Công bố xếp hạng Top 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng 2019

(ĐTCK) Ngày 7/3, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp cùng Báo VietNamNet chính thức công bố Bảng xếp hạng BP500 – Top 500 Doanh nghiệp Việt Nam Thịnh vượng năm 2019. 
Công bố xếp hạng Top 500 doanh nghiệp Việt Nam thịnh vượng 2019

Bảng xếp hạng BP500 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có hiệu quả kinh doanh tích cực và có tiềm năng, triển vọng gia nhập đội ngũ các doanh nghiệp lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam.

Bảng xếp hạng BP500 là kết quả nghiên cứu độc lập, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế và được kiểm chứng với dữ liệu của doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính khách quan và chính xác.

Danh sách và thứ hạng của các doanh nghiệp trong Bảng xếp hạng BP500 được đánh giá dựa trên những tiêu chí chính: doanh thu, hiệu quả kinh doanh, có khả năng tạo việc làm cho xã hội.

Cũng trong khuôn khổ công bố Bảng xếp hạng BP500 năm 2019, Vietnam Report đã tiến hành khảo sát các doanh nghiệp thịnh vượng nhằm tìm hiểu định hướng hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua và những chiến lược cho những năm tới.

Kết quả khảo sát cho thấy, sự thịnh vượng của một doanh nghiệp có thể được thể hiện qua các nhóm chỉ số tài chính (tổng tài sản, doanh thu, lợi nhuận, tỉ suất sinh lời...), chỉ số nhân lực (số lượng lao động, thu nhập bình quân lao động...), ý thức về trách nhiệm xã hội và cộng đồng (CSR).

Thực tế, theo nhận định của 71,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát, tăng trưởng doanh thu/lợi nhuận tiếp tục là mục tiêu chính yếu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những vấn đề về nguồn nhân lực cũng đang dần nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây.

Cụ thể, có hơn 57% doanh nghiệp BP500 đánh giá tuyển dụng và giữ chân nhân sự là một trong những thách thức bên trong lớn nhất của doanh nghiệp trong giai đoạn 2014-2018.

Những thách thức về quản lý dòng tiền, quản trị doanh nghiệp... cũng gây ra khó khăn nhất định cho doanh nghiệp; bên cạnh các rào cản đến từ bên ngoài như chi phí đầu vào tăng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh, các thủ tục hành chính...

Với những nhận định về các thách thức trên, top 3 chiến lược tăng trưởng chủ đạo của các doanh nghiệp trong 5 năm qua là: cải thiện chất lượng đội ngũ quản lí (60,7%), tăng năng suất (57,1%), và phát triển các dòng sản phẩm/dịch vụ mới (50%).

Ngoài ra, trong bối cảnh diễn ra cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và mở rộng hội nhập với thị trường quốc tế, thúc đẩy hiện đại hóa công nghệ, gia nhập thị trường mới, hợp tác với nhà đầu tư chiến lược hay thực hiện hoạt động M&A... cũng là những quyết sách mà doanh nghiệp lựa chọn thực thi để tăng trưởng và phát triển giai đoan tới.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục