Khó khăn bủa vây
Thực tế, khó khăn đã bủa vây nhiều doanh nghiệp thủy sản trong năm 2019 khi nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sụt giảm mạnh như CTCP Thủy sản số 4 (TS4) giảm 74%, CTCP Đầu tư và phát triển đa quốc gia (IDI) giảm 50%; CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) giảm 27%, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) giảm 18%…, thậm chí lỗ lớn như CTCP Hùng Vương (HVG) lên tới hơn nghìn tỷ đồng.
Bước sang năm 2020, thách thức đã sớm lộ diện. Báo cáo tài chính quý I/2020 niên độ tài chính 2019-2020 của HVG cho thấy, Công ty đạt doanh thu hơn 732 tỷ đồng, giảm 45,8% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 254 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi ròng 18,1 tỷ đồng.
Theo báo giải trình của HVG, doanh thu quý đầu niên độ giảm mạnh là do hoạt động xuất khẩu cá tra đến các thị trường bị chững lại.
“Từ tháng 10//2019 sức mua ở hầu hết các thị trường đều giảm mạnh do cung vượt quá cầu. Riêng 2 thị trường lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc, lượng sản phẩm cá tra nói chung còn tồn ở đây phải mất ít nhất 6 tháng để tiêu thụ hết.
Trong khi đó, lợi nhuận gộp giảm hơn 126%, doanh thu hoạt động tài chính giảm 64,3%, chi phí tài chính tăng 47,7% (trong đó chi phí lãi vay tăng 20,4 tỷ đồng so với cùng kỳ), chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 469,5% (tương ứng 78,4 tỷ đồng) chủ yếu do số dự phòng nợ phải thu khó đòi lập trong kỳ chuyển tiếp 2020 là 77 tỷ đồng”, báo cáo giải trình nêu rõ.
Hiện tại, dịch cúm gây ra bởi virus Corona đã trở thành vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng bao trùm tới nhiều ngành, lĩnh vực, bao gồm cả thủy sản. CTCP Nam Việt (Navico - ANV) chia sẻ, việc xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đầu năm 2020 sẽ chậm lại vì dịch Corona. Trong năm qua, thị trường này chiếm 36% kim ngạch xuất khẩu của Navico.
Dẫu vậy, đại diện Navico cho rằng, vấn đề này chỉ mang tính chất tạm thời và nhu cầu tiêu thụ cá khả năng sẽ tăng mạnh khi dịch bệnh qua đi đến từ 3 nguyên nhân: Thứ nhất, dịch tả lợn châu Phi vừa qua khiến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh.
Thứ hai, cúm gia cầm H5N1 vừa khởi phát có thể làm giảm nguồn cung thịt gia cầm. Thứ ba, cá tra là nguồn đạm thay thế vừa túi tiền, lại không mang bệnh và có thể được cung cấp nhanh chóng từ Việt Nam sang Trung Quốc trong vòng 7 ngày.
Trung Quốc hiện đang là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và châu Âu (EU). Hai sản phẩm được kỳ vọng nhất của ngành này là tôm và cá tra.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, ngành thủy sản sẽ chịu tác động của dịch Corona trong ngắn hạn.
Theo đó, xuất khẩu sang Trung Quốc có thể giảm do xu hướng tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch.
Chủ động nguồn nguyên liệu và tìm kiếm thị trường mới
Trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh diễn biến khó lường, chủ động nguồn nguyên liệu là câu chuyện được các doanh nghiệp thủy sản chú trọng.
Đại diện Navico chia sẻ, năm 2020 tiếp tục là năm có nhiều thử thách, song cũng mang lại nhiều cơ hội.
“Với khả năng tự chủ 100% nguyên liệu, Navico có thể đối phó với sự thay đổi đột ngột từ nhu cầu thị trường”, đại diện Navico nói.
Tại IDI, doanh nghiệp này đã có phương án chuẩn bị trước tình hình phức tạp của dịch Corona với kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng trong xuất khẩu năm nay nhờ tự chủ được nguyên liệu đầu vào.
Năm nay, HVG kỳ vọng vượt qua khó khăn để có lãi trở lại. Trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2020, lãnh đạo HVG đặt mục tiêu đạt doanh thu 12.524 tỷ đồng và lợi nhuận 790 tỷ đồng.
Trong đó, chế biến cá sẽ là mảng đem về doanh thu và lợi nhuận cao nhất, lần lượt là 6.292 tỷ đồng và 315 tỷ đồng. HVG dự kiến tổ chức đại hội vào ngày 14/2 tới.
Ngoài nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp thủy sản cũng đang chủ động tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường EU khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được phê chuẩn.
Hiện tại, việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) là vấn đề được ngành thủy sản rất quan tâm.
Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đoàn kiểm tra IUU để khắc phục những tồn tại, qua đó giúp sản phẩm thủy sản rộng đường vào EU.
Năm 2020, Tổng cục Thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,2 triệu tấn, tăng 0,6% so với ước thực hiện năm 2019; sản lượng cá tra 1,4 triệu tấn, tương đương với năm 2019; sản lượng tôm các loại 850.000 tấn, tăng 3,7%; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019.