Doanh nghiệp dệt may lạc quan với “kịch bản” xuất khẩu khả thi

Thị trường dệt may thế giới tăng trưởng tốt, khiến hoạt động sản xuất - kinh doanh của cả ngành dệt may sôi động theo. Minh chứng là, kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm 2014 của các doanh nghiệp dệt may đạt 10,2 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh nghiệp dệt may lạc quan với “kịch bản” xuất khẩu khả thi

Được biết, đầu năm 2014, ngành dệt may đã đặt mục tiêu xuất khẩu cho cả năm với 2 “kịch bản” chính. Theo đó, “kịch bản” khả quan đưa ra chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu là 24,5 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2013 và “kịch bản” khả thi là 23,6 tỷ USD, tăng trưởng 16,5%.

Sau khi hết một nửa chặng đường, căn cứ vào tình hình thị trường dệt may thế giới, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lạc quan nhận định, ngành dệt may hoàn toàn có thực hiện được “kịch bản” khả thi.

Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng, tình hình đang diễn biến phức tạp khiến cho khả năng hoàn thành “kịch bản” khả thi trở nên khó khăn hơn. Từ đầu tháng 5/2014, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 ở biển Đông, tình hình xuất khẩu nói chung và xuất khẩu dệt may nói riêng có xu hướng giảm. Cụ thể, trong tháng 5/2014, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 1,45 tỷ USD, giảm 8% so với tháng 4/2014. 

Ông Lê Tiến Trường, Phó chủ tịch Vitas cho rằng, tâm lý bất ổn do ảnh hưởng từ tình hình biển Đông đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may là có thật. Mức độ ảnh hưởng tâm lý của mỗi doanh nghiệp khác nhau, kể cả tâm lý từ các nhà nhập khẩu đã phần nào kéo kết quả xuất khẩu dệt may đi xuống.

Theo báo cáo của Vitas với Bộ Công thương, cuối tháng 5, tình hình sản xuất của một số doanh nghiệp dệt may tại Bình Dương bị gián đoạn và các doanh nghiệp phải mất thêm một thời gian để ổn định sản xuất. Một số doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc có quy mô sản xuất lớn đóng tại Bình Dương bị đình trệ sản xuất  hơn 1 tuần và điều đó đã ảnh hưởng đến sản lượng.

Tuy nhiên, dấu hiệu giảm tốc đã sớm được ngăn chặn, khi có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, nhằm giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, khiến hệ thống sản xuất của ngành đã cơ bản trở lại bình thường. Kết quả cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may tháng 6 đã tăng lên 1,9 tỷ USD, tăng 350 triệu USD so với tháng 5/2014.

Hơn nữa, điểm nhấn quan trọng trong 6 tháng qua là,  kim ngạch xuất khẩu tại 4 thị trường lớn Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc không những được duy trì, mà còn có sức bật tốt.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ đạt 4,6 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2013; kim ngạch xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 1,5 tỷ USD, tăng 11,3%; sang Nhật Bản cũng tăng 11,3%, sang Hàn Quốc thậm chí tăng tới 30,1%.

“Ngành sẽ có những phân tích kỹ hơn về thị trường trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới, có tính đến cả thị trường Trung Quốc chuyên cung cấp nguyên phụ liệu cho ngành dệt may Việt Nam để có sự ứng phó và điều chỉnh kịp thời”, ông Trường cho hay.

Ông Trần Việt, Trưởng ban Thị trường, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận xét, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Vinatex đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Việt cũng cảnh báo, trong 6 tháng cuối năm, kinh tế trong nước và thị trường các quốc gia nhập khẩu lớn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, nên Vinatex cùng các doanh nghiệp thành viên phải hết sức thận trọng và nỗ lực tìm kiếm thêm thị trường và khách hàng mới.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục