Trong quá trình đàm phán các FTA, các nước thành viên luôn coi việc trao quyền cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một trong các mục tiêu cần hướng tới, nhằm tạo thuận lợi hơn cho các hoạt động thương mại, xuất - nhập khẩu hàng hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Do đó, theo ông Âu Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Giám sát quản lý (Tổng cục Hải quan), các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cũng đang tính toán để chuyển dần từ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ sang trao quyền cho doanh nghiệp tự chứng nhận, đồng thời cung cấp thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa để cập nhật yêu cầu mới về tự chứng nhận xuất xứ.
Bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng, với việc phải xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho từng đơn hàng như hiện nay, doanh nghiệp phải tốn chi phí, thời gian và dễ bị phạt vì giao hàng trễ. Sự rườm rà, mất thời gian này là một trong những nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà với việc xin C/O để hưởng ưu đãi trong các FTA mà Việt Nam đã mất nhiều công sức đàm phán và ký kết.
Theo bà Hương, cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được nhận định sẽ đem lại nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp. Theo đó, nhà sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập khẩu sẽ tự khai báo xuất xứ hàng hóa với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu mà không cần phải nộp C/O do nước xuất khẩu cấp như thông thường.
“Do tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa, bản thân các doanh nghiệp nắm rất rõ về sản phẩm mà họ sản xuất hoặc thương mại, sẽ thúc đẩy tăng đáng kể tỷ lệ sử dụng C/O theo các FTA để được hưởng ưu đãi về thuế”, bà Hương nói và cho rằng, việc doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ sẽ tránh được những lỗi nhỏ thường gặp khi nhập khẩu (lỗi chính tả, hình thức trên C/O không phù hợp với mẫu quy định…).
Hơn nữa, với cơ chế mới, Nhà nước không cần phải duy trì một hệ thống các tổ chức cấp C/O tốn kém như hiện nay, tiết kiệm được chi phí hành chính phát sinh từ việc vận hành hệ thống như văn phòng, máy móc, thiết bị…
Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi nêu trên, các cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp lo ngại rằng, nhận thức của doanh nghiệp về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ tại thời điểm này còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp không có kiến thức đầy đủ về các quy tắc xuất xứ, lúng túng trong việc thực hiện cũng như tận dụng triệt để các quy định về quy tắc xuất xứ của các nước để tận hưởng ưu đãi.
Mặt khác, đi kèm với việc trao quyền tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp là những rủi ro phát sinh như gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa qua Việt Nam, mượn xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi... Trong đó, hải quan là ngành lo ngại nhiều nhất do gánh trách nhiệm nặng nề trong việc kiểm tra, kiểm soát các C/O được tự chứng nhận xuất xứ.
Thời điểm ký kết một số FTA quan trọng đang đến rất gần. Bởi vậy, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) khuyến nghị, Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan… cần sớm thông tin cụ thể tới cộng đồng doanh nghiệp về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.
Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về tự chứng nhận xuất xứ, do các thị trường nhập khẩu lớn có quy định xử phạt rất nghiêm với những doanh nghiệp vi phạm. Đơn cử, theo quy định của Hải quan Hoa Kỳ, khi bị phát hiện gian lận thương mại trong chuyển tải, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách “đen” các nhà chuyển tải bất hợp pháp.