Doanh nghiệp niêm yết khát vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu vốn đang rất cấp thiết, nhưng việc tiếp cận vốn vay ngân hàng của các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) gần như đã cạn.
 Nhu cầu vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp đang tăng cao. Nhu cầu vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp đang tăng cao.

Khó vay vì ngân hàng hết hạn mức

“Chúng tôi đang khát vốn” là câu nói được các doanh nghiệp chia sẻ nhiều nhất ở thời điểm hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc (mã chứng khoán DTL) cho biết, năm ngoái, dịch Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp bị “kẹt”, năm nay lại gặp khó khăn về nhân sự, nguồn vốn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Công ty đang ngóng chờ thông tin về nới room tín dụng để có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Năm 2022, DTL đặt mục tiêu đạt doanh thu 1.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng. So với mức thực hiện của năm 2021, chỉ tiêu doanh thu tăng khoảng 30%, nhưng lợi nhuận giảm gần 11% (giảm 6 tỷ đồng).

Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp sau thời gian dài kiệt quệ vì dịch Covid-19 rất cần vốn để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh trong trạng thái bình thường mới hiện nay, nhưng đang gặp trở ngại do ngân hàng cạn room tín dụng.

Ông Hoàng Mạnh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Năng lượng Sơn Hà (mã chứng khoán SHE) cho hay, Công ty đang tập trung trả nợ cũ, đàm phán khoản tín dụng mới. SHE rất cần vốn, biến động của giá nguyên liệu đã ảnh hưởng lớn đến dòng tiền của doanh nghiệp. Đầu quý II/2022, giá niken trên thế giới tăng đột biến, giá vật tư tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp gặp áp lực tâm lý sợ lỡ kế hoạch kinh doanh khi các hợp đồng giao hàng phải chốt với khách trong từng quý nên phải mua nguyên liệu sớm.

“Giá nguyên liệu khi chúng tôi ký mua ở mức cao, nhưng đến lúc nhận hàng thì quay đầu giảm, khiến Công ty gặp khó khăn bởi giá đầu vào cao, sản phẩm bán khó hơn”, ông Tân nói và chia sẻ, giá vật tư cao ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Công ty. Nếu có vốn, Công ty sẽ mua vật liệu khi giá giảm để trung bình giá, dù hàng tồn kho gần đây tăng lên.

Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, các doanh nghiệp đang rất cần vốn để khôi phục chuỗi cung ứng, tuyển dụng lao động mới, sửa sang nhà xưởng, đổi mới máy móc… Chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh khiến nhu cầu vốn đối với doanh nghiệp lớn hơn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhất là gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp mong muốn gói hỗ trợ lãi suất được thúc đẩy triển khai, đồng thời nới room tín dụng.

Năm 2022, các ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng 14%/năm, phân bổ làm hai đợt gồm 7% cho 6 tháng đầu năm và 7% cho 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 4/2022, không ít ngân hàng đã sử dụng gần hết room được cấp cho nửa đầu năm.

Có thể cuối quý III mới nới room tín dụng

Áp room tín dụng được coi là một biện pháp để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát tăng trưởng tín dụng, kiểm soát cung tiền ra thị trường, từ đó góp phần kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, kiềm chế lạm phát là nhu cầu bức thiết, nhưng việc đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cấp thiết hơn nhiều. Mức tăng trưởng tín dụng hơn 8% hiện tại tuy cao so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp so với nhu cầu thị trường.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vay theo hạn mức phục vụ sản xuất - kinh doanh đã trả xong nợ, muốn vay tiếp nhưng không thể vay được bởi tình trạng ngân hàng cạn room tín dụng.

Thông thường, vào cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông tin về việc cấp room tín dụng cho các ngân hàng kể từ đầu tháng 7. Vì thế, các doanh nghiệp đang mong ngóng thông tin này.

Tính đến ngày 9/6/2022, tín dụng tăng 8,15% so với cuối năm 2021 và tăng 17,09% so với cùng kỳ năm 2021. Tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ cao hơn nhiều so mức trung bình 12 - 14% được duy trì kể từ năm 2018.

Tại cuộc họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022 tổ chức ngày 15/6, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trước diễn biến tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có nhiều biến động, gây áp lực đến kinh tế Việt Nam, chính sách tín dụng, tiền tệ đã chủ động, linh hoạt với bối cảnh bình thường mới, tạo điều kiện tăng tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, đồng thời sẵn sàng cung ứng đủ nguồn vốn cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Bên cạnh kỳ vọng sẽ được vay vốn từ gói hỗ trợ lãi suất 2%, các doanh nghiệp đang mong ngóng ngành ngân hàng nới hạn mức tăng trưởng tín dụng để dễ tiếp cận vốn vay hơn.

Theo Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research), một số rủi ro, thách thức đối với nền kinh tế vẫn còn lớn nên Ngân hàng Nhà nước thể hiện sự thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới khi chia sẻ, việc cấp thêm hạn mức tín dụng sẽ được thực hiện vào thời điểm hợp lý hơn. SSI Research cho rằng, thời điểm hợp lý đó có thể là cuối quý III/2022 và mức điều chỉnh phụ thuộc vào sức khỏe tài chính của từng ngân hàng.

Về gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp để khôi phục sản xuất - kinh doanh, nhiều doanh nghiệp vẫn đang ngóng chờ, dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện và ngày 27/5/2022 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước trị giá 40.000 tỷ đồng (trong 2 năm 2022 - 2023). Ông Tân cho hay, SHE chưa tiếp cận được gói hỗ trợ, trong khi yếu tố quan trọng nhất với doanh nghiệp lúc này là vốn.

“Quan trọng nhất là khơi thông dòng vốn đến đúng chỗ cần. Dòng tiền như dòng máu của doanh nghiệp, nếu thiếu máu sẽ nguy hiểm”, lãnh đạo SHE nêu quan điểm.

Thực tế, các gói hạ lãi suất cho vay hay kích thích kinh tế trong thời gian qua chậm được triển khai, thậm chí bị ách tắc vì nhiều nguyên nhân, trong đó có việc room tín dụng bị khống chế.

“Nới room tín dụng ngân hàng là yêu cầu bức thiết của doanh nghiệp lúc này”, ông Thời nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, trong 3 năm trở lại đây, nhu cầu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng đều trên 20%, nếu để các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao như thế thì áp lực lên lạm phát rất lớn, bên cạnh đó là nguy cơ xuất hiện vòng xoáy: lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay tăng, nợ xấu tăng.

Định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới là chuyển dần vai trò cân đối vốn, đặc biệt là vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế từ hệ thống ngân hàng sang các phân khúc khác của thị trường vốn.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục