Theo ông Thực, thực hiện theo cơ chế này, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách, cơ quan quản lý sang doanh nghiệp hoặc nhà nhập khẩu. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp hoặc nhà nhập khẩu sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó thay vì xin cấp chứng nhận xuất xứ từ phía cơ quan quản lý như trước đây.
Để thực hiện được cơ chế này, đòi hỏi các doanh nghiệp và nhà nhập khẩu cần nắm bắt đầy đủ nội dung và cách thức về Tự chứng nhận xuất xứ. Trên cơ sở đó, khi tham gia thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, các doanh nghiệp sẽ có thể thuận lợi và chủ động trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang khối EFTA nói riêng và thị trường châu Âu (EU) nói chung.
Do đó, Việt Nam đang nghiên cứu và xây dựng đề án cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định thương mại, đồng thời đẩy nhanh việc hoàn thiện các cơ chế chính sách để hội nhập sâu hơn với các nước đang tham gia đàm phán Hiệp định tự do thương mại (FTA).
Theo đánh giá của các chuyên gia thương mại, việc sớm tham gia cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ của các thị trường EU và EFTA cũng như đạt được các quy định về Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa với khối này sẽ là một lợi thế cạnh tranh rất lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vào khu vực thị trường hết sức tiềm năng này.
Bộ Công thương cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 phiên đàm phán về Hiệp định thương mại tự do với khối EFTA gồm bốn thành viên chính thức là Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Lich-ten-xtanh. Phiên đàm phán thứ 8 vừa kết thúc vào đầu tháng 6 với việc 2 bên đã thống nhất được một số nội dung và hiểu biết rõ hơn về khả năng mở cửa thị trường, cũng như các lĩnh vực nhạy cảm của phía đối tác để đàm phán có thể tiến nhanh hơn tại các phiên tiếp theo.