Đánh giá thị trường trong 2 tháng đầu năm 2020, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tình hình không mấy khả quan khi hoạt động sản xuất của các nhà máy cầm chừng, hoạt động bán hàng rất thấp do các công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện do lo ngại sự khó lường của dịch bệnh.
Theo số liệu thống kê từ VSA, sản xuất và tiêu thụ của thị trường thép trong nước đều tăng trưởng âm, tương đương giảm 22,3% và 31% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ giảm số lượng và doanh thu bán hàng tại thị trường trong nước, xuất khẩu thép các loại cũng giảm 38% so với cùng kỳ năm trước và giảm 21% so với tháng 12/2019, chỉ đạt hơn 283 nghìn tấn.
Cũng theo VSA, kể từ khi dịch xuất hiện tại Trung Quốc, xu thế giá thép tại thị trường này và thế giới giảm mạnh, khiến giá thép trong nước cũng giảm sâu, nhưng giao dịch vẫn ảm đạm. Doanh nghiệp muốn bán được hàng thì phải hạ giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Trong khi đó, tồn kho tăng khiến chi phí lưu kho bãi tăng lên, cộng với lãi suất ngân hàng làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng mạnh.
Tương tự, những doanh nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ Trung Quốc cũng rơi vào tình trạng sản xuất cầm chừng, thậm chí là ngừng sản xuất do gián đoạn nguồn cung. Đơn cử, Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM) cho biết, do nhập khẩu từ Trung Quốc ngưng trệ, trong khi nguồn than cốc tồn kho hiện rất thấp không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, đã tạo áp lực lớn đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong quý đầu năm và có thể còn kéo dài sang quý II, thậm chí đến hết năm.
Theo nhận định của Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), thị trường thép đang rơi vào tình trạng rất khó khăn do tác động nhiều chiều từ dịch bệnh. Nhu cầu thấp khiến tiêu thụ chậm lại, tình trạng cung vượt cầu làm mức độ cạnh tranh giữa các nhà sản xuất thép ngày càng trở nên gay gắt, ảnh hưởng sản lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các đơn vị.
Bên cạnh đó, nguồn cung ứng nguyên liệu như than cốc, điện cực, hợp kim... có nguy cơ hạn chế kéo dài nếu dịch bệnh chưa sớm được kiểm soát, dẫn đến giá tăng. Các đơn vị phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, vật tư, phụ tùng nhập khẩu thay thế từ Trung Quốc sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn nếu tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
“Ở thị trường thép xây dựng, diễn biến những năm gần đây đều hết sức khó lường. Chiến lược giảm giá cả thép thành phẩm lẫn phôi thép năm 2020 của Hòa Phát - vốn là đối thủ cạnh tranh chính của VNSteel - sẽ khiến các doanh nghiệp thép khác, bao gồm cả VNSteel, tiếp tục bị bóp nghẹt thị phần, giá thép nội địa liên tục có xu hướng giảm giá từ năm 2019 đến nay”, đại diện VNSteel lo ngại .
Trong bối cảnh hiện tại, VNSteel dự báo, sản lượng tiêu thụ của Tổng công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng âm trong quý I và tình trạng khó khăn còn kéo dài sang các quý tới khi chịu tác động kép từ dịch bệnh cũng như yếu tố mùa vụ, bởi quý III là mùa mưa bão.
Chiến lược giảm giá cả thép thành phẩm lẫn phôi thép năm 2020 của Hòa Phát sẽ khiến các doanh nghiệp thép khác, tiếp tục bị bóp nghẹt thị phần.
“Sản lượng tiêu thụ có khả năng phục hồi vào quý IV/2020, nhưng mức tăng trưởng không cao, dao động từ 4-5%, trong khi giá thép tiếp tục duy trì ở mức thấp do áp lực cạnh tranh”, đại diện VNSteel nhận định.
Thống kê tình hình bán hàng 2 tháng đầu năm của VNSteel cho thấy, doanh số bán hàng của Tổng công ty cũng như toàn bộ 5 đơn vị sản xuất thành viên đều sụt giảm, trung bình toàn khối VNSteel chỉ đạt 71% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Thép Tisco đạt 73,8%, Thép Thủ Đức đạt 55,7%, cao nhất là thép Nhà Bè đạt 92,89%.
Trong khối doanh nghiệp liên doanh, ngoài 2 đơn vị vượt kế hoạch so với cùng kỳ là Natsteelvina và Tây Đô (vượt 5-10%), các đơn vị còn lại là Vinakyoei và Vinausteel đều chỉ đạt từ 55-75%.
Các ông lớn thép khác trong Top 5 thị phần, ngoại trừ Formosa Hà Tĩnh đạt tỷ lệ tiêu thụ tăng 3,46% so với cùng kỳ, còn lại đều giảm mạnh. Đơn cử, Hoà Phát giảm 15%, Pomina giảm 43,7%, Thép Việt Đức giảm 15%...
Để giúp các doanh nghiệp thép vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại, VSA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại có các chính sách hỗ trợ như giảm lãi suất, giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay đến hạn thanh toán..., đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế tại địa phương giãn thời gian nộp thuế và các khoản thu ngân sách để giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp, có chính sách ưu đãi thuế như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp…