Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh: Không có sự chồng lấn giữa các FTA

Việt Nam đang trong giai đoạn đàm phán cùng lúc 7 hiệp định thương mại (FTA) quan trọng, trong đó 2/7 FTA đã đàm phán xong và đang chuẩn bị ký kết, gồm FTA với Hàn Quốc và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan. Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại nhiều FTA khẳng định, hoàn toàn không có sự chồng lấn giữa các FTA. 
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại nhiều FTA Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại nhiều FTA

Thưa ông, tại sao Việt Nam cùng lúc tham gia đàm phán nhiều FTA như vậy. Liệu có sự chồng lấn và xung đột lợi ích giữa các FTA hay không?

Việc tham gia các FTA giúp Việt Nam cơ cấu lại mặt hàng, thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá mức vào một thị trường. Trong quá trình hội nhập, rút kinh nghiệm trong quá trình đàm phán các FTA trước đây, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng chiến lược đàm phán FTA mới rất sớm.

Theo đó, nguyên tắc chủ đạo khi tham gia đàm phán các FTA là FTA phải tạo ra lực đẩy cùng chiều với nỗ lực cải cách trong nước như: cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước… Trên cơ sở nguyên tắc cơ bản đó, Việt Nam sẽ có sự nhất quán trong quá trình đàm phán, nên không lo ngại các hiệp định có sự chồng lấn, xung đột lợi ích.

Tuy nhiên, xung đột lợi ích luôn luôn xảy ra vì cơ hội của ngành này có thể là thách thức của ngành khác và ngược lại. Điều này cũng thường xuyên xảy ra trong nền kinh tế, dù Việt Nam có tham gia FTA hay không. Song tổng hòa lại, lợi ích từ các FTA đối với Việt Nam vẫn lớn.

Ông nói rằng, lợi ích của ngành có thể là là thách thức của ngành khác. Vậy ngành hàng nào sẽ gặp thách thức nhiều nhất?

Theo tôi, hai lĩnh vực gặp nhiều thách thức hơn cả là sản xuất nông nghiệp và mua sắm công. Đối với mua sắm công, các đàm phán cố gắng mở cửa lĩnh vực này, nhưng là theo lộ trình và có bước đệm để doanh nghiệp thích nghi dần.

Còn sản xuất nông nghiệp vốn là ngành không dễ chuyển dịch cơ cấu. Trong khi đó, khi kinh tế phát triển, chi phí nhân công cao, thì sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp càng yếu đi. Có thể thấy rõ điều này, khi các nước phát triển hội nhập sâu lại bảo hộ rất lớn cho ngành nông nghiệp.

Thời gian qua, chúng ta nói nhiều đến các FTA thế hệ mới. Ông có thể giải thích rõ hơn về các FTA này?

Không chỉ những vấn đề liên quan đến thương mại hàng hóa, thuế quan, mà các FTA thế hệ mới còn là động lực quan trọng giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện luật pháp… Về cơ bản, các FTA thế hệ mới sẽ giúp Việt Nam xoay chuyển cấu trúc thương mại theo hướng hiệu quả hơn, giảm phụ thuộc vào một thị trường.

Vậy, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc đón bắt cơ hội từ các FTA và giảm bớt thách thức? Trong số các thành viên tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam là thành viên yếu nhất nên chắc hẳn sẽ có không ít bất lợi?

5 năm trước, không ai nghĩ Việt Nam sản xuất và xuất khẩu điện thoại, nhưng giờ thì các dự án của Samsung đã hiện hiện tại Việt Nam. LG mới đây cũng tuyên bố sẽ sản xuất toàn bộ màn hình tại Việt Nam. Đấy rõ ràng là một sự dịch chuyển tích cực và Việt Nam đã bắt đầu chen chân vào được chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đừng nghĩ là Việt Nam yếu thì khó cạnh tranh được mà hãy làm khác đi hoặc tạo ra lợi thế khi đàm phán để rào cản giảm xuống, thì các nhà đầu tư sẽ đến. Bởi vậy, sẽ không thể có câu trả lời chung nào cho tất cả các doanh nghiệp, do cơ hội và thách thức của mỗi doanh nghiệp khác nhau, phụ thuộc vào quy mô, ngành hàng, thị trường xuất khẩu và đối thủ cạnh tranh. 

Tuy nhiên, tôi tin tưởng, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuẩn bị tương đối tốt, đặc biệt trong xuất khẩu. Ví dụ, sau khi Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng khoảng 38%/năm. Đối với thị trường Nhật Bản, sau khi ký FTA, Việt Nam – Nhật Bản đã cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí nước ta còn xuất siêu ở một số thời điểm.

Thế Hải
Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục