Bảng xếp hạng Top 10 công ty dược uy tín năm 2018 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), phối hợp cùng Báo điện tử Vietnamnet, công bố, theo đó Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Traphaco, Công ty cổ phần Pymepphaco lần lượt đứng thứ 1 và thứ 2 và thứ 3 trong Bảng xếp hạng.
Nguồn: Vietnam Report
Cùng với đó, Top 10 công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế uy tín năm 2018 cũng được Vietnam Report công bố với 2 thương hiệu dược Phytopharma và Vimedimex của Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương 2 và Công ty cổ phần Y dược phẩm Vimedimex lần lượt đứng thứ 1 và thứ 2 và được đánh giá là hai công ty tiêu biểu nhất ở mảng phân phối.
Tiềm năng phát triển mạnh, nhưng bị động về nguồn nguyên liệu
Cùng với việc công bố 2 bảng xếp hạng trên, Vietnam Report cũng đưa ra một số kết quả nghiên cứu đáng chú ý về ngành dược Việt Nam hiện nay.
Theo kết quả nghiên cứu, các chuyên gia đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của ngành dược 2019 - 2020. Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging- theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute), dân số đang bước vào giai đoạn "già hóa" theo cảnh báo của World Bank, theo đó Việt Nam đang trải qua giai đoạn tốc độ già hóa dân số nhanh nhất từ trước tới nay, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên là 6,5% vào năm 2017, dự kiến sẽ đạt 21% vào năm 2050.
Điều này đồng nghĩa với nhu cầu chăm sóc sức khỏe đang tăng lên. Nielsen nhận định, sức khỏe luôn là một trong hai mối quan ngại hàng đầu của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2018.
Bên cạnh đó, mức độ sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ y tế có xu hướng tăng lên do thu nhập bình quân đầu người và trình độ dân trí được cải thiện, trong khi môi trường sống ngày càng có nguy cơ ô nhiễm cao làm gia tăng ngày càng nhiều loại bệnh tật... là yếu tố chính dẫn đến sự phát triển tất yếu của ngành dược.
Theo thống kê của Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), ngành sẽ tăng trưởng tiếp tục hai con số trong vòng 5 năm tới và đạt 7,7 tỷ USD vào 2021. Đây cũng là kết luận được rút ra từ cuộc khảo sát các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành dược gần đây của Vietnam Report.
Theo đó, gần 78% chuyên gia và doanh nghiệp dược dự báo, tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2019 sẽ đạt trên 10% (năm 2017, tốc độ tăng trưởng ngành được 75% doanh nghiệp dự báo đạt trên 10% trong năm 2018), cho thấy sự tự tin vào khả năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận... của các doanh nghiệp dược hiện nay.
Tuy nhiên, doanh nghiệp dược đang bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chưa tận dụng tiềm năng phát triển đông dược.
Theo kết quả nghiên cứu, 100% doanh nghiệp được hỏi cho biết, vấn đề khó khăn lớn nhất doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay là "bị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài".
Năm 2017, Việt Nam nhập khẩu 375 triệu USD nguyên phụ liệu dược phẩm, 78% trong số đó là từ Trung Quốc và Ấn Độ - là hai nguồn cung cấp thuốc chủ yếu cho các nước đang phát triển có tham gia sản xuất thuốc generic. Trong khi đó, Việt Nam là nước có nguồn dược liệu rất phong phú.
Cục Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cho biết, trong tổng số trên 5.000 loài cây và nấm làm thuốc đã biết, có nhiều loài có tiềm năng khai thác tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc phục vụ nhu cầu thị trường.
Về nhu cầu sử dụng, khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.
Có thể thấy, tiềm năng của mảng sản phẩm này là rất lớn, nhưng sản xuất đông dược chỉ đang chiếm thị phần rất nhỏ, xấp xỉ 1 - 1,5%. Đây cũng là điểm hạn chế của ngành sản xuất dược trong nước hiện nay khi chưa có sự đầu tư thích hợp cho dòng sản phẩm đông dược dễ dùng, tiện lợi, có tính an toàn cao, thoát khỏi việc phụ thuộc nguyên liệu nhập để tối ưu giá thành sản xuất.
Dòng vốn chảy mạnh vào ngành dược
Theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute, Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (Pharmerging).
Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor International cũng cho biết, mức chi tiêu thuốc bình quân theo đầu người ở Việt Nam chỉ mới dừng lại ở mức 49,9 USD vào năm 2016, bằng 1/3 mức trung bình của thế giới (147,4 USD) và mới chỉ mới bằng khoảng một nửa mức trung bình của các nước pharmerging.
Miếng bánh này đương nhiên đã hấp dẫn nhiều tập đoàn nước ngoài như Abbott (sở hữu 51,7% cổ phần của Domesco và mua lại Glomed Pharmaceutical), Taisho (tăng sở hữu tại Dược Hậu Giang lên 34,3%), Stada Service Holding B.V (được chấp thuận tăng tỷ lệ sở hữu lên tối đa 72% tại Pymepharco), Adamed Group (đã thâu tóm 70% cổ phần của Davipharm)...
Trong nước, ngành dược cũng đã và đang thu hút đầu tư chiến lược của nhiều tên tuổi lớn như Vingroup, FPT, Masan Group, Vinamilk, Thế giới Di Động, Digiworld…
Các doanh nghiệp dược kỳ vọng, việc bắt tay với doanh nghiệp nước ngoài sẽ mang thêm vốn, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm trong nước, hướng tới các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao hơn như EU-GMP, PIC/S..., trong khi việc kết nối với các nhà bán lẻ lớn sẽ giúp hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 hiện nay.
Tuy nhiên, theo dữ liệu phân tích truyền thông của Vietnam Report, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2017 đến hết tháng 11/2018, chỉ 19,6% số doanh nghiệp dược có tần suất xuất hiện tối thiểu 1 lần/ tháng, chủ yếu là các doanh nghiệp dược đã niêm yết trên sàn chứng khoán.
Xét về độ bao phủ thông tin (phân theo 24 nhóm chủ đề), Tài chính/Kết quả kinh doanh và cổ phiếu là 2 nhóm chủ đề được đề cập đến nhiều nhất, chiếm hơn 1/2 số lượng thông tin được mã hóa. Về chênh lệch thông tin tích cực và tiêu cực, chỉ 21,4% số doanh nghiệp đạt được tỷ lệ an toàn 10%. Về thông tin được dẫn nguồn từ doanh nghiệp hoặc đại diện doanh nghiệp, 50% số doanh nghiệp đạt được tỷ lệ tối thiểu 30%.
Số liệu trên đây cho thấy, mặc dù đã ý thức được vai trò của truyền thông, nhưng hoạt động truyền thông của các doanh nghiệp dược thực tế còn rất hạn chế.
Là một ngành nhạy cảm liên quan đến sức khỏe, y tế, để người dân có thể hiểu đúng về dược phẩm, nhóm nghiên cứu khuyến nghị các doanh nghiệp nên đầu tư hơn về mặt truyền thông, nhất là trong thời đại công nghệ thông tin đang phát triển như hiện nay.