thời gian chờ thanh toán, nhất là vào giờ cao điểm có thể lên đến 30 phút, khó khăn khi vận chuyển hàng về nhà...
Một lượng khách hàng đang mua sắm tại hệ thống Coop Mart, Satra hay Big C sẽ chuyển sang Vinmart để tận hưởng những tiện ích này, dành thêm quỹ thời gian cuối tuần cho các công việc khác. Trong tương lai, việc tranh thủ mua sắm trong thời gian chờ xe buýt, metro sẽ chở nên phổ biến hơn với ứng dụng siêu thị ảo Vinmart.
Sau khi công bố triển khai các ứng dụng mới, chuỗi bán lẻ Vinmart đã trở nên lợi hại hơn khi so sánh với các chuỗi siêu thị khác đang rất được ưa chuộng tại TP.HCM như Coop Mart, Satra, Big C hay Lotte Mart và Bách hóa xanh.
Phải thừa nhận rằng, tại TP.HCM, dù có độ phủ sóng tương đối rộng nhưng hệ thống Vinmart chưa phải điểm đến cuối tuần của người dân như các siêu thị của đối thủ lớn và dường như, chuỗi cửa hàng tiện ích này vẫn đang trong quá trình phát triển mạng lưới.
Với việc ứng dụng công nghệ mới trên nền tảng hệ thống phân phối sẵn có đem đến cho khách hàng lựa chọn mới khác biệt hơn, Vinmart rất có khả năng phân chia lại thị phần bán lẻ một cách nhanh chóng.
Trong khi đó, một tên tuổi đáng gờm tại lĩnh vực bán lẻ khác là Bách hóa Xanh của Công ty cổ phần Thế giới di động cũng đang không ngừng mở rộng hệ thống. Là công ty bán lẻ phát triển nhờ lợi thế ứng dụng công nghệ vào quản lý và quản trị, Thế giới di động tích cực ứng dụng công nghệ vào quản trị, việc nhập hàng cho mỗi siêu thị được tự động hóa.
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Thế giới di động từng chia sẻ, trước kia nhân viên phụ trách cửa hàng được quyết định điều chỉnh 15% đơn hàng nhập về mỗi ngày, nhưng sau này tất cả được tự động dựa trên tính toán dữ liệu của máy.
Chuỗi bán lẻ này tạo ra sự khác biệt bằng cách đi ngược lại xu thế. “Chúng tôi nhận thấy rau sạch bán trên thị trường chỉ là được đóng gói đẹp hơn. Chúng tôi sẽ cố gắng đưa thẳng rau từ nơi thu hoạch lên kệ siêu thị, đảm bảo độ tươi ngon nhất mà không phải thêm chi phí bao gói cầu kỳ”, ông Trần Kinh Doanh, tân Tổng giám đốc Thế giới di động chia sẻ. Đối với hàng nhập khẩu, Thế giới di động sẽ nhập bánh kẹo, trái cây tươi để phân phối trực tiếp qua hệ thống của mình với giá cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, chuỗi siêu thị Coop Mart nổi tiếng ở TP.HCM với lợi thế đi trước, có vẻ như đang tụt lại trong cuộc đua phát triển hệ thống bán lẻ, kể từ sau khi mua hụt chuỗi đại siêu thị Metro.
5 năm trước, các khách hàng thân thiết của Coop Mart nhận được một giấy khảo sát về nhu cầu góp vốn đầu tư vào hệ thống này với khoản góp từ 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, kế hoạch huy động vốn này vẫn chưa thành hiện thực. Thực tế, Coop Mart gần đây thiếu bước đi mạnh mẽ, gây được sự chú ý của các thành viên thị trường, nhất là khi người tiêu dùng dễ dàng quan sát được những biến động trong cuộc chiến bán lẻ gay gắt hiện nay.
Động lực từ sáng tạo
Ở các ngành lĩnh vực sản xuất - kinh doanh khác, những đổi mới, sáng tạo trong mỗi hoạt động khó nhận diện hơn. Tuy nhiên, dễ nhận thấy, phía sau các doanh nghiệp có sự bứt phá đều có động lực chủ đạo là yếu tố không ngừng đổi mới, cải tiến.
Đối với Coteccons, sự thay đổi lớn nhất mang lại thành công cho nhà thầu này là thay đổi cách nhìn nhận của chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng. Nhà thầu không phải là bên đi xin việc làm, không dựa dẫm chủ đầu tư. Là nhà thầu nhưng Coteccons hướng đến không phải tham gia đấu thầu mà hợp tác với chủ đầu tư để cùng có lợi.
“Nếu chủ đầu tư tự phát triển dự án lời 100 đồng, giao cho Coteccons làm thiết kế và thi công có thể lời 120 đồng. Phần lợi nhuận tăng thêm đó nhà thầu và chủ đầu tư cùng chia nhau”, ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc CTD chia sẻ về lợi ích có thể đem lại cho khách hàng.
Thực tế, D&B (thiết kế và thi công) chiếm đến hơn 30% doanh thu của CTD. Để phát triển mạnh mảng này, Coteccons đã ứng dụng thành công Mô hình thông tin xây dựng (BIM), một quy trình liên quan tới việc tạo lập và quản lý những đặc trưng kỹ thuật số (được gọi là mô hình thông tin kỹ thuật số) trong các khâu thiết kế, thi công và vận hành các công trình.
BIM cho phép tính toán, so khớp các bản thiết kế trên mô hình để xử lý sai lỗi giúp triển khai thi công với độ chính xác cao.
Ở bước phát triển chiến lược tiếp theo, Coteccons liên doanh với chủ đầu tư để cùng phát triển dự án. Dự án liên doanh đầu tiên được CTD thực hiện tại Hạ Long. Theo đó, mảng đầu tư bất động sản giúp Công ty có thể tăng trưởng lợi nhuận tích cực, không chỉ phụ thuộc vào hoạt động xây lắp.
Trong khi đó, nhà thầu Hòa Bình - đối thủ của Coteccons lại âm thầm viết riêng cho mình phần mềm tích hợp các hệ thống quản lý giúp quản lý dự án mọi lúc mọi nơi ở tất cả các khâu. Một công việc phát sinh cần xử lý ở công trường được báo cáo bằng hình ảnh chụp qua điện thoại di động, sau đó cập nhật trên hệ thống.
Các chỉ dẫn được gửi đến người có trách nhiệm xử lý, người kiểm tra báo cáo trên hệ thống. Toàn bộ tiến độ thi công, thanh toán, công nợ, an toàn lao động, chấm KPI đều được thực hiện trên hệ thống phần mềm này.
Theo bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và tương tác với nhau, làm đảo lộn các ngành công nghiệp, sắp xếp lại các mối quan hệ, chuyển đổi các ngành kinh tế.
“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo cho chúng ta cơ hội khai thác được khả năng khác biệt hóa, xây dựng sức mạnh cạnh tranh. Đây là phương châm mà nhiều doanh nghiệp Việt đang theo đuổi.
Cuộc cách mạng này sẽ giúp chúng ta ứng dụng được những công nghệ mới nhằm tiết kiệm tài nguyên, thân thiện với môi trường, tạo ra quy trình mới với những sản phẩm độc đáo hơn. Việc này các doanh nghiệp ở Việt Nam đang bắt đầu ứng dụng nhiều”, bà Lan nói.
Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) từng chia sẻ, để đầu tư một cây xăng mới, PVOIL phải thực hiện nhiều thủ tục, mất thời gian từ 1 đến 2 năm. Nhưng chỉ hơn 1 năm triển khai ứng dụng PVOIL Easy - giải pháp bán lẻ và quản lý mua bán xăng dầu không dùng tiền mặt - PVOIL đã đạt sản lượng bán hàng mỗi tháng tương đương 30 cửa hàng xăng dầu.
“Đó là sự lợi hại của công nghệ”, ông Dương nói và kỳ vọng ứng dụng này sẽ tiếp tục giúp tăng trưởng sản lượng bán hàng cho Công ty.
Dư địa cho đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp đang mở rộng không giới hạn với nền tảng công nghệ số. Hoạt động đổi mới ở nhiều cấp độ, phạm vi khác nhau đang lan tỏa trong các doanh nghiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi và đòi hỏi cạnh tranh trên thị trường.
Câu hỏi đổi mới hay là chết không phải là khẩu hiệu mà là tính chất hoạt động cạnh tranh trên thương trường hiện nay. Vì thế tinh thần không gì là không thể đang cần cho doanh nghiệp Việt hơn bao giờ hết.