Ngày 15/12 tại TP Đà Nẵng, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị triển khai Luật Thủy sản 2017 và Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững (2016-2020).
Thống kê của Bộ NT&PTNT cho biết, giai đoạn (2010-2017) giá trị sản xuất của ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân 4,8%/năm. Giá trị tổng sản phẩm thủy sản (GDP) dự kiến đạt tốc độ 4,5%/năm; tổng lượng khai thác năm 2017 dự kiến đạt 7,1 triệu tấn.
Nuôi trồng thủy sản trên biển và hải đảo đã có những bước phát triển đáng kể. Từ diện tích nuôi biển đạt 38.880 ha, sản lượng 156.682 tấn (năm 2010) đến năm 2016 đã đạt 283,3 nghìn ha, sản lượng 324.000 tấn, tăng 97,3 %.
Đã thành lập được mạng lưới 10/16 khu bảo tồn biển và 4 khu bảo tồn biển đã hoàn thành quy hoạch chi tiết, hoàn thiện hồ sơ để phê duyệt quy hoạch.
Trong giai đoạn 2012-2017, có khoảng 171 tấn và 4,5 triệu con giống thủy sản đã được thả vào các vùng biển, thủy vực tự nhiên... Hàng triệu con tôm sú, điệp đã được thả tại các địa phương như Bạc Liêu, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nam Định.
Đã có 83 cảng cá đã được đầu tư nâng cấp và mở rộng; đầu tư hoàn thành 40 khu neo đậu tránh trú bão với công suất khoảng 42.131 tàu neo đậu. Hiện đang thực hiện đầu tư 23 khu neo đậu tránh trú bão với công suất khoảng 11.170 tàu neo đậu.
Tính đến 30/10, tổng số tàu cá trên toàn quốc là 109.586 tàu cá. Đến nay, đã có 9.000 tàu cá được quản lý thông qua giám sát hành trình hoạt động do được lắp đặt hệ thống thiết bị liên lạc được lắp đặt trên tàu và trạm bờ.
Số tàu được hỗ trợ theo Nghị định 67 gồm 925 tàu đóng mới, thay thế, 130 tàu nâng cấp, chủ yếu là tàu vỏ gỗ.
Trong khai thác hải sản, đã tiến hành sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ bể hạ nhiệt có gắn thiết bị lạnh phục vụ bảo quản cho tàu câu cá ngừ; nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm tăng trên 30% so với quy trình hiện tại đối với tàu đánh bắt xa bờ.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Quốc hội vừa họp và đã thông qua Luật Thủy sản. Luật Thủy sản được thông qua trong bối cảnh chúng ta đang quyết liệt để thực hiện tái cơ cấu nghành thủy sản nói riêng và nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Đây là một bước ngoặt trong ngành thủy sản, là thời điểm để chuyển ngành thủy sản, đặc biệt kênh khai thác của nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, bền vững hơn.
Tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã triển khai nội dung Chương trình phát triển thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển bền vững ngành thủy sản, phấn đấu trở thành ngành sản xuất hàng hoá lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, có năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, hội nhập vững chắc vào nền kinh tế quốc tế gắn với bảo vệ nguồn lợi, môi trường sinh thái, từng bước nâng cao thu nhập và mức sống của ngư dân, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản bình quân hằng năm đạt 6,0%; tổng sản lượng thủy sản đạt từ 6,5-7 triệu tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt từ 8-9 tỷ USD; chủ động sản xuất được trong nước 100% giống các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực; 100% giống tôm sú, tôm chân trắng, cá tra là giống sạch bệnh; 100% diện tích nuôi tập trung thâm canh các đối tượng nuôi chủ lực đạt chứng nhận VietGap hoặc tương đương; công suất cảng cá tăng thêm khoảng 350.000 tấn hàng qua cảng/năm; công suất neo đậu tăng thêm khoảng 15.000 tàu; tàu cá khai thác vùng khơi được cung cấp bản tin dự báo ngư trường…