Doanh nghiệp niêm yết: Đến ít, đi nhiều

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 7, số doanh nghiệp niêm yết mới trên cả HOSE và HNX chỉ đạt con số 11, trong khi số mã bị huỷ niêm yết ngày càng nhiều.
Điểm chung ở những cổ phiếu bị hủy niêm yết là giá giảm rất mạnh và/hoặc mất thanh khoản. Điểm chung ở những cổ phiếu bị hủy niêm yết là giá giảm rất mạnh và/hoặc mất thanh khoản.

“Rơi rụng”

Từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ có 6 doanh nghiệp chào sàn HOSE và 5 doanh nghiệp chào sàn HNX.

Trong khi đó, số doanh nghiệp niêm yết trên hai sàn này dần “rơi rụng” sau mùa công bố báo cáo tài chính năm 2021.

Cụ thể, trên HOSE, cổ phiếu PXI bị huỷ niêm yết bắt buộc từ ngày 9/5/2022 do kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, năm 2019 lỗ 10,4 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 50 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 30,3 tỷ đồng.

Tương tự, cổ phiếu RIC bị hủy niêm yết từ ngày 16/5/2022 do lợi nhuận 3 năm liên tục (2019, 2020 và 2021) là con số âm.

Cùng ngày 16/5, cổ phiếu FTM bị hủy niêm yết do kinh doanh thua lỗ trong giai đoạn 2019 - 2021 và tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong cả 3 năm đó.

Ngày 24/6, cổ phiếu PXS rời sàn với lý do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2019, 2020, 2021.

Một số doanh nghiệp đang nằm trong danh sách có nguy cơ bị hủy niêm yết trong thời gian tới như Công ty cổ phần Victory Capital (mã chứng khoán PTL).

Theo HOSE, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 của Victory Capital âm 442,1 tỷ đồng. Cổ phiếu PTL đã bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ ngày 12/7.

Trên sàn HNX, từ ngày 30/6 đến 29/7, các mã cổ phiếu buộc phải rời sàn là ACM, C92, VXB, APP, VIE, SD2, HPM, PDC, TST.

Trước đó, cổ phiếu VIS bị huỷ niêm yết từ ngày 22/4 do không đáp ứng điều kiện có tối thiểu 10% vốn do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải cổ đông lớn nắm giữ theo quy định của Luật Chứng khoán.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu, nhưng việc cổ phiếu bị huỷ niêm yết là chuyện chẳng đặng đừng của các doanh nghiệp. Sau này, khi đủ điều kiện niêm yết, doanh nghiệp quay lại sàn chứng khoán sẽ phải đầu tư nhiều hơn cả về kinh phí, công sức lẫn hình ảnh để lấy lại niềm tin đối với nhà đầu tư. Doanh nghiệp chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên UPCoM.

Cẩn trọng với cổ phiếu hủy niêm yết

Sau khi bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE, HNX, doanh nghiệp sẽ được tự động giao dịch trên UPCoM để duy trì thanh khoản cho cổ phiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp doanh nghiệp chưa thể khắc phục nguyên nhân dẫn đến hủy niêm yết, cổ phiếu chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Điểm chung ở những cổ phiếu bị hủy niêm yết là giá giảm rất mạnh và/hoặc mất thanh khoản. Chẳng hạn, giá cổ phiếu RIC giảm hơn 30% từ ngày nhận thông tin hủy niêm yết (14/4) đến ngày giao dịch cuối cùng tại HOSE (phiên 13/5). Tương tự, giá cổ phiếu PXI giảm 37,6%, PXS giảm 23,1%, VIS giảm 36%… sau khi rời sàn niêm yết xuống sàn UPCoM.

Anh Đức Minh, một nhà đầu tư tại Hà Nội chia sẻ, đầu năm 2022, anh nắm giữ cổ phiếu PXI của Công ty cổ phần Xây dựng công nghiệp và dân dụng Dầu khí. Do công việc bận rộn, anh không biết được thông tin Công ty hoạt động thua lỗ, bị huỷ niêm yết bắt buộc trên HOSE từ ngày 9/5/2022 và chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCoM, nên không kịp bán ra cổ phiếu. Giá cổ phiếu này trong quý I/2022 đạt 7.000 - 8.000 đồng/cổ phiếu, hiện chỉ còn hơn 3.000 đồng/cổ phiếu.

Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á, quy định huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu không đạt yêu cầu của sàn niêm yết là cơ chế tạo ra những hàng hoá chất lượng hơn trên thị trường chứng khoán, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Trong đa số trường hợp, nhà đầu tư không nên mua cổ phiếu của những doanh nghiệp sắp bị huỷ niêm yết. Dấu hiệu nhận biết rủi ro là phân tích báo cáo tài chính để phát hiện tình hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp đang xấu đi, tiếp đó giá cổ phiếu sẽ phản ứng tiêu cực trước khi chính thức bị huỷ niêm yết.

Tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp bị huỷ niêm yết hoặc đe doạ huỷ niêm yết đều có kết cục xấu. Đơn cử, trong quý I/2022, cổ phiếu HAG của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai có nguy cơ phải rời sàn HOSE do kết quả hồi tố báo cáo tài chính cho thấy, doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp 2018, 2019, 2020. Sau đó, HAG thoát khỏi nguy cơ này khi kết quả kinh doanh tích cực trở lại. Hơn 1 tháng qua, giá cổ phiếu tăng tốt nhờ sự cải thiện của yếu tố nội tại doanh nghiệp và hưởng lợi từ giá lợn tăng (mảng chính của HAG là chăn nuôi lợn).

Ông Tuấn cho rằng, sau khi huỷ niêm yết, doanh nghiệp cần thay đổi chiến lược kinh doanh, tiết giảm chi phí để tối ưu hoá hoạt động, hoặc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược…, nếu không thay đổi để tốt lên thì ngay cả UPCoM cũng sẽ không trụ lại được.

“Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu bị huỷ niêm yết cần xác định rõ đầu tư dựa vào điều gì của doanh nghiệp. Nếu tin tưởng vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thì không lo bị phá sản. Nên kiên trì nắm giữ cổ phiếu khi doanh nghiệp có “game” tái cấu trúc mạnh mẽ. Trường hợp không xác định được mục đích thì nên bán ra cắt lỗ”, ông Tuấn nói.

Niêm yết trên sàn chứng khoán là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp khi muốn có thêm một kênh huy động vốn, tăng tính kết nối với cổ đông, tạo thanh khoản cho cổ phiếu và gia tăng giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không đáp ứng được tiêu chí chất lượng hoạt động và các ràng buộc về điều kiện niêm yết thì việc doanh nghiệp phải rời sàn là điều tất yếu.

Doanh nghiệp buộc phải rời sàn cũng phản ánh cơ chế sàng lọc hàng hoá của thị trường chứng khoán. Trong định hướng phát triển thị trường, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước luôn coi việc cơ cấu lại cơ sở hàng hóa, thanh lọc cổ phiếu kém chất lượng và tạo thêm cổ phiếu tốt là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục