Doanh nghiệp FDI ‘bơm thêm vốn’ vào dệt may

Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành dệt may đang “bơm vốn” để mở rộng quy mô sản xuất tại Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI ‘bơm thêm vốn’ vào dệt may

Công ty May mặc Venture - Hà Lan đang hoàn tất các thủ tục xin cấp phép để cuối tháng 4, hoặc chậm là sang đầu tháng 5/2014, sẽ khởi công xây dựng nhà máy may hàng xuất khẩu, với sản phẩm chính là sơ mi và jacket tại Thanh Tiên, huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An).

Với vốn đầu tư 10 triệu USD, nhà máy mới của Venture có công suất thiết kế 150.000 - 210.000 áo Jacket và 2 triệu áo sơ mi/năm, sử dụng khoảng 1.000 lao động.

Điều đáng nói, đây không phải là dự án đầu tiên của Venture tại Việt Nam. Năm 2007, Venture đã đầu tư một nhà máy may tại Cẩm Giàng (tỉnh Hải Dương), thu hút trên 1.000 lao động và hiện đang hoạt động khá hiệu quả.

Được biết, toàn bộ sản phẩm của nhà máy là quần áo bảo hộ lao động, áo chống cháy và các trang phục chuyên ngành đều được xuất khẩu đi châu Âu, với giá trị vài chục triệu USD/năm.

Ông John Somers, Giám đốc Công ty May mặc Venture cho biết, nhu cầu của khách hàng gia tăng là lý do chính khiến Công ty đầu tư mở thêm nhà máy mới.

Trong khi Venture đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư tại Nghệ An, thì tại Khu công nghiệp Đông Nam, huyện Củ Chi (TP.HCM), 2 dự án với tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD của 2 công ty nước ngoài khác cũng đang ráo riết triển khai.

Trong đó, Công ty TNHH Worldon Việt Nam thực hiện Dự án Nhà máy sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp, quy mô 80 triệu sản phẩm/năm, vốn đầu tư 140 triệu USD. Dự kiến giai đoạn 1 của Nhà máy sẽ chính thức hoạt động vào tháng 6/2015.

Còn Công ty TNHH Sheico Việt Nam cũng đang chuẩn bị khởi công Dự án Sản xuất dệt vải, may hàng xuất khẩu, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, giai đoạn 1 dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 11/2014.

Ngoài 3 dự án kể trên, tại Nam Định, Quảng Bình, Đồng Nai… cũng đang có một số doanh nghiệp FDI tìm kiếm địa điểm để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng dệt may xuất khẩu.

Theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiếm thấy khi nào mà xuất khẩu dệt may lại thuận lợi như thời điểm hiện tại. Thị trường xuất khẩu và thị trường tiêu thụ trong nước đang hồi phục và có mức tăng trưởng hơn năm trước, nên dù mới đầu tháng 4, nhưng đại bộ phận doanh nghiệp dệt may đều đã có đơn hàng cho hết quý III và IV/2014, Các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Việc các doanh nghiệp FDI dồn dập triển khai các dự án quy mô lớn cho thấy, sự phân cực về khoảng cách giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước ngày càng rõ hơn, cảnh báo nguy cơ tụt lại sau của doanh nghiệp trong nước ngày một lớn.

Trong cuộc họp công bố doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may diễn ra vào tháng 3/2014, đại diện Vitas đã thẳng thắn thừa nhận, tuy số lượng doanh nghiệp FDI ngành dệt may ít, nhưng quy mô lớn và đóng góp tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG dự báo, trong năm 2014, ngành dệt may Việt Nam có thể đạt tốc độ tăng trưởng tới 30%. “Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may trong năm 2014 có thể sẽ đạt  26 tỷ USD, tăng 4 tỷ USD so với mức thực hiện của năm 2013. Nhiều doanh nghiệp dệt may đều cho biết, đã kín đơn hàng cho cả năm 2014”, ông Thời nói.

Đại diện nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, việc mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam không hoàn toàn vì mục đích đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam đang tham gia đàm phán và dự kiến sẽ sớm hoàn tất. Song với thực tế là, khi TPP có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào một số thị trường lớn như  Mỹ, Nhật Bản… sẽ có thuế suất là 0%, thì việc hàng loạt doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh vào ngành dệt may ít nhiều đều tính đến triển vọng này.

Thế Hải(baodautu.vn)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục