Doanh nghiệp thủy sản: Chờ quý IV khả quan hơn

(ĐTCK) 9 tháng đầu năm, giá cá tra tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này gặp khó khăn. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh quý IV được kỳ vọng sẽ khả quan, vì đây là mùa kinh doanh chính.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Theo Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC), từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết không thuận lợi khiến nguồn cá giống khan hiếm, đẩy giá cá nguyên liệu tăng mạnh, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Công ty.

Giá nguyên liệu tăng buộc VHC phải tăng giá bán, nhưng không thể thực hiện được ngay, mà từng bước một và theo từng thị trường. Riêng tại Mỹ, thị trường tiêu thụ chính của VHC, Đạo luật Nông nghiệp (Farm bill) của nước này chính thức áp dụng từ đầu tháng 9/2017, khiến sản lượng thủy sản xuất khẩu của Công ty bị ảnh hưởng đáng kể trong tháng 8 và 9. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu vào Mỹ bắt đầu ổn định trở lại kể từ tháng 10, đồng thời ghi nhận mức tăng mạnh về sản lượng lẫn giá bán.

VHC chia sẻ, chi phí lớn nhất đối với Công ty nằm ở thời gian kiểm duyệt, trong khi chi phí phát sinh cho quá trình kiểm duyệt do nhà nhập khẩu chịu. Điều này khiến giá bán tại thị trường Mỹ tăng lên đáng kể. Xét về lâu dài, Farm bill không có lợi ích về mặt kinh tế cho nhà nhập khẩu vào Mỹ và những chi phí tăng lên trong quá trình kiểm duyệt, người tiêu dùng Mỹ là người chịu cuối cùng.

Được biết, VHC, Công ty cổ phần Hùng Vương (HVG) và Biển Đông Seafoods là những doanh nghiệp đang xuất khẩu vào Mỹ.

Mới đây, HVG đã thoái vốn tại Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) và chuyển nhượng một khu đất tại Quận 6, TP.HCM. Công ty này dự kiến sẽ chuyển nhượng thêm một khu đất tại Quận 6.

Trong bức tranh 9 tháng đầu năm có phần ảm đạm của nhiều doanh nghiệp niêm yết ngành thủy sản, có một số doanh nghiệp vươn lên trở thành điểm sáng.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đa quốc gia IDI (IDI) đạt 3.782 tỷ đồng doanh thu, tăng 31%; lợi nhuận sau thuế đạt 224 tỷ đồng, tăng 136% so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch cả năm, IDI thực hiện vượt 6,2% chỉ tiêu doanh thu và vượt 25,8% chỉ tiêu lợi nhuận.

Theo ông Trương Công Khánh, thành viên Hội đồng quản trị IDI, trong quý III/2017, lượng khách hàng và đơn hàng tăng lên đáng kể, đến từ hầu hết các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc, Nam Mỹ và Trung Đông.

Mặt khác, IDI đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất và chế biến nguyên liệu công suất 400 tấn/ngày, đồng thời mở rộng diện tích vùng nuôi lên gần 200 ha, cung cấp gần 80.000 tấn cá nguyên liệu, với giá thành từ 20.500 - 21.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường hiện nay khoảng 29.000 đồng/kg. Giá xuất khẩu bình quân tại các thị trường của IDI đã tăng hơn 35% so với đầu năm.

IDI cho hay, ngày 21/11, Công ty sẽ khánh thành nhà máy chế biến thủy sản công suất 360.000 tấn thành phẩm/năm. Dự án này ước tính mang lại cho Công ty khoảng 4.000 tỷ đồng doanh thu, 400 - 500 tỷ đồng lợi nhuận/năm.

Công ty cổ phần Nam Việt (ANV, sở hữu hơn 90% cổ phần tại Biển Đông Seafood) cũng đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm, với 2.102 tỷ đồng doanh thu, gần 87 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành lần lượt 70% và 81% chỉ tiêu kế hoạch cả năm.

Ngày 14/11 tới, Công ty cổ phần Kiên Hùng (KHS) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường, trong đó có nội dung niêm yết trên HNX vào cuối năm nay.

KHS có vốn điều lệ 107 tỷ đồng, hiện là doanh nghiệp thủy sản đầu ngành tại tỉnh Kiên Giang. Công ty lựa chọn thị trường ngách, với phân khúc sản xuất và chế biến thủy hải sản thành phẩm phục vụ xuất khẩu, sản lượng 1500 tấn/năm. Thị trường tiêu thụ của Công ty trong những năm qua tương đối ổn định, tập trung tại Nhật Bản và Trung Đông.

Năm 2017, KHS dự kiến kim ngạch xuất khẩu đạt 25,6 triệu USD, doanh thu ước đạt 1.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 29,5 tỷ đồng. Công ty đang đầu tư nhà máy chế biến đông lạnh, công suất 3000 tấn/năm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong quý II/2018.

Ngọc Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục