Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan cho biết, trong quá trình đàm phán tham gia các FTA, cùng với việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ thực hiện, các nước thành viên luôn coi việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một trong các mục tiêu nhằm hướng đến để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Trong các hiệp định mà Việt Nam đang đàm phán, đặc biệt là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những nghĩa vụ mà Việt Nam phải thực hiện khi gia nhập Hiệp định này là thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Do vậy, giai đoạn chuẩn bị để tiếp cận, xây dựng các quy định trong nước về cơ chế này đóng vai trò quan trọng để Việt Nam có thể tuân thủ cam kết quốc tế cũng như đảm bảo triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi thương mại. Đây là cơ chế với những quy định và cách thức kiểm tra hoàn toàn mới ở Việt Nam, chưa có quy định liên quan hướng dẫn thực hiện.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia USAID-GIG trong thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của Hoa Kỳ, quy tắc xuất xứ cho sản phẩm dệt may, vai trò của cơ quan hải quan trong kiểm tra và xác định xuất xứ.
Cơ chế kiểm tra và xác định xuất xứ truyền thống quy định cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp C/O dựa trên hồ sơ xin cấp của người xuất khẩu và qua kiểm tra từng chuyến hàng trước khi xuất khẩu. Cơ quan hải quan nước nhập khẩu xem xét cho hàng hóa hưởng ưu đãi trên cơ sở kiểm tra tính xác thực của C/O và các quy định về thủ tục hải quan liên quan khác.
Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho phép, trong điều kiện cụ thể, những nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc chứng từ khác. Cơ quan hải quan nước nhập khẩu kiểm tra nội dung khai báo của doanh nghiệp và hồ sơ lô hàng (không có C/O) để xem xét cho hàng hóa hưởng ưu đãi.
Dự kiến chương trình tự chứng nhận này sẽ góp phần làm giảm đáng kể các thủ tục hành chính hiện đang được áp dụng đối với quá trình xin cấp C/O. Chương trình tự chứng nhận này sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực, giảm chi phí kinh doanh cả về thời gian và tiền bạc đồng thời tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực hạn chế của nhà nước.
Hội thảo này là một trong các hoạt động của Dự án USAID GIG tiếp tục cộng tác với Tổng cục Hải quan trong các hoạt động hiện đại hóa hải quan và thuận lợi hóa thương mại nhằm nâng cao năng lực thực hiện Hiệp định TFA WTO cho cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan có liên quan. Dự án sẽ giúp khối tư nhân phối hợp với Hải quan Việt Nam và các cơ quan chuyên trách trong những vấn đề tạo thuận lợi thương mại có ảnh hưởng sâu sắc tới thương mại, đầu tư và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.