Nhiều thách thức
Tính đến hết quý I/2018, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tăng 11,5%, trong đó, cá tra đạt gần 430 triệu USD, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2018, ngành cá tra sẽ hướng tới mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 - 2,2 tỷ USD, chiếm 31,5% kim ngạch xuất khẩu từ nuôi trồng thủy sản.
Đặt mục tiêu tham vọng, tình hình bán hàng khả quan nhưng ngành cá tra đang đối diện với không ít thách thức. Đầu tiên phải kể tới việc thiếu hụt nguồn cá nguyên liệu dự báo kéo dài ít nhất tới tháng 6, trong khi nguồn cung mới chỉ đủ cung ứng cho thị trường Trung Quốc, thiếu hụt tại 2 thị trường Mỹ và châu Âu.
Tình hình khan hiếm cá nguyên liệu thực chất đã được cảnh báo từ những tháng cuối năm 2017, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch đầu tư cho vùng nguyên liệu tuy nhiên thực tế việc mở rộng không hề dễ dàng. Thứ nhất, việc mở rộng diện tích đòi hỏi doanh nghiệp phải có dự trữ ao nuôi mới để có thể đưa vào khai thác ngay. Thông thường các doanh nghiệp lựa chọn liên kết với hộ nông dân, tận dụng vùng nuôi của nông dân và bao tiêu đầu ra. Tuy nhiên tình hình thời tiết không thuận lợi khiến nguồn con giống thiếu hụt trầm trọng.
Tình hình trong nước chưa hết khó thì mới đây, ngành thủy sản đón nhận thông tin không mấy khả quan khi Mỹ chính thức áp thuế chống bán phá giá lên một loạt doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá áp vào các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam dao động từ 3,87 USD/kg đến 7,74 USD/kg, cao hơn nhiều so với kết quả ban đầu công bố vào tháng 9/2017, trong khi giá xuất khẩu cá tra bình quân vào thị trường Mỹ khoảng 3,87 USD/kg - 3,87 USD/kg.
Đáp lại động thái của Mỹ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết, cơ quan này đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) vì cho rằng quyết định của Mỹ có phần thiếu công bằng, mang tính "bảo hộ quá mức" khiến nhiều doanh nghiệp gần như "hết cửa" xuất khẩu vào Mỹ.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng
Công ty cổ phần (CTCP) Vĩnh Hoàn (VHC) là doanh nghiệp thủy sản đang niêm yết duy nhất được hưởng lợi lớn từ thị trường Mỹ, bởi VHC vẫn được duy trì mức thuế xuất bán hàng vào thị trường khó tính này là 0%, trong khi nhiều doanh nghiệp khác phải chịu thêm thuế bán phá giá. Hiện thị trường Mỹ chiếm hơn 57% giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn.
Để giải bài toán nguyên liệu, từ cuối năm 2017, VHC đã chủ trương đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu thêm 220 ha, trong đó dành 50 ha để ươm con giống. “Về lâu dài, chất lượng giống tăng lên sẽ tác động tích cực đến chất lượng đầu ra của cá tra nguyên liệu”, đại diện VHC chia sẻ.
Tuy nhiên, trước đó, trong chiến lược phát triển thị trường mà VHC đề ra có nhấn mạnh việc giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ, tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng khác. Trong bối cảnh đang sở hữu ưu thế lớn khi bán hàng sang Hoa Kỳ, liệu VHC có điều chỉnh chiến lược của mình? Câu hỏi này vẫn đang chờ phản hồi từ Vĩnh Hoàn.
Thực tế cho thấy, tình trạng khan hiếm con giống dẫn đến giá cá tra nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất và chế biến cá tra theo 2 hướng trái ngược. Những doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tự chủ thấp, phụ thuộc vào nguyên liệu trên thị trường sẽ phải chịu chi phí giá vốn tăng mạnh. Trong khi những doanh nghiệp có vùng nguyên liệu tự chủ tỷ lệ lớn lại có thể hạn chế một phần tác động từ thị trường.
CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia IDI (IDI) là một ví dụ điển hình khi đang tận hưởng lợi thế nhờ tự chủ được nguồn nguyên liệu. Theo đó, nhờ liên kết xây dựng vùng nuôi quy mô gần 200 ha, sản lượng gần 80.000 tấn nguyên liệu nên giá đầu vào của Công ty ở mức tốt, đảm bảo cung ứng đến gần 80% nguyên liệu so với nhu cầu cho nhà máy đông lạnh.
IDI cho biết, Công ty sẽ tăng vùng nguyên liệu bao gồm vùng nuôi sẵn có và liên kết hộ nông dân lên 350 ha trong năm nay, với mục tiêu tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu cho nhà máy lên đến 95%. Cùng với đó là kế hoạch mở rộng công suất đáp ứng bằng việc đầu tư nhà máy chế biến đặt tại cụm Công nghiệp Vàm Cống, Đồng Tháp. Nhà máy dự kiến khởi công trong quý II/2018.
Sức ép mở rộng này được cho là đến từ nhu cầu tăng vọt từ các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Trung Quốc, thị trường chính của IDI. Hiện tại, dù công suất chế biến của IDI gần như đã lấp đầy nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Thực tế, dù lo ngại về tính bền vững của thị trường này nhưng các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đang nhìn nhận Trung Quốc như một thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đáng chú ý khác cũng được hưởng lợi lớn từ diễn biến thị trường là CTCP Nam Việt (ANV). ANV có lợi thế trong việc chủ động 100% nguồn nguyên liệu (bao gồm vùng tự chủ và liên kết với hộ nông dân). Trong khi IDI buộc phải mở rộng công suất thì ANV lại “sẵn sàng” để gia tăng công suất theo nhu cầu thị trường.
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc ANV cho hay, hiện nay Công ty chỉ mới hoạt động 50% tổng công suất đáp ứng, bởi giai đoạn trước đã chủ động đầu tư mở rộng nhà máy. Khi nhu cầu gia tăng trở lại, ANV có thể ngay lập tức tăng công suất để đáp ứng.
Đáng chú ý, đối với công tác thị trường, ông Nhứt cho hay, bên cạnh lượng khách hàng truyền thống từ Trung Đông, Nam Mỹ, ANV đã tìm được thêm các đối tác nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc, đảm bảo ổn định được đầu ra cho sản phẩm. Theo đó, nhu cầu dự báo tăng trưởng tại thị trường này là cơ hội để Công ty gia tăng sản lượng và doanh thu trong năm nay.