Tuy nhiên, chưa cần chờ đến thời điểm hoàn tất đàm phán và ký kết VKFTA, xuất khẩu các mặt hàng này sang Hàn Quốc đang hé mở những tín hiêu tích cực.
11 tháng, dệt may chạm 1,4 tỷ USD
Gần 10.000 công nhân, làm việc tại 3 Khu vực sản xuất chính đặt tại huyện Lạng Giang, Lục Nam và TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh của Công ty CP May Bắc Giang luôn trong trình trạng hoạt động hết năng suất lao động với các đơn hàng phủ kín.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Khu vực sản xuất tại Lạng Giang, thuộc Công ty CP May Bắc Giang cho hay, 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu trị giá 130 triệu USD của doanh nghiệp này là xuất khẩu sang Hàn Quốc, nên những năm gần đây, đặc biệt từ 2010 đến nay, 149 chuyền may tại 3 khu vực sản xuất chính luôn hoạt động hết công suất.
Dự kiến, với mức tăng trưởng xuất khẩu cả 3 khu vực sản xuất trong năm 2014 của May Bắc Giang sẽ đạt khoảng 155 – 160 triệu USD, tăng khoảng 20% so với năm 2013.
“Xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường nội địa Hàn Quốc đang gặp nhiều thuận lợi, và hiện tại, Khu vực sản xuất tại Lạng Giang đã ký được hợp đồng xuất khẩu sang Hàn Quốc hết quý I/2015”, ông Thắng cho biết thêm.
Kế hoạch nhân thêm số lượng chuyền may để đáp ứng đơn đặt hàng gia tăng từ thị trường này sẽ tiếp tục được thực hiện sớm, để không bỏ lỡ cơ hội gia tăng xuất khẩu khi Hiệp định Thương mại tự do song phương FTA Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) kết thúc đàm phán và được thông qua trong tương lai gần.
“FTA với Hàn Quốc có hiệu lực, những doanh nghiệp dệt may có năng lực sản xuất tốt, có thâm niên xuất khẩu, sẵn đối tác, sẽ có nhiều triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nhanh, đặc biệt trong những năm đầu FTA có hiệu lực”, ông Nguyễn Hữu Phải, Tổng giám đốc Công ty CP May Bắc Giang chia sẻ.
Cùng với May Bắc Giang, khu vực gồm khoảng 500 doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc được đánh giá là có lợi hơn cả, bởi khách hàng sẵn có tại thị trường nội địa cũng như sự thông hiểu về khách hàng Hàn Quốc.
Đặc biệt, 3 năm gần đây, tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang thị trường này luôn đạt trên 30%. 11 tháng 2014, tồng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hàn Quốc đạt 1,4 tỷ USD.
Thủy sản được mùa
Lĩnh vực thủy sản cũng nằm trong danh sách các mặt hàng được hưởng lợi nhiều về giảm thuế, gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc khi VKFTA có hiệu lực.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Hàn Quốc đã lấy lại vị trí thứ tư (sau Mỹ, EU, Nhật Bản) trong nhóm các nước nhập khẩu của thủy sản Việt Nam sau khi tụt hạng trong năm 2013.
Việt Nam còn là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 3 của Hàn Quốc, chiếm 13,2% thị phần, chỉ sau Trung Quốc 28% và Nga 14%..
10 tháng, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 534 triệu USD |
Sau khi tăng trưởng chậm lại vào năm 2013 với kim ngạch xuất khẩu 521 triệu USD, tăng 2,4%, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc trong 10 tháng 2014 đã đạt khoảng 534 triệu USD, tăng hơn 147 triệu USD với cùng kỳ năm 2013 (387 triệu USD).
Công ty TNHH Hải Vương (Khánh Hòa), một trong những doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu cá ngừ Đại Dương và các loại thủy sản khác đã được thị trường Hàn Quốc cấp giấy chứng nhận cho thủy sản xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc hàng chục năm nay đang mở rộng và phát triển sản xuất, trong đó, Hàn Quốc là thi trường xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp này.
Ông Nguyễn Công Bảy, Giám đốc chất lượng Công ty TNHH Hải Vương cho rằng, đầu tư nâng cao chất lượng cá ngừ sau đánh bắt để đạt giá trị gia tăng cao khi xuất khẩu sang Hàn Quốc là mục tiêu của Công ty trong thời gian tới.
Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng, FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cho phép nhiều hàng hóa của Việt Nam được cắt giảm thuế sâu hơn và nhanh hơn so với FTA Hàn Quốc - ASEAN, đặc biệt những dòng thuế thuộc hạng mục nhạy cảm và nhạy cảm cao như nông sản, thủy sản sẽ được cắt giảm nhiều hơn và nhanh hơn khi nhập khẩu vào Hàn Quốc.
Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi về thuế quan thì FTA cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc bởi các rào cản kỹ thuật có thể sẽ được quy định chặt chẽ hơn, nhất là việc kiểm dịch đối với hàng hóa nông sản . Điều này, buộc các doanh nghiệp phải thích ứng khi hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, ông Khánh nói.
Hợp tác thương mại song phương Việt Nam – Hàn Quốc đã có sự tăng trưởng đáng kể trong hơn 2 thập kỷ qua. Thương mại hai chiều đã tăng gần 55 lần, từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 21,09 tỷ USD năm 2013, tăng 29,4% so với năm 2012.
10 tháng năm 2014 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 nước đạt gần 24 tỷ USD tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2013, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, và Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu dệt may, da giầy, xăng dầu, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải...Một trong những đặc điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.