Siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán, Việt Nam tự đánh mất cơ hội tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch chiều 11/5, nhiều nhà đầu tư bị tác động tâm lý từ thông tin Ngân hàng Nhà nước có công văn số 3029/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài yêu cầu kiểm soát chặt tín dụng liên quan đến các khoản vay kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tín dụng vào BOT, đầu tư vào trái phiếu.
Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực xây dựng liên tục âm Tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực xây dựng liên tục âm

Cho vay chứng khoán, bất động sản đã nóng chưa?

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tín dụng trong quý I/2021 tăng 2,9% so với cuối năm 2020, cao hơn mức tăng 1,3% trong quý I/2020 và xấp xỉ mức tăng 3,1% trong quý I/2019. Trong đó, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản chiếm 19,6% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Dù vậy bóc tách hàng tháng sẽ thấy con số tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán không cao. Đơn cử, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tháng 2/2021 cho thấy, công nghiệp tăng trưởng 2,02% so với cuối năm 2020; xây dựng thậm chí còn âm 0,67%, các hoạt động dịch vụ khác tăng trưởng 0,86%, thương mại âm 0,1%, vận tải và viễn thông tăng 0,9%, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,16%.

Trong tháng 1, xây dựng cũng là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng âm.

Như vậy có thể thấy, tăng trưởng tín dụng vào bất động sản và chứng khoán (xếp vào nhóm các hoạt động dịch vụ khác) không thuộc nhóm cao nhất.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước tính đến hết quý I/2021, dư nợ lĩnh vực chứng khoán 45.326 tỷ đồng, giảm 1% so với cuối năm 2020.

Dư nợ margin của các công ty chứng khoán là 101,4 nghìn tỷ đồng vào cuối quý I/2021, tăng 53,6 nghìn tỷ đồng so cùng kỳ năm 2020, tương đương tăng 53%...

Nhìn xa hơn, trước khi xuất hiện dịch Covid-19, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên HOSE đạt 5.000 - 6.000 tỷ đồng, tổng dư nợ margin đạt 63.000 tỷ đồng. Hiện nay, giao dịch bình quân mỗi phiên là 22.000 tỷ đồng, như vậy giá trị giao dịch đã tăng 400%, nhưng dư nợ margin mới tăng 80%. Điều này cho thấy người đầu tư chứng khoán hiện nay sử dụng tiền tiết kiệm, tích góp là chính. Huy động tiền nhàn rỗi của người dân vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh là một định hướng lâu nay của Đảng và Chính phủ.

Trong khi đó, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên TTCK Việt Nam hiện cao gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.

Cũng cần lưu ý, đây chủ yếu là nguồn vốn chủ của các CTCK, không phải tiền bơm trực tiếp từ ngân hàng, con số này thậm chí còn thấp hơn con số tuyệt đối mà các CTCK được phép sử dụng cho nghiệp vụ cho vay ký quỹ (CTCK được vay nợ gấp 5 lần vốn chủ theo thông tư 121/2020 của Bộ Tài chính).

Những con số trên cho thấy, tín dụng vào chứng khoán và bất động sản không tăng quá nóng, không có sự đột biến như nhiều ý kiến đang lo ngại.

Siết tín dụng là đi ngược thế giới

Tổng quy mô tín dụng của Trung Quốc hiện nay là 44.000 tỷ USD, gấp 4,4 lần GDP. Trong khi tổng tín dụng của Việt Nam hiện nay vào khoảng 9,5 triệu tỷ đồng, tương đương 401 tỷ USD, GDP của Việt Nam hiện nay là 340 tỷ USD. Như vậy, tín dụng đối với nền kinh tế chỉ tương đương 1,2 lần GDP.

So sánh là khập khiễng nhưng có thể hình dung mối quan hệ giữa quy mô tín dụng và GDP hiện tại.

Chia sẻ của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp gần đây cho thấy, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam đang quá khiêm tốn nên không đáp ứng được các đơn hàng khổng lồ của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Lĩnh vực dệt may là một ví dụ. Lãnh đạo các công ty Gilimex, TNG, MSH đều chia sẻ họ đã vượt quá năng lực sản xuất nên không thể nhận thêm các đơn hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp không thể mở rộng quy mô sản xuất do thiếu vốn, và chi phí lãi vay vẫn rất cao.

Chúng ta cần đặt ra câu hỏi, có nên tăng cung tiền vào chứng khoán để các công ty có thêm vốn mở rộng sản xuất đáp ứng nhu cầu đặt hàng đang rất lớn của thế giới. Việc huy động tiền vào chứng khoán giúp các công ty có ngay tài chính để thực hiện dự án mà không mất thời gian thủ tục vay ngân hàng và chưa phải trả lãi ngay.

Thế giới khắp nơi bị dịch bệnh, rất nhiều nhà máy phải đóng cửa, trong khi nhu cầu hàng hoá vẫn rất cần. Việt Nam chống dịch thành công nên nền sản xuất không bị đình trệ. Bên cạnh đó, hiện Mỹ đánh thuế vào hàng hoá Trung Quốc 25% nên rất nhiều nhà nhập khẩu đã sang đặt hàng tại Việt Nam nhưng các nhà sản xuất Việt Nam không đủ tiềm lực để cung cấp dẫn đến mất khách hàng, mất cơ hội.

Còn tín dụng vào bất động sản, xây dựng tức là tín dụng làm cho các ngành có công ăn việc làm và gia tăng tài sản cho xã hội, công nhân xây dựng có việc làm, ngành vật liệu xây dựng (đá, cát, xi măng, sắt thép, gạch nung và không nung, gạch làm từ xỉ than, gạch sỉ than giúp giảm ô nhiễm môi trường). Ngoài ra còn có các ngành khác như: nội thất, thiết bị điện, nhôm, kính...

Do đó, việc hạn chế tín dụng vào bất động sản sẽ tác động vào rất nhiều ngành, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và cũng gây thiệt hại cho chính nền kinh tế.

Hãy cùng phân tích nhu cầu bất động sản là ảo hay thật?

Nhu cầu bất động sản là nhu cầu thật. Cụ thể, Việt Nam mỗi năm gia tăng dân số 700.000 người nên nhu cầu nhà là 200.000 căn mỗi năm. Bên cạnh đó, người nước ngoài đến Việt Nam sinh sống ngày một tăng do nhu cầu làm việc và Việt Nam là nước nhiệt đới không có mùa đông giá lạnh như các nước bắc Âu, bắc Á, bắc Mỹ.

Bên cạnh đó, chi phí sinh hoạt ở các nước trên rất đắt đỏ, thường gấp 5 - 8 lần so với Việt Nam. Một người nghỉ hưu ở các nước trên có mức lương 2.000 - 3.000 USD, nếu sống ở chính quốc gia họ sẽ khó khăn, nhưng nếu bán nhà và chuyển sang Việt Nam có thể mua được nhà và sinh sống khá thoải mái.

Mặt khác, tại Việt Nam, nhà ở trước đây thường rất nhỏ và chật chội nhưng hiện nay mức sống đã cao hơn nên sẽ có nhu cầu thay đổi chỗ ở. Như vậy, nhu cầu mua nhà của người dân là thật chứ không phải ảo. Tín dụng chảy vào bất động sản là cũng phục vụ nhu cầu thật.

Câu hỏi đặt ra là ngay lúc này có nên bơm tín dụng mạnh mẽ để doanh nghiệp nào có khả năng sẽ chớp cơ hội mở mang sản xuất, góp phần tăng trưởng GDP.

Hàn Quốc là một kinh nghiệm quý để chúng ta tham khảo. Khi khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Thái Lan lan rộng ra thế giới năm 2008, Hàn Quốc đã bơm tín dụng ồ ạt lên tới 40% khác hẳn với các nước khác thắt lưng buộc bụng, co cụm. Các doanh nghiệp Hàn Quốc có nguồn vốn lớn đã mua được công nghệ, máy móc với giá rẻ trong khủng hoảng, gia tăng quy mô sản xuất, xuất khẩu. Nền kinh tế Hàn Quốc đã làm nên kỳ tích khi liên tục tăng trưởng 17 - 18%/năm trong 4 năm liên tiếp, mà thế giới ngày này vẫn gọi là Kỳ tích sông Hàn.

*Lê Quang Vinh, Thành viên HĐQT độc lập Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư TNG

Lê Quang Vinh*

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ